Dồn dập mở mới khu công nghiệp
Nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái để phát triển bền vững | |
Khu công nghiệp phải gắn với nhà ở công nhân | |
Định hướng phát triển các khu công nghiệp |
Sôi động từ Bắc chí Nam
Từ đầu năm 2022 đến nay, cùng với tiến độ thúc đẩy quy hoạch và khởi công các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn và các tuyến đường cao tốc, đường vành đai liên kết vùng, các địa phương đã đón đầu mở rộng phát triển các KCN, cụm công nghiệp và các mô hình khu kinh tế phức hợp.
Theo ghi nhận của phóng viên Thời báo Ngân hàng, hiện nay đã có ít nhất trên 50 KCN và cụm công nghiệp và khu kinh tế phức hợp được các địa phương từ Bắc chí Nam lên kế hoạch đầu tư với tổng giá trị lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Công nghiệp chế biến chế tạo và bất động sản KCN đang thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư |
Chẳng hạn, đầu tháng 3/2022 tỉnh Hải Dương đã quyết định xây mới 4 KCN (An Phát 1, Phúc Điền, Tân Trường, Đại An) và mở rộng hai KCN hiện hữu. Số vốn đầu tư cho mỗi KCN ước khoảng 1.800 - 2.000 tỷ đồng. Trước đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã lên kế hoạch đầu tư hai KCN Nam Bình Xuyên và Bá Thiện. Tỉnh Bắc Giang cũng lên kế hoạch thu hồi gần 34.600 ha đất nông nghiệp để đầu tư 29 KCN trên diện tích khoảng 7.000 ha trong giai đoạn 2022-2030. Trong khi đó tỉnh Hòa Bình công bố đầu tư KCN Nhuận Trạch giá trị đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Khu vực miền Trung tình hình quy hoạch đầu tư các KCN và cụm công nghiệp cũng sôi động không kém. Sau khi các KCN VSIP Nghệ An II và Vũng Áng được các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh phê duyệt, hiện Tập đoàn Phát Đạt đang rậm rịch kế hoạch mở rộng KCN Dung Quất thêm 1.100 ha tại Quảng Ngãi. Trong khi đó Vina Tam Anh và đối tác Hàn Quốc đã chuẩn bị gần xong các thủ tục để đầu tư KCN sinh thái Tam Anh-Hàn Quốc tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Ở phía Nam sức nóng phát triển KCN ngày càng lớn dần. Sau khi ngừng triển khai 3 KCN Bàu Đưng, Phước Hiệp và Xuân Thới Thượng (do chậm tiến độ), hiện TP.HCM đã kiến nghị bổ sung KCN Phạm Văn Hai (diện tích 668 ha, đầu tư tại huyện Bình Chánh) để thay thế. Trong lúc đó, hai KCN mới là VSIP III và Cây Trường, tại Bình Dương cũng đang chuẩn bị khởi công trong tháng 3/2022 tại các huyện Tân Uyên và Bàu Bàng. Tỉnh Đồng Nai cũng đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để khởi công ba KCN mới là Cẩm Mỹ, Phước Bình và Gia Kiệm. Các địa phương khác tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long cũng nối tiếp đầu tư mới các KCN lớn như: Nam Tân Lập với giá trị lên đến 2.590 tỷ đồng tại Long An; KCN Cao Lãnh I-II-III với tổng vốn đầu tư trên 14.700 tỷ đồng…
Điểm tựa phục hồi, nhưng cần cẩn trọng
Theo các chuyên gia, việc hàng loạt địa phương đang tập trung mạnh nguồn lực để cải tạo, xây mới các KCN và cụm công nghiệp như hiện nay là minh chứng cho thấy môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam đang có sự khởi sắc trở lại sau nhiều tháng giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh Covid-19. Sản xuất phục hồi kéo theo các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, kinh doanh hạ tầng KCN, dịch vụ hậu cần logistics…
Ông John Campbell - Trưởng bộ phận dịch vụ bất động sản công nghiệp của Savills Việt Nam cho rằng, trong hai tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã thu hút gần 5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó vốn đăng ký tăng thêm 123,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,59 tỷ USD. Trong đó, các ngành công nghiệp chế biến chế tạo và bất động sản lần lượt chiếm tỷ trọng lớn 3,1 tỷ USD và 1,52 tỷ USD. Điều này cho thấy môi trường đầu tư tại các KCN tại Việt Nam đang khá thuận lợi. Ngoài ra, hiện nay tỷ lệ lấp đầy của các KCN tại 8 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ở mức trung bình khoảng 80%, vì thế việc phát triển thêm các KCN mới vẫn sẽ có nhiều dư địa để thu hút đầu tư.
Từ góc độ kinh doanh, các chuyên gia tại Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, bắt đầu từ năm nay với việc hỗ trợ thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, bao gồm cả các gói hỗ trợ về tài chính thì tốc độ thu hút đầu tư của các địa phương sẽ có sự tăng trưởng mạnh. Theo đó, hoạt động mở rộng sản xuất sẽ được thúc đẩy bởi cả nhóm doanh nghiệp FDI và các tập đoàn kinh tế trong nước. Hiện Việt Nam đã ký các hiệp định FTA như CPTPP, EVFTA, RCEP... Do đó, các nhà đầu tư sẽ được hưởng những ưu đãi lớn về thuế khi xuất khẩu, điều này khiến sự hấp dẫn của môi trường đầu tư sẽ tăng lên.
“Trong năm nay, hoạt động thương mại điện tử tiếp tục bùng nổ, thị trường sẽ đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ khiến bất động sản KCN trở thành một trong những tâm điểm của thị trường đầu tư hạ tầng KCN. Các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh hạ tầng KCN có tiềm lực tài chính và quỹ đất lớn sẽ được hưởng lợi nhiều nhất”, đại diện VNDirect đánh giá.
Tuy nhiên về khía cạnh quản lý, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần thận trọng trong việc cấp phép xây mới, mở rộng các KCN, cụm công nghiệp và lựa chọn thu hút đầu tư. Bởi hiện nay các KCN tại Việt Nam vẫn chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất như những sản phẩm mang tính “may sẵn”. Hạ tầng nhiều KCN hiện hữu chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Trong khi đó, sự đồng bộ giữa quy hoạch các KCN với hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực tại một số địa phương vẫn chưa được tính toán chi tiết, nên khi đi vào hoạt động xảy ra các tình trạng tranh chấp, thiếu lao động, ô nhiễm môi trường…
Để hạn chế tình trạng này, theo các chuyên gia, bên cạnh bài toán quy hoạch các KCN, cụm công nghiệp, các địa phương cần tạo ra chính sách khuyến khích đầu tư KCN theo hướng bền vững, ưu tiên cho các nhà đầu tư bất động sản, hạ tầng KCN dành nhiều phần quỹ đất để tạo lập các khu phức hợp đáp ứng tiện ích cho nhu cầu sinh sống, làm việc của nguồn nhân lực tương ứng tại KCN và cộng đồng cư dân xung quanh.