Đơn giản hóa quy trình thủ tục cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh
Đáp ứng đa dạng nhu cầu vốn của doanh nghiệp
Theo đó, ngân hàng đã nghiêm túc triển khai các chỉ đạo, các chính sách, chương trình của Chính phủ, NHNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Để triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/05/2022 và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/05/2022 được ban hành, BIDV đã chủ động tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để thực hiện đăng ký hạn mức hỗ trợ lãi suất, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, đồng thời tổ chức tập huấn hướng dẫn cán bộ trong toàn hệ thống về quy định hỗ trợ lãi suất, giải đáp vướng mắc trong quá trình triển khai bảo đảm thực hiện theo quy định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.
Tính đến hiện tại, BIDV là một trong các ngân hàng thương mại tích cực trong việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất với doanh số cho vay lũy kế đến 30/06/2023 là 16.000 tỷ đồng và dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trên 5 nghìn tỷ đồng.
Thực hiện chủ trương của NHNN về cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn/giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/04/2023, BIDV đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh tạo dòng tiền để trả nợ ngân hàng. Tính đến 30/06/2023, tổng dư nợ cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/04/2023 tại BIDV là khoảng hơn 20.000 tỷ đồng.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 và văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 01/04/2023 của NHNN về việc triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, BIDV đã tham gia với quy mô là 30.000 tỷ đồng với mức lãi suất hỗ trợ theo thông báo của NHNN từng thời kỳ (hiện tại lãi suất áp dụng cho kỳ 06 tháng cuối năm 2023 là 8,2%/năm đối với Chủ đầu tư và 7,7%/năm đối với Người mua nhà) nhằm chung tay cùng Chính Phủ tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đến thời điểm hiện tại, BIDV là ngân hàng đầu tiên công bố đã phê duyệt cấp tín dụng đối với 01 dự án nhà ở xã hội vào chương trình. Đặc biệt BIDV đã đưa ra gói tín dụng 20.000 tỷ cho đối tượng nhà ở thương mại giá trị thấp với lãi suất cho vay từ 8,5%/năm đối với chủ đầu tư và từ 7,8%/năm đối với người mua nhà.
Đầu tháng 7/2023, BIDV đã được NHNN chấp thuận điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tối đa lên 14% năm 2023 và ngay lập tức BIDV đã phân bổ giới hạn tín dụng và truyền thông cho toàn bộ các Chi nhánh trong hệ thống nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu vốn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, BIDV chủ động thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, thực hiện cơ cấu lại tài sản nợ- có, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Trong 06 tháng đầu năm 2023, BIDV đã 4 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,1-1,3%/năm. Đồng thời, chủ động thiết kế và ban hành nhiều gói tín dụng ngắn hạn, trung dài hạn với lãi suất ưu đãi từ 0,5-2%/năm với quy mô lên tới 253.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các khách hàng phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.
Không chỉ giảm lãi suất cho vay, BIDV còn chủ động miễn/giảm phí dịch vụ như: chương trình DigiUp dành cho khách hàng doanh nghiệp sử dụng sản phẩm ngân hàng số BIDV iBank, BIDV iConnect với hơn 12 loại phí được miễn/giảm; chương trình Trade Booming ưu đãi về tỷ giá, miễn phí chuyển tiền quốc tế,… cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Đồng thời, ngân hàng chủ động rà soát và tích cực triển khai số hóa nhằm tinh gọn quy trình, thủ tục cho vay
Trong đó, BIDV đã tiên phong đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, số hóa quy trình: từ khâu tiếp nhận nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đến số hóa quy trình phê duyệt, giải ngân nhằm đơn giản hóa thủ tục; tích cực nghiên cứu, phát triển và đưa các sản phẩm tín dụng lên kênh số (website, mobile app, SMS) để khách hàng dễ dàng tiếp cận, tiết giảm thời gian xử lý, nâng cao trải nghiệm của khách hàng; tích cực đẩy mạnh triển khai các cơ chế tài trợ chuỗi cung ứng; thường xuyên rà soát các quy định nhằm tinh giản quy trình, thủ tục đối với khách hàng.
