Thực hiện Chỉ thị 40: Sức bật nơi miền biên ải (Kỳ 1)
Kỳ 1: Đưa Chỉ thị vào cuộc sống
Với một tỉnh miền biên ải còn nhiều khó khăn như Lạng Sơn, tín dụng chính sách xã hội là một điểm tựa vững chắc để người dân vươn lên thoát nghèo. Chỉ thị 40 ban hành càng thể hiện rõ nét hơn nữa vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với người dân. Xác định rõ tầm quan trọng của Chỉ thị, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh nhanh chóng triển khai các nội dung cụ thể.
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong những khó khăn mà người dân phải đối diện, có lẽ khó khăn lớn nhất chính là nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Miền biên ải còn nhiều khó khăn
Lạng Sơn nằm ở phía Đông Bắc với diện tích tự nhiên trên 8.301 km2. Tỉnh có vị trí rất đặc biệt, là điểm đầu của Việt Nam trên 2 tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng và Lạng Sơn-Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, là cửa ngõ quan trọng kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN.
Hoạt động cho vay tại điểm giao dịch xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng |
Dân số trên địa bàn tỉnh hiện có trên 807 nghìn người với 7 dân tộc chính gồm: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Mông, Sán Chỉ tập trung sinh sống ở 11 huyện, thành phố (trong đó có 5 huyện biên giới và 2 huyện nghèo). Từ nhiều đời nay, kinh tế của người dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào sản xuất nông, lâm nghiệp với quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa xây dựng được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của người dân.
Địa hình chia cắt, sản xuất nông lâm nghiệp còn nhiều hạn chế dẫn tới kinh tế của người dân trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 18%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng; toàn tỉnh chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới… Một trong những khó khăn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của người dân chính là khó khăn về nguồn vốn.
Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bắc Sơn tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ |
Trong những năm trước đó, tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp thực tiễn góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nguồn vốn tính dụng chính sách xã hội chưa thực sự ổn định, cơ cấu chưa hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chất lượng tín dụng chưa đồng đều ở một số nơi, một số chương trình. Cùng với đó, một số cấp ủy Đảng, chính quyết chưa thực sự vào cuộc, quan tâm đúng mức tới hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Chính vì vậy việc ban hành Chỉ thị 40 nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội.
Ngay khi Chỉ thị 40 được ban hành, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh nhanh chóng bắt tay vào triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cụ thể để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đưa Chỉ thị vào cuộc sống
Ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40 và Kết luật số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Kết luận 06), tỉnh Lạng Sơn đã nhanh chóng bắt tay vào triển khai các nội dung cụ thể.
Ông Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho biết: Xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của chương trình tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã tập trung quán triệt, triển khai trên toàn tỉnh. Từ đó, chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng chương trình hành động và kế hoạch cụ thể để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư. Qua đó, các chương trình tín dụng chính sách xã hội được triển khai rộng khắp, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được tăng cường, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội được vay vốn để phát triển kinh tế.
Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bắc Việt, huyện Văn Lãng (bên trái) hướng dẫn người dân vay vốn ưu đãi của NHCSXH |
Cùng với đó, cấp ủy Đảng các cấp tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị 40 và Kết luận 06 đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các cấp, ngành liên quan đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách thông qua nhiều hình thức…
Với vai trò là cơ quan thường trực trong việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, Chi nhánh NHCSXH tỉnh cũng nhanh chóng bắt tay vào triển khai các biện pháp cụ thể. Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Đơn vị nhanh chóng tổ chức quán triệt Chỉ thị 40, Kết luận 06 đến toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn chi nhánh, thông tin công khai tại trụ sở UBND các xã, kết hợp tuyên truyền với tập huấn nghiệp vụ cho Ban Giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, Ban Quản lý tổ Tiết kiệm và vay vốn trong tỉnh…
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cụ thể được triển khai thực hiện công tác tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, đồng thời ban hành 18 văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị 40 và Kết luận 06. Căn cứ văn bản của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo, các huyện ủy, thành ủy và UBND cùng cấp đã ban hành kế hoạch cụ thể để tập trung triển khai Chỉ thị 40, Kết luận 06 với trọng tâm là tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng tín dụng, bổ sung thêm nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương qua NHCSXH để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chi Lăng hướng dẫn người dân làm hồ sơ, thủ tục vay vốn ngân hàng |
Thông qua việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Chỉ thị 40 và Kết luận 06 đã tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của tập thể lãnh đạo, cán bộ đảng viên. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên…
Từ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 và Kết luận 06 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Nguồn vốn ưu đãi đến với người dân ngày một nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đồng thời đó cũng chính là đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội chung trên địa bàn tỉnh.
Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội gồm một số nội dung chính gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; Nâng cao trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. |