Thực hiện Chỉ thị 40: Sức bật nơi miền biên ải (Kỳ 3)
Thực hiện Chỉ thị 40: Sức bật nơi miền biên ải (Kỳ 1) Thực hiện Chỉ thị 40: Sức bật nơi miền biên ải (Kỳ 2) |
Kỳ 3: Gỡ khó hiện tại, phát triển tương lai
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Từ đó đặt ra cho các cấp, ngành liên quan cần có thêm những giải pháp căn cơ, phù hợp để nâng cao hiệu quả hơn nữa tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù việc các cấp, ngành liên quan đã chủ động triển khai các nội dung của Chỉ thị 40, song thực tế thực hiện trên địa bàn tỉnh cũng vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ.
Còn những điểm nghẽn
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới, trình độ dân trí chưa đồng đều, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa; thu nhập bình quân đầu người thấp hơn bình quân chung của cả nước; địa hình chia cắt, cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu; trình độ canh tác, sản xuất hàng hóa còn hạn chế. Đặc biệt những năm gần đây, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến cho đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 ở một số nơi, một số thời điểm chưa thực sự hiệu quả và vẫn xuất hiện những điểm nghẽn.
Người dân thành phố Lạng Sơn vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để mở rộng sản xuất kinh doanh |
Qua thực tiễn cho thấy, sau 10 năm ban hành Chỉ thị 40, công tác quán triệt, tuyên truyền và triển khai Chỉ thị 40 tại một số nơi chưa rộng rãi, thường xuyên; nhận thức của một số cấp ủy cơ sở về tín dụng chính sách xã hội chưa đầy đủ, chưa xem đây là nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy. Cùng với đó, nguồn lực hằng năm bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH còn hạn chế so với nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; công tác huy động vốn từ tổ chức, cá nhân để bổ sung nguồn vốn cho vay của NHCSXH còn thấp.
Đặc biệt, nhu cầu vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh rất lớn, nhưng nguồn vốn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Theo đó, qua rà soát nhu cầu vay vốn thực tế chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030, tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động có nhu cầu vay vốn là 53.000 khách hàng, với số tiền là 3.180 tỷ đồng, trong đó có trên 46.500 khách hàng có nhu cầu vay vốn tạo việc làm mới. Tuy vậy, hiện nay, tổng nguồn vốn tín dụng chung của Chi nhánh NHCSXH tỉnh là 4.563 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH là 165 tỷ đồng, chiếm 3,6% trên tổng nguồn vốn tín dụng chung.
Bên cạnh những khó khăn nêu trên, thực tế cho thấy, một số địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, đặc biệt là việc quản lý người vay đi khỏi địa phương; các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác có lúc, có nơi chưa bao quát toàn diện công việc được ủy thác trong quy trình cho vay, nhất là công tác kiểm tra giám sát hoạt động của tổ tiết kiệm vay vốn và hộ vay; còn những trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng; một số trường hợp vay vốn nhưng chưa sử dụng đúng mục đích hoặc bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; nhu cầu nguồn vốn vay của người dân cao hơn trong khi quy định còn thấp…
Trước thực tế đó, hiện nay, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh tiếp tục tìm giải pháp để tháo gỡ, nâng cao hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới.
Tìm hướng tháo gỡ
Dự báo trong thời gian tới, tình hình trong nước cũng như quốc tế tiếp tục có những diễn biến mới ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội nói chung, trong đó có tín dụng chính sách xã hội. Trước bối cảnh đó, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tập trung thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị 40; tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả mô hình hoạt động đặc thù của NHCSXH, nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị và hoạt động tại các điểm giao dịch xã, phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.
Đoàn công tác của thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh kiểm tra mô hình sử dụng vốn vay của người dân xã Yên Phúc, huyện Văn Quan |
Cùng với đó, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh tiếp tục quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị 40, Kết luận 06 đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, hằng năm, ưu tiên cân đối vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, phấn đấu đến năm 2030 nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác sang NHCSXH chiếm 15% tổng nguồn vốn theo quy định tại Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030; thường xuyên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp...
Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh cho biết: Thời gian tới, Ban đại diện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; điều tra, xác định đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách, không để trường hợp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn mà không được vay vốn tín dụng chính sách. Gắn tín dụng chính sách xã hội với phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Quang Hòa, xã Cường Lợi, huyện Đình Lập hướng dẫn tổ viên vay vốn ưu đãi của ngân hàng |
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác tiếp tục phát huy tốt vai trò của mình trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Ông Hoàng Văn Ngôn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ các nội dung ủy thác và phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách. Chỉ đạo, hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn công khai, dân chủ, tăng cường kiểm tra giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả; lồng ghép các chương trình dự án của tổ chức chính trị, xã hội; tổ chức tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội không chỉ tiếp sức người dân vươn lên phát triển kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn tỉnh. Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua cộng với những giải pháp đã và đang triển khai thực hiện, tin tưởng rằng thời gian tới, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả rõ nét hơn nữa. Qua đó chung tay cùng xây dựng quê hương miền biên ải Xứ Lạng ngày một giàu đẹp, văn minh.