Doanh nghiệp tư nhân hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế
Tiền đổ vào các dự án xanh, sạch
Cuối tháng 6/2022, DNP Water - một doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực nước sạch đã chính thức được Tập đoàn Samsung Engineering lựa chọn trở thành đối tác đầu tư chiến lược tại Việt Nam. Theo đó, thông qua việc mua lại toàn bộ khoản vay chuyển đổi của IFC (trị giá 41 triệu USD), Samsung chính thức sở hữu 24% của DNP Water và dự kiến sẽ sử dụng nguồn vốn của mình để đầu tư các dự án cấp nước quy mô lớn, hướng tới chống biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và triển khai các dự án xử lý nước thải tại các đô thị đang phát triển.
Trước đó không lâu, dự án “siêu cảng” ICD Vĩnh Phúc của Liên danh nhà đầu tư T&T Group và YCH đã được IFC cam kết tài trợ vốn, đồng thời đứng ra đại diện huy động từ nước ngoài để hoàn thành trung tâm logistics quy mô lớn nhất miền Bắc. Trong khi đó, Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa (Novaland) ở phía Nam cũng đã công bố nhận đầu tư thành công 250 triệu USD từ nhóm quỹ đầu tư do Warburg Pincus dẫn đầu. Khoản vay này được phân bổ cho việc gia tăng quỹ đất và phát triển các dự án hiện hữu của Novaland các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, dòng vốn quốc tế hiện nay đang tỏ ra khá hấp dẫn đối với các lĩnh vực kinh tế mới và có thế mạnh tại Việt Nam, tiêu biểu như: năng lượng xanh, hạ tầng công nghệ, nước sạch và an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực tế cho thấy, ngoài các tập đoàn lớn thuộc lĩnh vực bất động sản như Novaland, Hưng Thịnh, Đất Xanh, Vingroup… trực tiếp huy động thành công các khoản vay và đầu tư từ nước ngoài, thì các khoản vay hợp vốn quốc tế cũng đã được nhiều NHTM trong nước tiếp cận để tạo ra các ưu đãi hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân.
Dịch chuyển dần sang các mô hình sản xuất xuất khẩu thâm dụng tri thức giúp tăng cơ hội hợp tác quốc tế |
Chẳng hạn, mới đây US International Development Finance Corporation (DFC - một tổ chức tài chính của chính phủ Mỹ) đã chính thức tài trợ khoản vay 200 triệu USD cho SeABank để hỗ trợ lãi suất cho vay với những doanh nghiệp phát triển bền vững lĩnh vực năng lượng xanh hoặc các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. VPBank và VIB trước đó cũng đã nhận các khoản vay hợp vốn quốc tế vì mục đích tương tự với giá trị lần lượt 75 triệu USD và 260 triệu USD từ các định chế tài chính lớn là JICA, ADB, UOB…
Các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy rằng, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2022, dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) hiện đã tiếp cận được trên 550 doanh nghiệp ở các lĩnh vực ngành nghề để hỗ trợ số hóa và cải thiện năng lực kinh doanh. Ngoài ra, hiện nay USAID cũng đang lên kế hoạch đầu tư 200 tỷ USD để tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu. Trong đó, các dự án năng lượng sạch, công nghệ số, dữ liệu và an ninh y tế tại khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng dự kiến sẽ là trung tâm thu hút vốn đầu tư của dòng vốn này.
Tự hoàn thiện để có nhiều cơ hội
Theo các chuyên gia tại USAID, hiện nay vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng trở nên quan trọng trong việc khép kín các chuỗi cung ứng toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, thời gian gần đây chỉ số xếp hạn tín nhiệm quốc gia được nâng lên đáng kể sẽ là điểm tựa để các doanh nghiệp tư nhân trong nước huy động vốn nước ngoài với mức lãi suất ưu đãi hơn.
Ông Louis Nguyễn - Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Saigon Asset Management nhận định, việc các tập đoàn lớn trong nước huy động thành công nguồn vốn thông qua phát hành trái phiếu quốc tế, đồng thời mở rộng đầu tư ở các thị trường nước ngoài là tín hiệu khởi sắc cho thấy khả năng hấp dẫn vốn ngoại vào khối tư nhân đang ngày một tốt hơn. Các lĩnh vực bất động sản, công nghệ số thông minh đang là nhóm lĩnh vực mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thu hút được nhiều vốn quốc tế nhất. Tuy nhiên, về lâu dài các tổ chức tài chính quốc tế quan tâm nhiều đến các dự án phát triển bền vững, đóng góp vào sự công bằng cho xã hội, ảnh hưởng tích cực đến môi trường. Vì thế, xu hướng đầu tư vào nhóm “doanh nghiệp xã hội” sẽ là xu hướng được nhiều tổ chức, tập đoàn quốc tế lựa chọn.
Từ góc độ đầu tư, ông Nate Easter - Phó Chủ tịch điều hành phụ trách nguồn cung ứng toàn cầu của Tập đoàn Techonic Industries (TTI) cho rằng, việc tạo dựng các chuỗi cung ứng hàng hóa luôn cần sự hợp tác của hệ sinh thái các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ. Hầu hết các tập đoàn đa quốc gia đến Việt Nam đều phải xây dựng chuỗi doanh nghiệp cung ứng và các đại lý phân phối theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khá hạn chế cả về năng suất, sản lượng và tài chính khiến việc gia nhập hệ sinh thái sản xuất - tiêu thụ hàng hóa rất khó khăn, đồng thời các doanh nghiệp tư nhân nhỏ cũng bỏ qua nhiều cơ hội tiếp cận các khoản tài trợ, hỗ trợ tài chính từ đối tác và các chính sách hỗ trợ khác.
Để tăng năng lực cạnh tranh và gia tăng cơ hội tiếp cận các khoản tài trợ vốn quốc tế, ông Rasmus Nedergaard - Chuyên gia hoạch định chiến lược của Dự án IPSC cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân cần nhận thức tốt hơn và toàn diện hơn về chiến lược kinh doanh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Theo đó, việc tiếp cận các mô hình quản lý mới và hòa nhập với chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như đáp ứng các tiêu chí minh bạch về tài chính, đảm bảo phát triển bền vững phải được quan tâm và tập trung cải thiện.
“Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng chuyển dịch lên các công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, bản thân các doanh nghiệp cũng cần dịch chuyển theo hướng chuyển dần sang các mô hình sản xuất xuất khẩu thâm dụng tri thức và các ngành có giá trị gia tăng cao hơn. Từ đó mở ra các cơ hội hợp tác quốc tế và đưa sản phẩm, dịch vụ đi các thị trường nước ngoài”, ông Rasmus nhận định.