Tín dụng chính sách xã hội - trụ đỡ hợp “Ý Đảng – Lòng Dân” (Bài 1)
Lâm Đồng là tỉnh miền núi thuộc khu vực Nam Tây nguyên, có diện tích tự nhiên là 9.773 km2, dân số khoảng 1.386 ngàn người, với 47 dân tộc sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) gần 353 ngàn người, chiếm khoảng 25,5%. Đến cuối năm 2023, Lâm Đồng còn 2 xã và 72 thôn đặc biệt khó khăn. Suốt 22 năm qua, tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) là nguồn vốn ý nghĩa, quan trọng trong hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển kinh tế, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị - xã hội tại địa phương.
Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH (gọi tắt là Chỉ thị 40) không chỉ đơn thuần là một văn bản hành chính mà còn là một biểu tượng của sự quan tâm, trách nhiệm và niềm tin của Đảng, Nhà nước vào khả năng vươn lên của mỗi người dân. Những nỗ lực không ngừng của chính quyền các cấp và NHCSXH đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực khẳng định TDCSXH là một chính sách ưu việt vì dân!
Qua thực tế đồng hành cùng Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng, nhóm phóng viên Báo Lâm Đồng xin ghi lại bức tranh TDCSXH sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40, qua loạt bài 3 kỳ Tín dụng chính sách - trụ đỡ hợp “Ý Đảng – Lòng Dân”, để thấy rõ sức mạnh và khẳng định vai trò của TDCSXH đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ các hộ gia đình vượt qua mọi khó khăn, vươn tới một cuộc sống ổn định và phát triển.
Huyện nông thôn mới Đơn Dương với lợi thế về khí hậu và đất đai, phù hợp chăn nuôi gia súc và trồng rau thương phẩm, nguồn vốn TDCSXH là nguồn lực đầu tư hiệu quả, giúp bà con phát triển kinh tế, không chỉ nâng cao thu nhập mà còn có tích luỹ xây dựng nhà cửa, mở rộng quy mô sản xuất… góp phần thành công trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu ở Lâm Đồng. Trong ảnh: Vùng nông thôn Pró (huyện Đơn Dương) đẹp như một bức tranh! |
Bài 1: Dấu ấn của “đòn bẩy” giảm nghèo
Từ khi có Chỉ thị 40, Ban Thường Tỉnh ủy Lâm Đồng lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức tăng cường nguồn lực, thúc đẩy hoạt động TDCSXH, gắn nội dung của Chỉ thị 40 với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia. Qua 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị 40 đã thật sự đi vào cuộc sống, tạo sự thay đổi căn bản trong phát triển kinh tế - xã hội, mang lại hiệu quả cao, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào thực hiện TDCSXH, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân...
Tập trung nguồn lực của cả hệ thống chính trị
Chỉ thị 40 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (gọi tắt là Kết luận 06) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã phát huy hiệu lực, hiệu quả; giúp nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng - chính quyền, cán bộ - đảng viên, các tầng lớp nhân dân về tạo nguồn lực cho TDCS và hỗ trợ giảm nghèo ngày càng sâu sắc và thiết thực; góp phần khẳng định tính ưu việt của chế độ và tính nhân văn của một chính sách vì dân; lan toả tinh thần nhân ái “mỗi người vì mọi người”, “lá lành đùm lá rách”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”…
Theo chuẩn hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, số hộ nghèo toàn tỉnh Lâm Đồng đến cuối năm 2023 là 3.912 hộ, chiếm tỷ lệ 1,09% (trong đó, hộ nghèo người ĐBDTTS là 2.642 hộ, chiếm tỷ lệ 3,24%); số hộ cận nghèo là 7.433 hộ, chiếm tỷ lệ 2,07% (trong đó, hộ cận nghèo người ĐBDTTS là 4.483 hộ, chiếm tỷ lệ 5,51%)… Các chương trình TDCS cùng với các chính sách khác đã góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững (tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 6,67% giai đoạn 2016 - 2020 xuống còn 0,9% cuối năm 2021 và từ 2,87% giai đoạn 2022 - 2025 xuống còn 1,09% cuối năm 2023), riêng thành phố Đà Lạt không còn hộ nghèo. Đến cuối năm 2023 có 109/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã cuối cùng hiện nay (11/2024) cũng đã đạt các tiêu chí nông thôn mới.
Toàn tỉnh Lâm Đồng đã huy động nguồn lực rất lớn từ Trung ương đến địa phương để thực hiện các chương trình TDCS trên địa bàn tỉnh. Tổng nguồn lực huy động đến 30/6/2024 là 5.987 tỷ đồng, tăng 3.819 tỷ đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10,1% (trong đó: nguồn vốn được cấp từ Trung ương 4.432 tỷ đồng, tăng 2.434 tỷ đồng, chiếm 74,02% trong tổng nguồn vốn, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH là 624 tỷ đồng, tăng 571 tỷ đồng, gấp 11,8 lần so với năm 2014, chiếm 10,42% trong tổng nguồn vốn). Riêng Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQ) tỉnh Lâm Đồng đã chuyển 9,4 tỷ đồng từ Quỹ Vì người nghèo ủy thác sang Chi nhánh NHCSXH tỉnh và Phòng Giao dịch NHCSXH cấp huyện để bổ sung nguồn vốn cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo cư trú trên địa bàn vay.
