Khu công nghiệp phải gắn với nhà ở công nhân
Công bố sáng kiến nhà ở “vừa túi tiền” | |
Bán nhà trên giấy qua sàn giao dịch: Cần cụ thể hơn | |
Đề xuất rút gọn thời gian thực hiện dự án nhà ở xã hội |
Đại dịch Covid-19 trong lần bùng phát thứ 4 đã tấn công mạnh mẽ vào các vùng kinh tế, thành phố trọng điểm công nghiệp của đất nước làm hàng loạt nhà máy phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng trong điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt. Hình ảnh hàng chục ngàn công nhân và gia đình họ phải rời khỏi các khu công nghiệp để trở về quê, hoặc buộc phải ở trong các túp lều dã chiến để thực hiện “3 tại chỗ” cho thấy những bất cập và tồn tại trong chính sách cũng như thực thi chính sách phát triển khu công nghiệp, liên quan đến đảm bảo đời sống công nhân, và xa hơn nữa là việc giải bài toán đảm bảo sự đồng bộ giữa phát triển công nghiệp và đô thị, giữa phát triển kinh tế và đảm bảo chất lượng sống cho người dân.
Cần thêm nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp |
Ông Trần Trung Chính, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng chia sẻ, cần đặt vấn đề vì sao nhiều gia đình công nhân đã sinh sống nhiều năm tại các khu công nghiệp nhưng vẫn thiếu các điều kiện sống thiết yếu để tin cậy gắn bó, trụ lại lâu dài? Tại sao trong số các loại đô thị được xếp hạng hiện nay lại vắng bóng loại đô thị công nghiệp, khu đô thị công nghiệp, và đa số công nhân vẫn phải ở trọ?…
"Nếu công nhân được ở gần nơi làm việc, trong các khu định cư tốt (theo mô hình đô thị công nghiệp), thì tất cả đều có lợi: Chính quyền nơi cho thuê/bán đất thu được các loại thuế, giảm gánh nặng quản lý công nhân nhập cư; Hiệu quả sản xuất sẽ tăng cao từ các việc rút ngắn cự ly, thời gian di chuyển của người lao động và tránh được các rủi ro; Cuộc sống của công nhân chắc chắn được cải thiện nhiều mặt khi có thể “an cư lạc nghiệp”, ông Trần Trung Chính nhìn nhận.
TS. Nguyễn Minh Hòa - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch TP. HCM cho rằng, điều đầu tiên và cũng quan trọng nhất, là những người có trách nhiệm cần nhìn nhận lại giá trị của lực lượng lao động nhập cư một cách nghiêm túc và sáng rõ hơn. Họ không phải là bộ phận "gắn tạm" lỏng lẻo (luôn trong tình trạng bị thay thế), mà thực sự là cấu thành quan trọng của nền kinh tế dựa trên công nghiệp hóa và dịch vụ.
Khảo sát của Ths. Phan Trọng Hiếu - Trưởng phòng Quản lý thi công và Khai thác tài sản Ban Quản lý dự án Thiết chế công đoàn thông tin thêm, tại nhiều địa phương, có thôn làng ở gần khu công nghiệp chỉ có hơn 1.000 dân nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân, không chỉ tạo sức ép rất lớn về mật độ dân số, hạ tầng xã hội... mà còn gây nguy cơ mất trật tự xã hội, bùng phát dịch bệnh... Thực tế triển khai công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, bức xúc này càng lộ rõ hơn.
Nguyên nhân được chỉ ra là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn thiếu đồng bộ về kết cấu hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, bưu điện, chợ, siêu thị…); quy hoạch, thiết kế và quản lý không phù hợp với đặc thù sinh hoạt, làm việc. Cùng với đó, đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội còn hạn chế; tiêu chí để có thể tham gia rất khắt khe…
Hiện Nhà nước chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, theo ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), các ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp phải mang tính thực chất mới mong thu hút các doanh nghiệp tham gia.
Cùng với đó, cần sửa đổi pháp luật thuế theo hướng bổ sung loại hình “dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê” để các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho thuê được hưởng ưu đãi này, đảm bảo đồng bộ với pháp luật về nhà ở (Luật Nhà ở và Nghị định 100 (khoản 2 Điều 9) quy định mức thuế ưu đãi đối với trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê thì được ưu đãi hơn so với trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, thuê mua; cụ thể là được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp).