Dòng chảy tín dụng – hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế (Bài 2)
Dòng chảy tín dụng – hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế (Bài 1) |
Bài 2: Tín dụng chính sách - Nhân lên niềm tin của Nhân dân với Đảng
Chủ trương hợp lòng dân
Chủ tịch Hội LHPN xã Hướng Tân Hồ Thị Xương cho biết: “Ngày trước, khi nguồn vốn tín dụng còn chưa dễ tiếp cận, để bàn về câu chuyện thoát nghèo là rất khó. Bởi lẽ về lí thuyết thì rõ quá rồi, người dân thôn bản đã thấy và tin, nhưng làm sao giúp dân có vốn để làm ăn thì không phải chuyện “nói để dân tin”. Từ khi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, nhất là khi Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH và Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN ra đời, mọi việc được giải quyết.”
Ngay sau khi Chỉ thị 40 được ban hành, với quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, công tác chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách được thuận lợi từ tỉnh đến cơ sở, phát huy hiệu quả vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, của MTTQVN và các tổ chức chính trị-xã hội trong chỉ đạo, giám sát, đưa hoạt động tín dụng chính sách trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Từ đó, dòng chảy tín dụng chính sách được khơi thông, đến gần hơn với người dân. Đồng thời, Nghị định số 28 ra đời một lần nữa như phao cứu sinh, giúp đồng bào DTTS có vốn để xây dựng nhà ở, mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần thay đổi bộ mặt KT-XH địa phương.
Chị Hồ Thị Bông ở thôn Trằm, xã Hướng Tân cho biết, khi bắt tay vào trồng cây cà phê, nếu không thiếu tiền mua cây giống thì cũng thiếu tiền mua phân bón, chung quy vẫn là thiếu đồng vốn đầu tư. Chị được Tổ TK&VV cho vay tín chấp số tiền 100 triệu đồng/hộ. Thời đó, cà phê được giá lắm, người người nhà nhà trồng cà phê, gia đình chị lại mở rộng diện tích, tái sinh đồng vốn. Rồi thứ đặc sản từng khiến người dân Hướng Hóa giàu lên đó cũng khiến bà con bao phen điêu đứng khi cà phê rớt giá, người nông dân lo lắng, không biết lấy vốn đâu để tiếp tục tái sản xuất.Thế nhưng, vẫn cứ động viên nhau may sao còn đồng vốn tín dụng là còn chỗ dựa để đủ lòng tin “thâm canh tăng vụ” cho mùa sau gặt “quả ngọt”, giữ lại “tinh hoa” của đất và người xứ này.
Đúng là đất không phụ người, vươn lên nhờ gốc rễ thương khó, kiệm cần, cộng với nguồn vốn tín dụng kịp thời, người dân Hướng Hóa đã giàu lên từ từ, góp phần làm cho quê hương nhuận sắc. Năm 2023 tổng nguồn vốn huy động tiết kiệm đạt 20,4 tỷ đồng, tăng 2,5 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 704,9 tỷ đồng, tăng 152,3 tỷ đồng so với năm 2022. Đến nay, đơn vị đã giải ngân cho vay theo Nghị định 28 được gần 31,8 tỷ đồng với 527 hộ vay vốn, không có nợ quá hạn. Đã có 251 ngôi nhà được xây dựng mới hoặc cải tạo, 276 dự án trồng cây cà phê, tràm, bời lời, sắn, chăn nuôi trâu, bò, dê,… được người dân đầu tư hiệu quả.
Tín dụng chính sách tăng cường niềm tin của người dân với Đảng – Ảnh: N.A |
Phát huy hiệu quả các tổ nhóm cộng đồng
Đã là đồng tiền tín dụng thì không được nằm yên một chỗ hay “du canh du cư” với người mà phải “định cư” trong chuồng, ngoài rẫy, đầu tư sao cho thật hiệu quả để tạo ra lợi nhuận, quay vòng vốn sản xuất.
Theo chân anh Ngô Văn Bảo, Giám đốc NHCSXH huyện Đakrông, chúng tôi mới hiểu hết câu chuyện làm tín dụng. Anh cho biết, người dân nhận tiền rồi, mà nào đã xong, lại phải vận động, hỗ trợ, tư vấn dân nên đầu tư trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả; có khi còn cầm tay chỉ việc, làm mẫu cho dân biết mà làm theo. Ngày xưa, nếu cho vay mà tư vấn cách thức làm ăn tới nơi tới chốn cho người dân, có trường hợp vay tiền xong bỏ ống tre, gác trên mái tranh, ngày qua tháng lại đến hẹn lại lôi xuống trả đủ tiền gốc cho ngân hàng. Ngày nay, nếu không biết cách tính toán, nhiều người lại tiêu thâm vào đồng vốn gây nên nợ xấu.
