Doanh nghiệp thủy sản có thể khó đến hết năm
Thủy sản trước thách thức mới | |
Thay đổi để thích ứng với EVFTA |
Chưa bao giờ mà các DN thủy sản lại đối mặt với nhiều khó khăn như năm 2020. Đơn cử, tại Công ty thủy sản Vĩnh Hoàn, dịch bệnh lan rộng khiến cho các đơn hàng xuất khẩu bị gián đoạn, đi kèm với đó là nhu cầu tiêu dùng cá tra cũng sụt giảm mạnh tại Mỹ và châu Âu do người dân tăng tích trữ thực phẩm khô và đồ hộp. Bởi thế nên trong 2 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn giảm đến 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, Tập đoàn thủy sản Minh Phú - một ông lớn trong ngành tôm cũng có tới 35-50% các đơn hàng tại Mỹ và châu Âu bị hủy hay tạm dừng vì dịch bệnh. Lãnh đạo công ty cho biết lượng hàng xuất khẩu trong phần còn lại của năm sẽ khó có thể lạc quan.
Riêng Công ty cổ phần Nam Việt cho biết, lượng cá tra xuất khẩu vẫn tăng trưởng 5% trong 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên do giá bán thấp hơn, nên kim ngạch xuất khẩu lại giảm 25% so với cùng kỳ, chỉ đạt 15,9 triệu USD.
Ảnh minh họa |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 1,5 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019; hầu hết các mặt hàng thủy sản xuất khẩu đều giảm, trong đó xuất khẩu cá tra chỉ đạt 238 triệu USD, giảm 61,5%... Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), nguyên nhân khiến xuất khẩu cá tra giảm mạnh do Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất cá tra Việt Nam (chiếm 35%), nên dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn. Hệ thống bán lẻ, siêu thị đình trệ, hệ thống giao nhận bị tắc nghẽn nên xuất sang thị trường này bị sụt giảm mạnh 52% trong 2 tháng đầu năm.
Trong phần còn lại của năm nay, triển vọng phục hồi vẫn chưa chắc chắn khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo VASEP, việc ký kết đơn hàng mới đang gặp nhiều khó khăn do các nhà nhập khẩu lo ngại diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Rất nhiều DN vừa và nhỏ gần như không có đơn hàng mới, trong khi các DN khác có được đơn hàng mới nhưng không nhiều.
Bên cạnh đó, khó khăn trong khâu thông quan, vận chuyển tại các thị trường có thể sẽ làm tăng chi phí bán hàng và chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho cho các DN. Thậm chí nhiều DN đang gặp khủng hoảng về kho lạnh khi các kho hàng đang hoạt động hết công suất, không thể trữ thêm nguyên liệu vì đã ưu tiên để chứa thành phẩm tồn kho.
Bất cứ đại dịch nào rồi cũng sẽ qua nhưng 2020 dự kiến sẽ là năm đáng buồn nhất cho ngành thủy sản trong vòng 5 năm trở lại đây. Vào thời điểm hiện tại, VASEP khuyến cáo các DN thủy sản Việt Nam nên phân bổ tài chính, nguồn lực thích hợp để vượt qua giai đoạn mà nhu cầu từ tất cả các thị trường đều sụt giảm, đồng thời sát cánh cùng người nuôi để giữ ổn định nguồn nguyên liệu sản xuất.
Giá cổ phiếu của “họ thủy sản” giảm sâu đến mức khó tin chỉ trong 3 tháng đầu năm. Theo tính toán của chứng khoán FPTS, tính đến ngày 27/3/2020, chỉ số thu nhập trên cổ phiếu (P/E) của ngành thủy sản đã giảm về mức thấp nhất trong giai đoạn từ 2017 cho đến nay, 3,6x. Sự sụt giảm phần nào đã phản ánh những khó khăn mà ngành thủy sản xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt khi dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu.
Tất nhiên, giá cổ phiếu hấp dẫn cũng là cơ hội để các nhà đầu tư dài hạn nâng cao tỷ lệ sở hữu tại các thương hiệu lớn, nhằm đón đầu cơ hội phục hồi có thể diễn ra vào cuối 2020. Đơn cử như với thị giá giảm sâu và hiện chỉ còn 26.200 đồng, tương đương với chỉ số P/E xấp xỉ 4x, cổ phiếu VHC của Vĩnh Hòa đang ở mức rất hấp dẫn cho những nhà đầu tiên dư giả tiền mặt. Tương tự, cổ phiếu của Minh Phú hiện chỉ là 20.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với P/E chỉ là 7,8x, hay cổ phiếu ANV của thủy sản Nam Việt đang đứng ở mức 16.500 đồng (P/E chỉ là 3,1x).
Tại thủy sản Hùng Vương, nhóm cổ đông có liên quan đến Tập đoàn ô tô Trường Hải đã liên tục mua vào và hiện đang nắm giữ tổng cộng gần 79,5 triệu cổ phiếu HVG, tương đương 35,01% vốn điều lệ của Hùng Vương, đồng thời trở thành nhóm cổ đông lớn thứ hai sau Chủ tịch Dương Ngọc Minh với tỷ lệ 38,27%.