Hiện nay, BIDV đã xây dựng quy trình cấp tín dụng đặc thù đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, DNNVV với cơ chế đơn giản hóa về hồ sơ thủ tục, mẫu biểu khách hàng phải cung cấp, tinh giản quy trình nội bộ (phê duyệt, giải ngân) từ đó rút ngắn thời gian cấp tín dụng đối với khách hàng; ban hành các sản phẩm tín dụng theo lĩnh vực ngành nghề với quy trình rút gọn phù hợp với đặc điểm ngành kèm theo cơ chế cạnh tranh để thúc đẩy phát triển tín dụng ngành như: gói sản phẩm tài trợ doanh nghiệp ngành dược phẩm, ngành sản xuất thiết bị điện, ngành xây lắp....
Ngoài các giải pháp trên, BIDV quán triệt toàn hệ thống chủ động phân nhóm khách hàng để triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp nhằm cung ứng vốn tín dụng kịp thời giúp các doanh nghiệp phục hồi, duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh và tình hình mới.
Với việc triển khai các biện pháp, giải pháp nêu trên, tăng trưởng tín dụng của BIDV 06 tháng đầu năm đạt 7%, hoàn thành 50% định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 được NHNN phân giao, cao hơn tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng là 4,73%. Trong đó, tín dụng doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng 7,3%, tương ứng với tăng tuyệt đối 60.000 tỷ đồng. Dư nợ DNNVV chiếm 40% tổng dư nợ KHDN và cũng đạt mức tăng trưởng 7,2% trong 6 tháng đầu năm.
Cần sự vào cuộc của các bên
Để nâng cao hơn nữa khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp, bên cạnh các giải pháp của các ngân hàng rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương cũng như nỗ lực của chính bản thân các doanh nghiệp.
Trong đó, các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát triển thị trường vốn, đảm bảo là kênh dẫn vốn trung dài hạn của nền kinh tế, giảm bớt áp lực cho hệ thống ngân hàng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và quyết toán đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, xác định đây là động lực tăng trưởng kinh tế chính trong 06 tháng cuối năm 2023; tập trung tháo gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý các dự án, công trình cũng như công tác đền bù giải phóng mặt bằng tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư dự án là cơ sở để tiếp cận vốn vay ngân hàng; tháo gỡ các khó khăn đối với các dự án BOT, BT về việc tiếp tục thu phí, tăng giá phí theo phương án tài chính đã ký kết và thực hiện quyết toán các công trình nhằm tăng niềm tin cho các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng, định chế tài chính trong và ngoài nước tham gia các dự án PPP. Đặc biệt khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông, năng lượng xanh trong giai đoạn tới là rất lớn.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục duy trì các cơ chế, chương trình hỗ trợ của chính phủ, NHNN như: Cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/04/2023; Ban hành hướng dẫn cụ thể và sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn như: hướng dẫn tiêu chí nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, cho phép không hạn chế số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; thực hiện chính sách tài khóa mạnh mẽ, mờ rộng (giảm thuế, phí) nhằm giải áp lực tài chính tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai các phương án, dự án sản xuất kinh doanh (xem xét chuyển chương trình hỗ trợ lãi suất 2% sang hình thức hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp).
Đặc biệt, để tăng sức hấp thụ vốn từ ngân hàng, doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp tái cấu trúc doanh nghiệp, cắt giảm các mảng hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, đảm bảo tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp. Phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực nhằm đảm bảo năng lực tài chính lành mạnh, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp và ngân hàng; tăng cường mở rộng, tìm kiếm các đối tác đầu ra, nhà phân phối để nâng cao khả năng tiêu thụ hàng hóa, giảm thiểu hàng tồn kho.
Đồng thời, xây dựng định hướng, chiến lược rõ ràng, tích cực tham gia các hoạt động tư vấn, nắm bắt kịp thời xu hướng của thị trường để có phương án ứng xử phù hợp; chuyển đổi số, điều chỉnh mô hình hoạt động, cắt giảm chi phí phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh đồng thời bám sát các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, NHNN và các ngân hàng thương mại để phục hồi, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Như vậy, để nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh doanh, ngoài giải pháp từ ngân hàng, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách đến các giải pháp triển khai thực tế của Bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao năng lực hoạt động, quản trị điều hành, năng lực tài chính để nâng cao khả năng thích ứng trong bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động như hiện nay.