Thông qua các Tổ TK&VV do Hội LHPN quản lý, nguồn vốn tín dụng chính sách được sử dụng một cách hợp lý. Các cấp hội đẩy mạnh hướng dẫn các hộ vay vốn, gửi tiết kiệm tại NHCSXH và các tổ chức tín dụng chính thức, tạo nguồn vốn tự có cho gia đình, đồng thời, giảm nhẹ gánh nặng hoàn trả vốn. Số dư tiết kiệm tại NHCSXH từ các Tổ TK&VV do hội quản lý luôn tăng trưởng cao, chiếm 42% tổng số dư tiền tiết kiệm của NHCSXH toàn tỉnh, với 31.086/31.098 hộ tham gia. Tổng dư nợ do Hội LHPN các cấp quản lý là 2.043,82 tỷ đồng, chiếm 41%/tổng dư nợ ủy thác.
Mạng lưới Tổ TK&VV tại cơ sở đã phủ khắp 124/125 xã, phường, thị trấn thực hiện ủy thác với 727 tổ gồm 31.098 thành viên. Chỉ tính riêng tại địa bàn huyện Hướng Hóa, đến tháng 10/2024, đã có 115 tổ do phụ nữ quản lý cho 4.602 hộ vay vốn với dư nợ lên đến 304 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng hoạt động ủy thác của Hội LHPN tỉnh vì thế luôn đạt hiệu quả cao.
Chị Lý Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN TT. Bến Quan, huyện Vĩnh Linh cho biết: “Thông qua các Tổ TK&VV, nguồn vốn CSXH được tiếp cận nhanh chóng đến với người dân, đảm bảo minh bạch, công bằng, công khai, đúng đối tượng nên được người dân tin tưởng, hưởng ứng.”
Hoạt động tín chấp hỗ trợ hội viên vay vốn được các cấp Hội LHPN chú trọng – Ảnh: T.T |
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Tại địa bàn Quảng Trị, các chương trình tín dụng chính sách đã giúp hơn 20 nghìn hộ đồng bào DTTS làm quen với việc vay vốn để sản xuất, tạo thu nhập, qua đó nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh và quản lý vốn mà không phải tỉnh nào cũng làm được. Có được kết quả đó là nhờ sự phối hợp linh hoạt, kịp thời, có hiệu quả giữa các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở.
Trong đó, Hội LHPN tỉnh đã đưa chỉ tiêu tín dụng, giảm nghèo, tuyên truyền tín dụng đen, chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV,... vào tiêu chí giao ước thi đua giữa các cấp hội. Kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các cấp hội thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng; nâng cao chất lượng hoạt động uỷ thác, uỷ nhiệm; đảm bảo các Tổ TK&VV do hội quản lý luôn hoạt động tốt, bình xét cho vay đúng đối tượng, vốn vay được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, thường xuyên kiện toàn các Ban quản lý Tổ TK&VV hoạt động không hiệu quả, thành lập các Ban quản lý tổ mới tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, chuyển đổi thẩm quyền quản lý Tổ TK&VV giữa các hội, đoàn thể để đạt hiệu quả tốt nhất.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, hiện nay, việc hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách cho đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Theo anh Bảo, thực tế, đồng bào DTTS chủ yếu sống tại các khu vực có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai dẫn đến nhiều người dân không dám đặt cược để đầu tư lớn.
Về mức cho vay, mặc dù đã có cải thiện, nhưng còn thấp, chưa phù hợp với tình hình thực tế do biến động của giá cả thị trường, khiến nhiều hộ không dám “làm lớn, nghĩ lớn”, phải huy động từ nhiều nguồn lực bên ngoài, phần nào đó tác động đến hiệu quả thực tế từ vốn vay chưa được như yêu cầu đặt ra.
Để giải quyết tình trạng trên, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Quảng Trị Trần Đức Xuân Hương cho biết: “Trong thời gian tới, NHCSXH sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội nhận uỷ thác, đặc biệt là Hội LHPN tỉnh thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW và Nghị quyết 42-NQ/TW; triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách được chính phủ giao, các nội dung uỷ thác giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị-xã hội.
Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác ủy thác, tổ trưởng Tổ TK&VV đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đặc biệt, phối hợp với Hội LHPN tỉnh phát triển đa dạng các sản phẩm, chương trình giáo dục tài chính; phối hợp đề xuất chương trình tín dụng cho các nhóm phụ nữ đặc thù, yếu thế; tập trung nguồn lực, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số nhằm thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS tại địa phương.”