Doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ: Đẩy mạnh kết nối kinh doanh và đầu tư
Chương trình “Kết nối kinh doanh toàn cầu”: Cùng nhau vươn ra thế giới VietinBank và MUFG phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối kinh doanh 2022 |
“Khuôn khổ mới Đối tác chiến lược toàn diện, tạo điều kiện để hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng củng cố lòng tin, nền tảng hết sức quan trọng trong mối quan hệ lâu dài giữa hai quốc gia trong nhiều năm tới. Trong quá trình phát triển, cộng đồng doanh nghiệp hai nước đóng vai trò quan trọng, giúp quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt tốc độ phát triển ấn tượng. Thành công đạt được nhờ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đã phối hợp, tập trung giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề thương mại ưu tiên”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Số liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ (US Census of Bureau) cho thấy, tính đến hết tháng 9/2023, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 (cùng kỳ năm ngoái Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7) của Hoa Kỳ với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 90,8 tỷ USD giảm 15,5% so với năm 2022 và chiếm tỷ trọng 2,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 83,7 tỷ USD (chiếm 3,6% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, giảm 15,1%), nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2022. |
Bà Barbara Weisel, chuyên gia Luật Thương mại Quốc tế, nguyên Trợ lý Đại diện Thương mại Hoa Kỳ nhận định, trong những năm gần đây, thị trường mạnh mẽ và ổn định, lực lượng lao động trẻ và có học thức, tinh thần kinh doanh và mạng lưới thương mại tự do đã khiến Việt Nam trở thành nước hưởng lợi hàng đầu từ sự quan tâm của nhiều quốc gia và công ty trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng để đảm bảo khả năng phục hồi và an ninh kinh tế tốt hơn.
Nhờ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng này, cùng với các yếu tố khác, Việt Nam đã đạt được mức tăng thị phần tại Hoa Kỳ lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào. Và Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 1/3 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong năm nay tiếp tục tăng, tăng gần 15% chỉ tính đến tháng 9/2023. Tuy nhiên, xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam chưa tăng trưởng tương xứng, dẫn đến thâm hụt thương mại ngày càng lớn của Hoa Kỳ với Việt Nam và là một vấn đề đáng để theo dõi.
Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tăng, trong đó các công ty thuộc nhiều lĩnh vực đang hướng tới thị trường Việt Nam năng động. Ở chiều ngược lại, ngày càng có nhiều công ty Việt Nam, bao gồm cả các nhà sản xuất xe điện, nhìn thấy cơ hội đầu tư tại thị trường Hoa Kỳ.
“Cả Hoa Kỳ và Việt Nam cần phải hành động nhanh chóng để xây dựng một quan hệ thương mại trên đà phát triển của những tháng gần đây và đảm bảo rằng, các kế hoạch rộng lớn được đặt ra trong Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mang lại lợi ích kinh tế cụ thể và có ý nghĩa cho cả hai bên. Hiện, các công ty toàn cầu đang chú ý đến các khoản đầu tư mới trong khu vực khi họ tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và định vị bản thân để đáp ứng với sự phát triển của công nghệ, môi trường và địa chính trị. Đồng thời, Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc tăng cường quan hệ quân sự, an ninh và chính trị của hai nước và bây giờ phải tập trung vào việc nâng cao quan hệ kinh tế lên một tầm vóc bình đẳng”, bà Barbara Weisel nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh hiệu quả, thành công tại Việt Nam, nhất là trong những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam đang mong muốn phát triển.
Đặc biệt, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ trong hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường chính sách thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư giữa hai nước. Đồng thời, cần đơn giản hóa yêu cầu về giấy phép lao động, chính sách visa cho nhà đầu tư quốc tế nói chung trong đó có Hoa Kỳ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, thực hiện chuyển đổi số và các cam kết tăng trưởng xanh. Sử dụng hiệu quả cơ chế của Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), tập trung vào triển khai và phát huy cơ chế cảnh báo sớm để mỗi bên có sự chuẩn bị kịp thời đối với tác động của các chính sách, quy định mới. Nhất là các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực đầu tư nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa, xây dựng thương hiệu, tích cực chủ động tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu với sự hợp tác và dẫn dắt của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.