Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cần chủ động hơn trước cáo buộc bán phá giá
Các doanh nghiệp Việt cần có các giải pháp cũng như kỹ năng phòng vệ thương mại. |
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục tăng trưởng rất tích cực. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 8,6 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện, Hoa Kỳ vẫn đang là thị trường xuất khẩu chủ đạo của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Hoa Kỳ đạt 6,8 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2021. Nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Hoa Kỳ dự kiến sẽ khả quan hơn, điều này góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng tốt hơn trong những tháng cuối năm 2022.
Mặc dù xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ là rất có triển vọng, nhưng hiện nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), ngày 16/10/2022, đoàn DOC đã sang Việt Nam thị sát thực tế, tập trung vào các doanh nghiệp có sản phẩm gỗ dán cứng và tủ gỗ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Trước đó, DOC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 25/7/2022, DOC đã công bố kết luận sơ bộ của vụ việc, cho rằng sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hoa Kỳ hiện đang áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp với sản phẩm này của Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là 183,36% và thuế chống trợ cấp từ 22,98-194,9%.
Theo VIFOREST, hiện tại Hoa Kỳ đã gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Việc có áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại này hay không cũng phụ thuộc nhiều vào hành động của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết đoàn khảo sát của DOC sẽ ở Việt Nam trong khoảng 7-10 ngày. Đoàn sẽ chia làm 2 nhóm để đi khảo sát, kiểm tra tại chỗ các doanh nghiệp theo sự lựa chọn ngẫu nhiên của họ trong tổng số khoảng 40 doanh nghiệp làm tốt và 36 doanh nghiệp trong “danh sách đen” mà DOC cho rằng thiếu hợp tác.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, hiện nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa chủ động có những giải pháp phòng vệ thương mại. Ông Hoài chia sẻ, để giúp doanh nghiệp, thời gian qua Hiệp hội đã hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phản biện và đệ trình phản biện, tập huấn, hướng dẫn cụ thể với sự hỗ trợ của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương); hướng dẫn các hiệp hội gỗ địa phương làm phản biện tập thể, giải thích rõ và cung cấp thông tin cho Cục Phòng vệ thương mại để có giao tiếp, phản hồi với các đối tác của Hoa Kỳ.
Lưu ý thêm, VIFOREST đề nghị các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng, chủ động hợp tác và làm việc về vấn đề này với DOC bất cứ lúc nào.