Thủy sản trước thách thức mới
Thay đổi để thích ứng với EVFTA | |
Doanh nghiệp thủy sản vượt khó | |
Ngành thủy sản ứng phó với tác động từ dịch bệnh |
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban Tôm (thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam - VASEP) nhắc lại, trong tháng 2/2020, Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đang phát triển. Vốn là thị trường xuất khẩu chủ lực nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, nên động thái này của phía Mỹ đã tạo ra sức ép lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là doanh nghiệp thủy sản, khi không còn nhận được ưu đãi dành cho nước đang phát triển ở ngay trên thị trường Mỹ.
Các DN thủy sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều thử thách |
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhận định, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, một số mặt hàng có sự tăng trưởng đột biến về xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam và từ Việt Nam sang Mỹ đã khiến chính quyền của Tổng thống Donald Trump nghi ngờ.
Thêm vào đó, gần đây, một số công ty nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ đã vi phạm về xuất xứ hàng hóa và ghi nhãn mác bao bì “Made in Vietnam” nhằm trốn thuế. Đáp trả những chiêu trò đó, Mỹ đã nâng hạng Việt Nam trở thành nước phát triển để ngăn chặn trục lợi xuất khẩu. Đây là bất lợi lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, bởi Mỹ là một trong những đối tác nhập khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam.
Điều này lại diễn ra trong thời điểm ngành thủy sản gặp khó khăn do sụt giảm kim ngạch xuất khẩu ở hầu hết các thị trường chủ lực. Thống kê 2 tháng đầu năm 2020 của VASEP cho thấy, xuất khẩu thủy sản của cả nước giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, xuất khẩu cá tra giảm tới 64%, xuất khẩu các mặt hàng hải sản cũng giảm 22%. Các thị trường xuất khẩu chủ lực như Nhật Bản giảm 20%, Mỹ giảm mạnh 36%. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) ghi nhận mức giảm tới 45%.
Theo ông Võ Hùng Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, việc sụt giảm doanh thu của ngành, ngoài nguyên nhân từ bùng phát dịch bệnh còn đến từ yếu tố cạnh tranh gay gắt về giá và tiêu chuẩn chất lượng khắt khe hơn tại các thị trường khó tính. Đơn cử như thị trường Mỹ có sự siết chặt từ chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản đến việc áp đặt mức thuế chống bán phá giá khá cao, đã giảm rất nhiều cơ hội của DN Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này, kể cả đối với những DN lớn.
Đến nay, khi Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đang phát triển, doanh nghiệp xuất khẩu tôm, cá tra Việt còn khó khăn hơn nữa. Bởi như vậy, thuế nhập khẩu cá tra, tôm vào Mỹ sẽ tăng từ 5% - 25% (hiện tại từ 0% - 3% với một số sản phẩm). Với mức tăng thuế này (khi áp dụng) thì sản phẩm thủy sản xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam (tôm, cá tra) sẽ rất yếu thế khi cạnh tranh với các nước đối thủ như Thái Lan, Bangladesh…
Đến đây cũng nên nhìn lại các cơ hội phía trước của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khi Việt Nam ký các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Ví dụ như trong thỏa thuận của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các nước đối tác (Canada, Peru, Mexico…) đã cam kết xóa bỏ ngay hoặc xóa bỏ trong vòng 2-3 năm đối với hầu hết sản phẩm thủy sản sơ chế của Việt Nam, bao gồm cá tra, cá ngừ, tôm, thịt cua và nhuyễn thể...
Tuy nhiên, trước khi nắm được những thuận lợi lớn này trong tương lai, thì hiện tại doanh nghiệp thủy sản Việt đang rất khó khăn.