Doanh nghiệp Việt "dẫn dắt" thị trường M&A
Khó tránh tranh chấp trong thương vụ M&A | |
M&A gia tăng nguồn lực cho thị trường bất động sản | |
Kỳ vọng M&A ngân hàng sôi động hơn |
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), 2022 là một năm sôi động đối với các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam. Hoạt động M&A tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp trong nước, quỹ đầu tư nước ngoài. Trong đó, nổi bật là các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm, thương mại điện tử, logistics.
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, lĩnh vực bất động sản có khoảng 20 giao dịch nổi bật, đáng chú ý là sự kiện CTCP DRH Holdings cho công ty con là CTCP Kinh doanh và Phát triển bất động sản Đông Sài Gòn nhận chuyển nhượng lên đến 99% cổ phần tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Hòa Bình; hay Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) mua 57,82 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex; CTCP Phát triển Sunshine Homes nhận chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Sao Ánh Dương...
Bên cạnh đó, lĩnh vực bán lẻ cũng có khoảng 10 giao dịch nổi bật, trong đó Masan chi 110 triệu USD (tương đương 2.500 tỷ đồng) để mua thêm 31% cổ phần và trở thành công ty mẹ của chuỗi trà sữa Phúc Long. Sau giao dịch, Tập đoàn Masan sở hữu tổng cộng 51% cổ phần Phúc Long.
Trong lĩnh vực thực phẩm có khoảng 7 giao dịch, nổi bật là giữa Nova Consumer và Công ty TNHH Thực phẩm Mặt trời mọc (Sunrise Foods), qua đó Nova Consumer sở hữu Công ty Anco Family Food; Liên doanh giữa Hoàng Anh Gia Lai và Công ty Dược phẩm Đông Á để thành lập Công ty Bapi…
Bên cạnh đó, còn phải kể đến một số giao dịch đáng chú ý trong các lĩnh vực khác như nhóm doanh nghiệp của CTCP Hoàng Anh Gia Lai mua 100% cổ phần của CTCP Gia súc Lơ Pang; CTCP Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ liên doanh với CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam hợp tác phát triển chăn nuôi lợn; Tập đoàn PAN đã chi hơn 524 tỷ đồng mua thâu tóm cổ phiếu Bibica…
Điều đáng nói, trong 62 giao dịch M&A, có tổng số 202 doanh nghiệp tham gia với 82 doanh nghiệp nước ngoài (chiếm 40,59%), các doanh nghiệp nội địa chiếm ưu thế hơn với 120 doanh nghiệp. Theo nhận định của các chuyên gia, phần lớn các doanh nghiệp trong nước sử dụng M&A để tập trung nguồn lực vào nâng cao quy mô, năng lực và chuyển đổi các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, cũng như tận dụng thế mạnh của đối tác, mở rộng thị trường.
Mới đây nhất, tại Hội nghị nhà đầu tư năm 2022, ông Andy Ho, Tổng giám đốc Hội đồng Đầu tư của VinaCapital cho biết, với việc nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, các doanh nghiệp trong nước sẽ liên tục phát triển và tạo ra lợi nhuận bền vững cho nhà đầu tư trong dài hạn; các công ty được quỹ đầu tư hỗ trợ, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, vẫn đang ghi nhận doanh thu ổn định, thậm chí cao hơn giai đoạn trước đại dịch. Những thông tin tích cực sẽ trở thành đòn bẩy kích hoạt cho thị trường M&A Việt Nam với các thương vụ đình đám hơn vào cuối năm nay hoặc năm 2023.
Dữ liệu thống kê của KPMG cho thấy, trong vòng 3 năm qua, nhà đầu tư trong nước vẫn thống trị các giao dịch M&A và ngày càng tích cực. Nhiều tập đoàn lớn trong nước nắm bắt cơ hội để đa dạng hóa hoạt động trên thị trường hiện tại và đầu tư vào những lĩnh vực khác khi nền kinh tế đang phục hồi. Trong đó, việc mua lại các doanh nghiệp công nghệ là một động thái đảm bảo thành công cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với xu hướng phát triển chung.
Với 93 thương vụ M&A đã hoàn thành trong 10 tháng của năm 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành người dẫn dắt thị trường với giá trị 1,3 tỷ USD, tăng thêm 10% so với cùng kỳ năm 2021 (Singapore đứng thứ hai với giá trị 1,2 tỷ USD).
Theo TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, dù bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn nhưng thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục sôi động. Đặc biệt, nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới của cộng đồng doanh nghiệp trong nước đòi hỏi sự bổ sung mạnh mẽ không chỉ ở nguồn vốn, mà còn là các công nghệ mới và kỹ năng quản trị hiện đại.
Bên cạnh đó, sự nổi lên của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước với tư cách là bên mua đang dần trở thành một đối trọng với những tập đoàn, quỹ đầu tư ngoại. Đồng thời, sự bùng nổ của những hoạt động kinh tế mới, nhất là những lĩnh vực công nghệ sáng tạo, cũng khiến những phương thức hợp tác truyền thống trở nên không còn phù hợp…
"Thực tế, môi trường kinh tế thế giới đầy biến động như hiện nay sẽ tạo ra những điều kiện tốt để kích hoạt những cơ hội M&A mới. Đây chính là lúc để hoạt động M&A thể hiện ưu thế trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực đạt được mục tiêu phát triển của mình. Thị trường M&A tại Việt Nam hiện đang như một chiếc lò xo bị nén chặt, chỉ chờ cơ hội bật lên mạnh mẽ", TS. Thiên nhận định.