Thực hiện Chỉ thị 40: Sức bật nơi miền biên ải (Kỳ 2)
Thực hiện Chỉ thị 40: Sức bật nơi miền biên ải (Kỳ 1) |
Kỳ 2: Giải cơn “khát vốn”
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, hỗ trợ của các cấp, ngành, đơn vị liên quan, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Đây là cơ sở quan trọng để người dân vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, qua đó góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn tỉnh.
Để người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, các cấp, ngành liên quan đã nhanh chóng triển khai đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo tại Chỉ thị 40 cũng như văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.
Hỗ trợ người dân
Để hỗ trợ đúng, trúng đối tượng vay vốn ưu đãi, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chú trọng đến mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và chỉ đạo nghiêm túc việc thống kê, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; kịp thời điều chỉnh bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo hằng năm làm cơ sở để các đối tượng này được vay vốn ưu đãi tại NHCSXH; chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo UBND cấp xã trong công tác điều tra, xác nhận đối tượng được vay NHCSXH; thường xuyên chỉ đạo công tác bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng, công khai, dân chủ.
Tổ trưởng tổ Tiết kiệm vay vốn thôn Nà Riềng, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn tuyên truyền đến người dân các chương trình cho vay ưu đãi |
Đồng thời, UBND, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp chỉ đạo NHCSXH phối hợp chặt chẽ với UBND xã, tổ chức chính trị xã hội nhận uỷ thác thường xuyên rà soát nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng và định hướng tập trung ưu tiên nguồn vốn cho các hộ nghèo, cận nghèo, các xã vùng khó khăn, xã xây dựng nông thôn mới, các vùng dự án đặc trưng của địa phương, triển khai tín dụng chính sách gắn với nhiệm vụ giảm nghèo của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện cho biết: Hằng năm, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ đến với người dân, đặc biệt là bà con vùng sâu, vùng xa. Cùng đó, thành lập đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách đối với các hộ vay; tổ chức họp định kỳ hàng quý để đánh giá kết quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện để nguồn vốn phát huy hiệu quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác hỗ trợ, hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình sản xuất; lồng ghép các chương trình, dự án sản xuất, kinh doanh, lựa chọn mô hình phù hợp để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay...
Chủ tịch UBND xã Gia Miễn, huyện Văn Lãng cùng các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác kiểm tra danh sách các hộ vay được NHCSXH niêm yết công khai tại xã |
Bà Lương Thị Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bắc Sơn cho biết: Hiện nay, hội có gần 25.000 hội viên với 18 cơ sở hội. Những năm qua, Hội LHPN huyện đã phổ biến, quán triệt nghiêm túc nội dung của Chỉ thị 40 đến hội LHPN các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Từ đó, phát huy vai trò của tổ chức hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến về các chương trình cho vay ưu đãi đến hội viên. Để hội viên, người dân có kiến thức áp dụng vào sản xuất, hằng năm, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các hội cơ sở phối hợp tổ chức 2 - 3 lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên.
Cùng với Hội LHPN huyện Bắc Sơn, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Qua đó giúp nhiều hộ dân vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo và vươn lên thành hộ khá, giàu.
Chuyển biến rõ nét
Tìm hiểu thực tế về hiệu quả các chương trình cho vay ưu đãi tại xã An Sơn, huyện Văn Quan, chúng tôi được cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện dẫn đến tham mô hình sản xuất, kinh doanh của gia đình anh Hoàng Văn Hóa, thôn Bình Đãng A. Đang nhanh tay sửa máy nông nghiệp cho khách, anh Hóa tâm sự: Trước đây, điều kiện kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, bản thân tôi đã trải qua nhiều nghề nhưng thu nhập không ổn định. Năm 2018, được cán bộ Hội Nông dân xã tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình tôi đã vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để mở cửa hàng kinh doanh sửa chữa máy nông nghiệp và chăm sóc rừng hồi. Nhờ đó, mô hình sản xuất, kinh doanh của gia đình phát huy hiệu quả, năm 2022 tôi trả xong nợ ngân hàng và tiếp tục làm hồ sơ vay 100 triệu đồng để đầu tư trồng keo, na và mở rộng diện tích rừng hồi. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi cũng có thu nhập trên 100 triệu đồng, cuộc sống gia đình được cải thiện, nâng cao.
Người dân xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi phát triển mô hình thanh long |
Còn đối với gia đình ông Vi Văn Mừng, thôn Đoàn Kết, xã Thanh Sơn, huyện Hữu Lũng đã được vay vốn theo Nghị định 28 để xây dựng nhà ở. Ông Mừng phấn khởi: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nhiều năm qua sinh sống trong ngôi nhà đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Năm 2022, tôi được tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn cùng cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn chương trình hỗ trợ nhà ở với số tiền 40 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Cùng với nguồn vốn tích góp gia đình tôi đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố. Từ đây gia đình tôi yên tâm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Cùng với 2 trường hợp kể trên, sau 10 năm triển khai Chỉ thị 40, nhiều hộ dân tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng thông qua các tổ chức chính trị xã hội để có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sinh hoạt, sản xuất…
Mô hình trồng rừng từ nguồn vốn vay ưu đãi của người dân xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn |
Cụ thể, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW doanh số cho vay đạt 14.009,3 tỷ đồng, với 511.142 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đã được vay vốn để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, giúp 71.820 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 23.995 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 56.637 lượt lao động tạo được việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, 2.910 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đầu tư xây dựng được 145.995 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, xây dựng được 9.551 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân đã có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, thoát nghèo và vươn lên làm giàu, từ đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội chung trên địa bàn tỉnh. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 6,02% (năm 2013 là 18%); thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng (năm 2013 được 25 triệu đồng); toàn tỉnh có 98/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 24 xã nông thôn mới nâng cao, 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu; tốc độ tăng trưởng trên địa bàn khoảng 7%....
Qua thực tiễn cho thấy, sau 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị 40 của Ban Bí thư đã tạo nên sức mạnh tổng hợp xuyên suốt đến tận cơ sở, giúp cho việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực không chỉ về quy mô, nguồn lực mà chất lượng tín dụng chính sách ngày càng tăng, mà hơn thế là sự cộng hưởng sức mạnh của cả hệ thống chính trị được tăng cường.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện nghị Chỉ thị 40 trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Chính vì vậy, các cấp, ngành liên quan tiếp tục tìm giải pháp để khắc phục hạn chế, nâng cao hơn nữa hiệu quả việc triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.