Doanh nghiệp xây dựng gặp khó
Khảo sát của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến hết tháng 7/2022, giá xi măng tăng 70% so với quý IV/2021; giá thép chững lại trong 2 tháng gần đây nhưng vẫn tăng khoảng 40% so với đầu năm 2022. Nhiều loại vật liệu xây dựng phần thô khác như gạch, cát, đá, xi măng… cũng đồng loạt tăng giá khoảng 30 - 35% so với cuối năm 2021.
Thị trường vật liệu xây dựng tăng mạnh thời gian qua đã và đang tạo áp lực lớn và ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các chủ đầu tư, đặc biệt là nhà thầu xây dựng nếu tính theo tỉ trọng vật tư của cơ cấu giá thì việc tăng giá vật liệu đã làm giá thành gói thầu tăng lên từ 18 - 30% (tính trung bình cho từng thời điểm).
Theo ý kiến của các doanh nghiệp xây dựng và đơn vị nhà thầu, đơn giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng tăng rất nhiều từ đầu năm 2022 đến nay so với các hợp đồng đã ký với các chủ đầu tư, khiến nhiều nhà thầu rơi vào tình trạng thi công cầm chừng, thậm chí dừng thi công chờ giá vật liệu giảm xuống.
Cần có những chính sách kịp thời nhằm giảm nhiệt giá vật liệu xây dựng. |
Đại diện Tổng công ty Thăng Long chia sẻ, từ những tháng cuối năm 2021 đến nay, giá vật liệu sắt thép liên tục tăng từ 17 - 21 nghìn đồng/kg; giá các nguyên vật liệu xi măng, gạch, cát xây dựng, đá dăm, gạch ốp lát, đất nền… cũng tăng mạnh từ 5 - 10%. Trong khi đó, thép chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu giá thành xây dựng (khoảng 20%) nên công ty gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, sau khi liên tục tạo đỉnh từ tháng 3 đến đầu tháng 5, giá thép bắt đầu hạ nhiệt. Tính từ giữa tháng 5 tới nay, đây là lần thứ 12 các doanh nghiệp thông báo giảm giá thép. Lũy kế 3 tháng qua, giá thép trong nước đã giảm trên dưới 4 triệu đồng/tấn.
Mặc dù vậy, giá thép hiện tại vẫn còn khá cao vì trước đó đã tăng một mạch và liên tiếp lập đỉnh, trong khi các đợt giảm giá vừa qua lại rất nhỏ giọt. Chính vì thế, hiện hầu hết các hợp đồng thi công xây lắp của công ty với các chủ đầu tư được ký theo dạng trọn gói hoặc có đơn giá cố định nên việc điều chỉnh giá gặp nhiều khó khăn...
Theo đại diện Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), các doanh nghiệp xây dựng trong nước đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cho thấy lợi nhuận có chiều hướng giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022.
Đơn cử như CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trong quý II/2022 ghi nhận doanh thu đạt 4.079,83 tỷ đồng, tăng 28,3% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 50,28 tỷ đồng, giảm 13,9% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 6,1% về còn 3,3%.
Trong năm 2022, Hòa Bình đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, công ty mới hoàn thành 17,4% kế hoạch lợi nhuận năm...
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho biết, sự tăng giá của các mặt hàng vật liệu xây dựng không chỉ khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn mà còn làm nhiều công trình gói thầu, nhất là các công trình trọng điểm về giao thông, hạ tầng... bị chậm tiến độ. Hiện nay, nhiều nhà thầu không dám nhận thầu các công trình vốn đầu tư công do hệ thống định mức, đơn giá không được cập nhật theo giá thị trường.
Từ nay đến cuối năm, cũng theo ông Hiệp, nhiều công trình, dự án có khả năng sẽ phải tạm ngưng để điều chỉnh lại tổng vốn đầu tư. Bởi lẽ, không chỉ giá vật tư cơ bản, mà chi phí vận chuyển, nhân công đều tăng. Phần chi phí ứng trước cho đơn giá cũ của hợp đồng dự kiến không đủ để nhà thầu chi trả trong các phân đoạn công trình.
Trước những thách thức mà doanh nghiệp xây dựng đang gánh chịu, mới đây Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Xây dựng phối hợp với địa phương quản lý hiệu quả nguồn cung; xử lý kịp thời các trường hợp găm hàng, giữ hàng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá các loại vật liệu xây dựng tăng cao bất hợp lý, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các công trình, dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia.
"Trong những tháng cuối năm 2022, thị trường vật liệu xây dựng vẫn còn nhiều biến động, chịu ảnh hưởng bởi thị trường nguyên liệu đầu vào nhập khẩu như xi măng, sắt thép, nhựa đường hay các vật liệu khai thác như cát, đá... Do đó, cần có những chính sách kịp thời nhằm giảm nhiệt giá vật liệu xây dựng nhằm tháo gỡ, giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Hiệp đề xuất.