Muốn hội nhập thành công, cần nhìn vào nội lực
Nền tảng để hội nhập | |
Thực thi EVFTA: Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm |
Chưa tăng được nhiều nội lực
Hội nhập và mở cửa ngày càng sâu rộng nhưng nội lực không cải thiện nhiều là vấn đề mà các chuyên gia trong nước bấy lâu nay lo ngại. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, quyết tâm mở cửa thị trường và hội nhập đã giúp xuất khẩu, thu hút FDI… của Việt Nam tăng mạnh trong những năm vừa qua, song vấn đề quan trọng nhất là tăng nội lực bên trong lên tương ứng thì lại chưa làm được.
Các chuyên gia, các tổ chức quốc tế cũng quan ngại về điều này. Theo TS. Jacques Morriset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới về thương mại hàng hoá, với độ mở cao gấp 1,5 lần Thái Lan và 5 lần Trung Quốc. Việt Nam cũng đã và đang là một điểm đến có sức thu hút lớn về FDI trong ASEAN. Hiện các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) chiếm đến 66% giao dịch thương mại và các sản phẩm chế biến chế tạo đang là nền tảng xuất khẩu vững chắc (chiếm 2/3 giá trị xuất khẩu) của Việt Nam.
Nhưng vị này chỉ ra một số điểm yếu ngày càng lộ rõ mà dù hội nhập ngày càng sâu nhưng Việt Nam chưa cải thiện được. Đó là mức độ nội địa hoá thấp và đang có xu hướng giảm dần. Theo số liệu đến năm 2018, mức nội địa hóa của Việt Nam chỉ ở mức 28%, kém xa Thái Lan (36%), chỉ bằng hơn một nửa của Trung Quốc (46%), và EU (50%). Bên cạnh đó, một thực tế khác là Việt Nam đang tập trung quá mức vào một số thị trường, sản phẩm, tập đoàn. Đơn cử, bốn ngành/sản phẩm hàng đầu (dệt may, điện tử, hoá chất, và kim loại) đã đóng góp 2/3 tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bốn thị trường lớn nhất (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ) đã chiếm 60% kim ngạch thương mại trong GVC…
Nhấn mạnh hơn vào những điểm yếu, TS.Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB trong chia sẻ tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển (VRDF) 2020 mới đây cho rằng, mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới nhưng mức độ tham gia của Việt Nam vào các GVC vẫn còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước tốp đầu trong ASEAN. “Năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào các GVC, xếp thứ 55 trên tổng số 174 quốc gia. Con số này chưa bằng 1/4 của Philippines với 84,8 tỷ USD và xếp thứ 34”, bà Victoria Kwakwa dẫn chứng.
Một điểm yếu khác là mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam vẫn còn thấp và hạn chế. Hai cấp độ tinh vi phức tạp tiếp theo trong tham gia vào GVC là chế biến chế tạo, dịch vụ tiên tiến và các hoạt động đổi mới sáng tạo. Theo Báo cáo Phát triển Thế giới (WDR) năm 2020, một số nền kinh tế trong ASEAN, như Malaysia, Thái Lan và Philippines hiện đã tham gia được ở cấp độ chế biến chế tạo và dịch vụ tiên tiến, còn Việt Nam thì chưa.
Lao động có kỹ năng và hơn thế nữa
“WDR 2020 ước tính, cứ 1% tăng lên trong tham gia vào GVC sẽ giúp tăng mức thu nhập bình quân đầu người lên hơn 1% - nhiều hơn khoảng hai lần so với thương mại truyền thống. Do vậy, tăng cường được mức độ tham gia của Việt Nam vào GVC là quan trọng để Việt Nam thúc đẩy nhanh năng suất và tăng trưởng”, bà Victoria Kwakwa nói và cho rằng, phát triển kỹ năng là một trong những ưu tiên quan trọng để Việt Nam nâng mức độ tham gia vào GVC, từ mức chế biến chế tạo hạn chế như hiện nay lên mức chế biến chế tạo và dịch vụ tiên tiến. Đồng thời, Việt Nam cũng cần quan tâm đúng mức đến năng lực nghiên cứu - phát triển và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (QSHTT) để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi dần dần sang mức độ cuối trong tham gia vào GVC là các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Theo bà Victoria Kwakwa, liên kết và phối hợp tốt giữa khu vực tư nhân với FDI, cùng với thể chế hữu hiệu và giáo dục có chất lượng sẽ là công thức thành công cho Việt Nam trong tham gia vào các GVC. “Việt Nam đã làm rất tốt trong quá khứ và hiện tại, và tôi tin tưởng Việt Nam thậm chí sẽ làm tốt hơn trong tương lai”, nguyên Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam kỳ vọng.
Không thể phủ nhận một thực tế là hội nhập vào các GVC đã giúp cho xuất khẩu tăng nhanh và tạo ra nhiều việc làm trong các ngành liên quan. Con số trên 20 triệu việc làm (cả trực tiếp và gián tiếp), chiếm khoảng 40% lực lượng lao động hiện nay mà các ngành xuất khẩu tạo ra đã nói lên tất cả. Tuy nhiên theo các chuyên gia, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi chiến lược trong tham gia vào các GVC trong bối cảnh các đột phá công nghệ gần đây đã, đang và sẽ khiến nhu cầu về nhân công giảm trong khi kỳ vọng phải tiếp đến các cấp độ cao hơn trong các GVC của Việt Nam ngày càng tăng.
TS. Jacques Morriset cho biết, có nhà đầu tư tại Việt Nam trong vòng 10 năm có sản lượng tăng gấp đôi nhưng nhân công giảm 40%. Điều tương tự cũng diễn ra trên cấp độ toàn cầu khi nhìn lại từ đầu những năm 1990 đến nay, thâm dụng lao động trong ngành điện tử đã giảm một nửa. Những thực tế đó đặt ra đòi hỏi cần thay đổi chiến lược.
Và theo TS. Jacques Morriset, định hướng chiến lược mới cần làm sao tối ưu hoá tác động của các GVC đối với Việt Nam. Theo đó, bổ sung thêm về những việc cần làm, chuyên gia này cho rằng một trong những ưu tiên cần tập trung là phát triển nguồn lao động có kỹ năng tốt để vượt lên cấp độ gia công, lắp ráp đơn thuần, đồng thời xây dựng được mạng lưới các nhà cung cấp, các nhà phân phối nội địa - một điểm nghẽn then chốt theo đánh giá của hầu hết các nhà đầu tư hoạt động tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng (cả cứng và mềm) để tăng cường kết nối Việt Nam với các thị trường toàn cầu cũng như cải thiện liên kết giữa các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng không kém phần quan trọng.
Tiếp tục nhấn mạnh về mục tiêu phải nâng nội lực, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Nếu không tăng được nội lực, không làm cho mình khỏe lên mà chỉ dựa vào người khác thì mình sẽ không bao giờ “lớn” lên được”. Đồng thời, chuyên gia này cũng kỳ vọng những FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, cộng hưởng với nhưng tác động do đại dịch Covid-19 gây ra (khiến các chuỗi cung ứng đứt gãy và làm trầm trọng thêm những vấn đề đã tồn tại trước đó) sẽ là những động lực để Việt Nam thực sự thay đổi, qua đó hiện thực hóa được các khát vọng vươn lên trong các nấc thang phát triển.