Đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Hôm nay Quốc hội thảo luận về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) | |
Quốc hội nghe thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng |
Theo Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng, hoàn thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; tăng hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí đặc biệt đối với các hoạt động đầu tư xây dựng có sử dụng vốn nhà nước; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, phân định rõ và đề cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận, làm chủ các công nghệ hiện đại trong hoạt động xây dựng, góp phần phát triển ngành xây dựng Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) đánh giá cao về mục tiêu của Ban soạn thảo đưa ra trong lần sửa đổi Luật Xây dựng lần này, đơn giản hóa những thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và hoàn thiện thêm các khuôn khổ pháp lý để cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng. Nếu như làm được mục tiêu này, rõ ràng chúng ta sẽ tháo được một nút thắt rất lớn đối với các dự án đầu tư có cấu phần xây dựng đang triển khai rất chậm trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó Ban soạn thảo đã nhìn thấy mâu thuẫn trong thủ tục hiện nay là chúng ta vừa thẩm định thiết kế xong lại chuyển cho một cơ quan nhà nước cũng quản lý về xây dựng, lại cấp phép xây dựng thì rõ ràng đây là một việc làm chồng chéo, không cần thiết mà chỉ gây phiền hà cho các đối tượng là chủ đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, cùng là cơ quan nhà nước nhưng khi thẩm định thiết kế, thẩm định xây dựng lại thẩm định những yếu tố về phòng cháy, chữa cháy, thẩm định những yếu tố về môi trường. Như vậy, việc thẩm định này phải vòng qua rất nhiều các đơn vị nhà nước. Đáng ra những việc này phải nằm trong một đầu mối để chủ đầu tư không phải mất thời gian qua những việc đó.
Chính vì vậy, đại biểu Cường đề nghị trong soạn thảo lần này cần phải làm rõ những dự án nào sẽ phải gộp việc thẩm định thiết kế với cấp phép vào là một mà không tách ra như hiện nay. Làm rõ trình tự, thủ tục trong việc thẩm định này là phải gồm cả thẩm định về xây dựng, thẩm định cả phòng cháy, chữa cháy cũng như là môi trường vào một đầu mối thống nhất không phải để cho chủ đầu tư phải chạy vòng vèo qua nhiều đơn vị.
Đặc biệt cần phải chỉ rõ xem những loại công trình nào là những công trình không thuộc đối tượng phải thẩm định hoặc không phải cấp phép để giảm các thủ tục đó. Nếu làm rõ được những vấn đề trên, chúng ta sẽ có được một bảng so sánh để thấy rằng sau khi có dự thảo này thì cắt giảm được bao nhiêu thời gian, cắt giảm được bao nhiêu thủ tục và như vậy sẽ mang lại lợi ích được bao nhiêu về tiết kiệm cho các chủ đầu tư khi mà xin cấp phép xây dựng.
“Tôi thấy hồ sơ thiết kế làm rất kỹ và rất mất công. Tuy nhiên, giá trị sử dụng chỉ trong giai đoạn xây dựng. Xây dựng hoàn thành xong, hồ sơ này hầu như rất ít được khai thác. Nhiều công trình sau này khi đưa vào quá trình vận hành, sửa chữa có khi không còn được hồ sơ đó hoặc thậm chí các cơ quan quản lý hồ sơ cũng không có trách nhiệm gì đến việc thiết kế đó, công trình đó cần phải được bảo tu, bảo dưỡng như thế nào. Trong khi đó, chúng ta nhìn thấy những tòa nhà của Pháp được thiết kế cách đây hàng trăm năm thì hiện nay dựa trên hồ sơ đó vẫn có các thông báo, nhắc nhở những hạng mục nào cần phải sửa chữa, hạng mục nào cần phải trùng tu. Chính vì vậy, tôi cho rằng cần phải luật hóa việc quản lý, khai thác và trách nhiệm của cơ quan quản lý hồ sơ đối với công trình xây dựng này”, ông Cường đề nghị.
Liên quan đến trách nhiệm quản lý xây dựng, một số đại biểu đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý. Hiện vi phạm về trật tự xây dựng vẫn tràn lan và phổ biến; thế nhưng lại không xử lý được, thậm chí có nhiều công trình khó xử lý, cán bộ không biết quy trách nhiệm cho ai. Nguyên nhân ở đây là chúng ta đang có một kẽ hở trong việc quy trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng.
Chính vì vậy, các đại biểu đề nghị trong dự thảo này phải phân định rất rõ ràng trách nhiệm quản lý về trật tự xây dựng và quản lý quy hoạch, đó phải là trách nhiệm của cơ quan chính quyền địa phương. Còn thanh tra xây dựng chỉ có trách nhiệm trong quá trình xây dựng, nếu phát hiện ra những sai phạm thì cơ quan chính quyền địa phương yêu cầu thanh tra phải làm sáng tỏ và đưa ra các hình thức xử lý...