Thay đổi để thích ứng với EVFTA
Thể chế vẫn cách xa thông lệ quốc tế | |
EVFTA tác động thế nào đối với ngành dệt may | |
Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội của EVFTA? |
Cơ hội mở rộng thị trường
Mới đây, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) đã chính thức được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua. Qua đây, các DN xuất khẩu nói chung và DN xuất khẩu thủy sản trong nước nói riêng sẽ có thêm cơ hội phát triển.
Với những cam kết, EVFTA bảo đảm cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, được đánh giá sẽ tác động tích cực cho các bên, nhất là trong lĩnh vực thương mại, mang đến nhiều lợi ích cho người lao động, người tiêu dùng.
Theo đó, cam kết đáng chú ý là ngay khi EVFTA có hiệu lực, gần 50% dòng thuế đang có thuế suất từ 0 - 22%, trong đó phần lớn đang ở mức 6 - 22% sẽ được giảm về 0%. Phần còn lại với thuế suất cơ sở 5,5 - 26% sẽ được về 0% trong 3 - 7 năm sắp tới. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt 11.500 tấn và 500 tấn...
Nguồn nguyên liệu thủy sản phải tuân thủ theo quy định (khai thác IUU) |
Lợi ích EVFTA mang lại rất rõ để thúc đẩy tăng trưởng, mở rộng thị trường hàng hóa, dịch vụ với ưu đãi về thuế đối với người tiêu dùng, cơ hội đầu tư, kinh doanh cho DN, hứa hẹn mở ra nhiều việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động đối với cả Việt Nam và EU.
Song để hưởng được điều kiện thuận lợi và phát huy cơ hội này, theo các chuyên gia, ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. Đơn cử, Bình Định là địa phương có ngành thủy sản phát triển mạnh, theo đó khi EVFTA có hiệu lực, đồng nghĩa với việc địa phương, DN và người dân được hưởng lợi. Do đó, địa phương và DN cần tích cực hoàn thiện hoạt động sản xuất, chế biến các mặt hàng thủy sản, đảm bảo đúng nguồn gốc xuất xứ; hoạt động đánh bắt, khai thác cũng phải tuân thủ đúng các quy định.
Theo Giám đốc Công ty cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn, ông Mai Ngọc Sơn, muốn hưởng lợi từ các ưu đãi của EVFTA mang lại, bắt buộc các DN thủy sản phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Lợi thế của DN thủy sản Việt Nam là đã xuất hàng sang EU và nhiều nước trên thế giới từ lâu. Việc được giảm thuế sẽ tăng sức cạnh tranh về giá với các nước khác, tạo cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ ở EU... và các DN phải thực hiện đúng các quy định để được hưởng lợi.
Còn bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifisco) chia sẻ, Bidifisco - một trong những DN xuất khẩu thủy sản lớn của tỉnh Bình Định, đã có nhiều đột phá trong việc mở rộng thị trường mới nhằm giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng thẻ vàng EU. Cơ hội từ EVFTA sẽ mang nhiều lợi ích cho DN xuất khẩu vào thị trường này. Nhưng khi EU chưa rút thẻ vàng thì DN sẽ gặp nhiều khó khăn. Để vào được thị trường EU, ngành thủy sản Việt Nam còn nhiều việc phải làm như hoạt động đánh bắt phải đảm bảo tuân thủ đúng những quy định. Tiếp đến, khâu chế biến, bảo quản, đảm bảo không có dư lượng kháng sinh hoặc chất bảo quản… Nếu không, được ưu đãi nhưng hàng hóa không vào được thị trường thì cũng không có giá trị gì cả.
Tuân thủ và giám sát chặt chẽ
Theo các chuyên gia, vấn đề cần phải làm là các địa phương phải giám sát cho được việc khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Khuyến cáo ngư dân phải tuân thủ theo quy định khai thác IUU. Đây là việc cấp bách và quan trọng không chỉ để Việt Nam gỡ thẻ vàng IUU của EU mà đảm bảo việc tuân thủ các điều khoản trong EVFTA.
Vậy nên, các DN cần nắm bắt và áp dụng linh hoạt quy tắc của EVFTA, trung thực về quy tắc xuất xứ nguồn gốc. Đồng thời, nỗ lực tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước và tại các đối tác FTA. Cùng với đó, cải thiện tỷ lệ tận dụng các ưu đãi thuế quan. Bên cạnh đó, các DN cần phải tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm; tham gia chuỗi cung ứng khu vực… để tận dụng cơ hội từ EVFTA.
Hơn nữa, các DN thủy sản phải nâng cao trình độ quản trị trong hợp tác kinh tế quốc tế; Chú trọng thực hiện, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững trong EVFTA. Song song, DN cần chủ động nghiên cứu thông tin, xây dựng kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn.
Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn động thực vật của EU, ngoài cải thiện công nghệ, chất lượng sản phẩm, DN cần nâng cao chất lượng nhân lực, trình độ quản lý…
Đối với chính quyền các địa phương, cần đẩy mạnh tuyên truyền, rà soát khung pháp lý các chính sách hỗ trợ phù hợp với EVFTA, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh các DN xuất khẩu thủy sản đạt hiệu quả với cam kết của Việt Nam trong EVFTA...