Khó tránh tranh chấp trong thương vụ M&A
M&A gia tăng nguồn lực cho thị trường bất động sản | |
Kỳ vọng M&A ngân hàng sôi động hơn | |
M&A: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp |
Cùng với sự gia tăng của các thương vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp, rủi ro pháp lý tiềm ẩn liên quan tới các vụ việc này cũng tăng trong vài năm trở lại đây. Số liệu của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy, tranh chấp trong hoạt động mua bán cổ phần và thỏa thuận cổ đông đang phát sinh nhiều hơn. Vấn đề này được các luật sư thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong giải quyết tranh chấp tại hội thảo “Tranh chấp nội bộ doanh nghiệp - từ thực tiễn trọng tài quốc tế”, do VIAC tổ chức ngày 8/9.
Thị trường sôi động, tranh chấp gia tăng
Dẫn Báo cáo xu hướng M&A toàn cầu 2021 của PwC, ông Ngô Thanh Tùng - Tổng thư ký VIAC cho biết, trong 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã có tác động hỗn hợp tới thị trường M&A toàn cầu. Sự tác động của đại dịch là một trong những nguyên nhân tạo ra nhiều thương vụ M&A mới.
Tại Việt Nam, các thương vụ gia tăng mạnh mẽ trong năm 2021 và tiếp tục sôi động trong 6 tháng đầu năm 2022. Thị trường biến động mạnh mẽ đồng thời tạo ra nhiều tranh chấp nội bộ, tranh chấp giữa các cấp điều hành và các nhóm cổ đông cũng tiếp tục phức tạp hơn.
Tranh chấp phức tạp đặt ra yêu cầu cho các bên tham gia giải quyết bằng các phương thức như hòa giải, trọng tài phải trang bị và nâng cao những kỹ năng cần thiết.
Tranh chấp phổ biến nhất thường liên quan tới tính toán giá trị một thương vụ. |
Bà Lê Thị Thương - chuyên viên tư vấn cao cấp Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF) cho biết, trong giai đoạn 2000-2019, số lượng giao dịch M&A có sự tham gia của trọng tài tăng khoảng 3%/năm, nhưng kể từ năm 2020 tới nay thì con số này tăng tới trên 20%/năm.
Bà Thương chỉ ra trong một giao dịch M&A có 5 giai đoạn phổ biến, bao gồm: đàm phán khởi động; ký thư bày tỏ ý định sơ bộ; sắp xếp thẩm định; đàm phán hợp đồng thỏa thuận mua bán (SPA); hoàn tất hợp đồng và ký thỏa thuận hoàn tất giao dịch.
“Mỗi giai đoạn trong thương vụ M&A đều có khả năng xảy ra tranh chấp, kể từ giai đoạn khởi động khi các bên ký xong hợp đồng bảo mật hay độc quyền thông tin cho tới khi đàm phán xong, bên bán yêu cầu bên mua đặt cọc, hay sau khi đã hoàn tất các bước này… rất có thể đã có trục trặc xảy ra mà các bên đều không lường trước được”, bà Thương nói.
Chia sẻ thực tiễn quốc tế, ông Tom Abeln - Công ty Luật De Brawn Blackstone Westbroek cho biết thêm, trước và sau một thương vụ M&A đều có khả năng xảy ra tranh chấp. Tranh chấp tiềm ẩn ngay từ các điều khoản bảo mật thông tin, giá trị thương vụ, hay tình trạng tài chính không như kỳ vọng…
Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, tranh chấp phát sinh chủ yếu liên quan tới giá trị thương vụ. Trong trường hợp này, mỗi bên đưa ra những tính toán về khả năng phát triển của doanh nghiệp trước và sau dịch bệnh có sự vênh nhau.
“Câu hỏi phổ biến trong giai đoạn vừa qua là bên mua có thể ngừng giao dịch vì lý do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh được không. Thì tôi xin trả lời rằng bên bán là khách hàng của chúng tôi đã thắng và trọng tài phán quyết không có lý do gì mà không tiếp tục giao dịch cả”, ông Tom Abeln chia sẻ.