Từ năm 2021, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng phối hợp cùng UBMTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng và các tổ chức chính trị xã hội (TCCTXH) nhận uỷ thác lần đầu tiên tổ chức Ngày gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo. Sự kiện đã nhận được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và cán bộ, đảng viên, hội viên, công nhân, viên chức, người lao động trong các tổ chức hội, cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư… Từ đó, Chương trình gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo được duy trì vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về ở tỉnh Lâm Đồng liên tiếp 4 năm nay và chuyển dần quy mô từ ngày, sang tuần, sang tháng gửi tiết kiệm; và trở thành “ngày hội chung tay vì người nghèo” lan toả đến tận thôn xóm, tổ dân phố, trường học… không chỉ tại các địa phương của tỉnh Lâm Đồng; mà còn được các tỉnh, thành khác trong cả nước học tập, áp dụng…
Lâm Hà là huyện kinh tế mới và vùng ĐBDTTS của tỉnh Lâm Đồng, trên cơ sở sáp nhập vùng kinh tế mới của Hà Nội ở Nam Ban, Lán Tranh cùng với một số xã, thị trấn khác của huyện Đức Trọng từ năm 1987. Qua 37 năm hình thành và phát triển, Lâm Hà với đặc điểm khí hậu mát mẻ, đất bazan màu mỡ, người dân cần cù chăm chỉ… đã trở thành huyện chuyên canh sản xuất nông nghiệp phù hợp để phát triển các loại cây trồng vật nuôi đặc sản, như: cà phê, mắcca, dâu tằm… Trong ảnh: Cán bộ chính quyền và NHCSXH huyện Lâm Hà thăm gia đình hộ vay vốn K’Biêng - hộ cận nghèo của thôn Tân Lin, xã Tân Văn, có dư nợ 100 triệu đồng đầu tư cải tạo lại 1ha cà phê và nuôi 2 bò sinh sản; góp phần vào tổng dư nợ ủy thác của huyện Lâm Hà đến 30/9/2024 đạt 562.689 triệu đồng/306 Tổ TK&VV/12.074 khách hàng, chiếm 99,96%/tổng dư nợ của NHCSXH huyện. |
Hỗ trợ các đối tượng chính sách thoát nghèo bền vững
Tính đến 30/6/2024, tổng dư nợ 17 chương trình TDCSXH đang thực hiện đạt 5.972 tỷ đồng, với trên 101 ngàn hộ còn dư nợ, tăng 3.810 tỷ đồng so với năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ bình quân 10,8%/năm... Nguồn vốn TDCS đã tạo cơ hội, giúp cho nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế được tiếp cận vay vốn, mang lại hiệu quả cao. Trong 10 năm qua đã giúp cho 41.639 hộ thoát nghèo, tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 36.813 lao động; tạo điều kiện cho trên 49.441 lượt học sinh, sinh viên vay vốn để trang trải chi phí học tập; giúp cho 391 lao động đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng trên 111.500 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn, góp phần cải thiện môi trường sống; xây dựng 1.823 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Có thể khẳng định, TDCSXH do NHCSXH thực hiện đã đáp ứng khá toàn diện nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi; góp phần vào việc phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định chính trị xã hội tại địa phương, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBDTTS…
Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội, nhiều hộ dân ở xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) - địa bàn sâu, xa nhất của tỉnh Lâm Đồng, xã Đạ Long (huyện Đam Rông - huyện có gần 20 năm hưởng chính sách huyện nghèo), hoặc huyện Lạc Dương – có đông ĐBDTTS… đã đầu tư sản xuất có hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo, thậm chí là tạo dựng được kinh tế vững chắc. Trong ảnh: Chủ tịch xã Đồng Nai Thượng (trái) thăm hộ gia đình nông dân vay vốn sản xuất ở thôn Bù Sa. |
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thu - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ: Sau 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW đã thật sự đi vào đời sống, tác động mạnh mẽ, tích cực đến hoạt động TDCS. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nhận thức trong việc triển khai TDCS, quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho các chương TDCS gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển các ngành, lĩnh vực thế mạnh của địa phương, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; đồng thời, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức, sự lãnh đạo, chỉ đạo của đội ngũ cán bộ, người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động TDCSXH; lãnh đạo các cấp đã xác định TDCS là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình, kế hoạch công việc; hoạt động TDCSH ngày càng hiệu quả, chất lượng tín dụng không ngừng được nâng lên...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S - Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH tỉnh Lâm Đồng: Sau khi Trung ương ban hành Chỉ thị 40, Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng ban hành Chương trình triển khai và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 40. Chỉ thị 40 đã được triển khai và thực hiện rất tốt, phù hợp với điều kiện thực tế tại Lâm Đồng, tạo nên nhiều thành tựu nổi bật từ hoạt động TDCS và NHCSXH tỉnh Lâm Đồng. Đó là, đã thực hiện rất tốt công tác về an sinh xã hội; bổ sung chủ tịch UBND cấp xã tham gia HĐQT NHCSXH cấp huyện. Chính những cái đồng chí chủ tịch xã là người sát cơ sở, nắm bắt được đối tượng từ khi được vay đến sử dụng vào mục đích gì và hiệu quả như thế nào... Tỉnh cũng kịp thời ban hành về Kế hoạch chiến lược hoạt động của NHCSXH đến năm 2030; cũng như huy động các nguồn lực tăng khoảng 3.800 tỷ đồng so với năm 2014, trong đó ngân sách của tỉnh là 624 tỷ đồng, tăng trưởng so với trước khi thực hiện Chỉ thị 40 là 11,8 lần.