Độc đáo Lễ hội đền Hai Bà Trưng Mê Linh
Đây là niềm vinh dự, niềm vui lớn của TP. Hà Nội nói chung, huyện Mê Linh nói riêng. Từ đó, lan tỏa sâu rộng nét đẹp của Lễ hội đền Hai Bà Trưng trong cộng đồng, xứng đáng với công lao to lớn của Hai Bà.
Trong tâm thức người Việt, hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi dẫn đầu đoàn quân xung trận, đánh tan quan quân nhà Hán giành độc lập cho dân tộc sau hơn hai thế kỷ bị phong kiến nước ngoài đô hộ là một kỳ tích trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Sử sách đã hết lời ca tụng Hai Bà. Người Việt Nam xem Hai Bà là anh hùng của dân tộc nên đã lập đền thờ ở nhiều nơi.
Trong lễ rước hai Vua Bà từ Đền về Đình, gồm: 2 cỗ voi, 2 cỗ ngựa, đội thanh nữ mặc áo trắng khênh kiệu, đội nữ binh hộ giá mặc áo nâu, quấn xà cạp, vác gươm, hai đội nữ rước hai kiệu, đội mệnh bái mặc áo tế xanh có triện, đội nhạc công, xinh tiền, đội vác cờ súy, gươm trường, bát bửu, tán, lọng...
Nét độc đáo nhất trong lễ rước kiệu Hai Bà ở Hạ Lôi, khác hẳn Hát Môn và Đồng Nhân, chính là nghi thức giao kiệu: Bắt đầu lễ rước kiệu, từ Đền ra, kiệu Trưng Trắc đi trước. Ra đến đường kéo quân để về đình làng, thì kiệu Trưng Trắc né sang để kiệu Trưng Nhị đi trước. Đến cổng đình, kiệu chị đi trước, kiệu em đi sau. Hai bên nghênh đón hai Vua Bà, với ý nghĩa tượng trưng Vua từ kinh đô Mê Linh về thăm làng.
Trong đám rước tưng bừng, rộn rã tiếng chiêng, trống của phường bát âm, hai bên nam nữ hát đối, tương truyền bài hát có từ thời Hai Bà Trưng, cổ vũ quân sĩ đánh giặc.
Cuộc tế lễ trang trọng diễn ra tại đình làng Hạ Lôi. Sáng mồng 6, vào chính hội, dân làng tiễn Hai Bà về kinh đô lên Đền. Và thứ tự rước kiệu ngược lại so với hôm về đình làng: Kiệu Thành hoàng và tướng Cốt Tung đứng hai bên sân bái Hai Bà về kinh, kiệu chị đi trước kiệu em; sau 2 lần giao kiệu ở cổng đình và đường kéo quân đến cổng Đền thì kiệu em né sang phải để kiệu chị lên trước vào Đền.
Trong không khí linh thiêng của lễ hội, vị chủ tế trang trọng đọc lời thề của Hai Bà: “Thiếp là Trưng nữ dấy binh dẹp giặc, che chở dân lành, thu phục lại muôn vật cũ của tổ tông, không phụ ý trời, thỏa nguyện nơi đền miếu của bậc đế vương các đời, không phụ sự trông đợi của tổ phụ nơi chín suối”.
Từ mồng 7 đến mồng 10 tháng giêng, là lễ viếng lục bộ nữ tướng, cầu phúc, yến hạ - khao quân, tạ lễ. Nhân dân Mê Linh và khách thập phương về dự lễ hội, hái lộc cầu may. Các trò chơi dân gian (đánh đu, đánh cờ người, cờ tướng, chọi gà, đấu vật) diễn ra náo nhiệt trong tiếng trống rộn rã.
Đọc diễn văn khai mạc, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Hai Bà Trưng hàng năm thu hút hàng triệu du khách đến chiêm bái, tham quan, học tập. Ngày 9/2/2018, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã ký quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội đền Hai Bà Trưng và chứng nhận Lễ hội đền Hai Bà Trưng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây là niềm vinh dự, niềm vui lớn của TP Hà Nội nói chung, huyện Mê Linh nói riêng. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Mê Linh nguyện giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa để ngày càng lan tỏa sâu rộng nét đẹp của Lễ hội đền Hai Bà Trưng trong cộng đồng, xứng đáng với công lao to lớn của Hai Bà Trưng.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức gồm nhiều phần theo nghi lễ nhà nước và địa phương như: dâng hương, rước kiệu và tế lễ, bên cạnh đó là những hoạt động dân gian truyền thống, diễn xướng lại chiến tích oai dũng năm xưa của hai bà để tưởng nhớ cũng như tạo ra nét đặc sắc cho du khách tìm hiểu.
Theo ghi nhận của phóng viên, Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm nay có nhiều điểm mới. Các hoạt động dịch vụ được phân khu đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con kinh doanh. Toàn bộ khu vực ngoại vi của đền Hai Bà Trưng phục vụ Lễ kỷ niệm và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian truyền thống.
Chương trình nghệ thuật Lễ kỷ niệm 1978 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng được đổi mới nhưng vẫn đảm bảo kế thừa truyền thống lịch sử… Tất cả tạo không khí phấn khởi và sức hấp dẫn cho điểm đến đền thờ Hai Bà Trưng.