Cần chuẩn bị kỹ về pháp lý
Tại hội thảo, các chuyên gia pháp lý cũng chia sẻ về những vấn đề tranh chấp có thể xảy ra sau khi ký hợp đồng thực hiện một thương vụ M&A. Đầu tiên là điều khoản về lợi nhuận kỳ vọng cho phép bên mua có thể nhận được các khoản thanh toán sau khi hoàn tất hợp đồng. Thông thường, các bên khó thống nhất với nhau về việc hiệu quả hoạt động thực tế của doanh nghiệp sẽ được đo lường như thế nào, cùng với đó là các phép toán được sử dụng để tính toán hiệu quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, tranh chấp xảy ra còn do bên bán hoặc bên mua đã vận hành doanh nghiệp theo hướng tăng chi phí dẫn tới lợi nhuận không được như kỳ vọng, nhưng lại không có căn cứ cụ thể để đánh giá xem sự sụt giảm lợi nhuận này xuất phát từ bên nào.
Tranh chấp khác là các yêu cầu bồi thường. Theo đó, bên mua có thể đòi hỏi có bồi thường do mức giá bị khai khống vì các khoản nợ, hoặc chi phí không được bộc lộ chính xác khi đàm phán, làm mất khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Trong giai đoạn soạn thảo và đàm phán hợp đồng này, các bên cần đưa ra các khoản yêu cầu bồi thường trong trường hợp phát sinh những tranh chấp pháp lý tiềm ẩn.
Một vấn đề tranh chấp khác có thể xảy ra là vi phạm hoặc các bên không thống nhất thực hiện các điều khoản về chống cạnh tranh, bảo mật các bí mật kinh doanh.
“Các tranh chấp trong hợp đồng M&A cần được liệt kê rõ bằng các điều khoản nhất định và quy định cụ thể cả thời gian có hiệu lực của các điều kiện, điều khoản này”, Luật sư Lê Thị Thương khuyến nghị.
Do tính chất phức tạp và khó lường của các tranh chấp có thể phát sinh trong một thương vụ M&A, các chuyên gia pháp lý khuyến nghị nhà đầu tư cần tham vấn sâu ý kiến của luật sư trong quá trình soạn thảo hợp đồng. Khi phát sinh tranh chấp, nhà đầu tư có thể tìm tới trọng tài thương mại quốc tế để tiến hành hoà giải. Trên thực tế, giải pháp này đã được công nhận rộng rãi và có hiệu quả cao.
Bà Vũ Thị Hằng, Phó trưởng Ban thư ký VIAC phân tích, Điều 14 của Luật Dân sự đã quy định rõ khi có vi phạm về quyền dân sự thì các bên có thể sử dụng trọng tài để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Tại Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ cần tìm từ khoá “trọng tài” thì có thể thấy xuất hiện rất nhiều trong các điều khoản, cho thấy phương thức trọng tài và phán quyết trọng tài đã được công nhận trong các quy định của pháp luật.
Ngoài ra các tranh chấp liên quan mua bán cổ phần, mua bán doanh nghiệp… các bên trong tranh chấp có thể sử dụng phương thức trọng tài, toà án để xử lý tranh chấp của mình.
Bà Hằng cũng đưa ra lời khuyên, khi xảy ra tranh chấp, các bên cần cân nhắc trong việc lựa chọn trung tâm trọng tài, tiếp theo là đàm phán về các điều khoản trọng tài với các bên liên quan. Điều quan trọng là phải biết bối cảnh của tranh chấp, luật áp dụng.
Hiện nay, các tranh chấp trong kinh doanh tại Việt Nam liên quan rất nhiều tới yếu tố nước ngoài, vì vậy việc lựa chọn trung tâm trọng tài thương mại cần đảm bảo tính trung lập, áp dụng cả luật quốc tế và pháp luật trong nước.