Tăng cường giải pháp hỗ trợ người lao động Việt Nam
Cần quy định chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi bỏ rơi người lao động ở nước ngoài | |
TP.HCM: Hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng cho người lao động mất việc | |
Bảo đảm quyền lợi cho người lao động |
Mục tiêu tổng quát là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Văn kiện Đại hội Đảng cũng như các Chỉ thị của Bộ Chính trị, theo đó hoạt động người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc là một chủ trương nhất quán và quan trọng, lâu dài, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, từ khi Luật số 72/2006/QH11 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được ban hành và có hiệu lực kể từ 1/7/2007, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm tăng đáng kể. Trung bình mỗi năm có hơn 80.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm có trên 130.000 người lao động ra nước ngoài làm việc, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nguồn lao động.
Ảnh minh họa |
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2019 Việt Nam nhận về khoảng 16,7 tỷ USD kiều hối, trong khi các năm 2018 là 15,9 tỷ USD và 2017 là 13,8 tỷ USD. WB tính toán trong 12 năm trở lại đây, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tăng trung bình 10-15% mỗi năm. Việt Nam cũng đứng thứ 9 trong số các quốc gia nhận được nhiều kiều hối nhất trên thế giới trong năm nay. Số tiền đổ về từ hơn 4,5 triệu người Việt lao động và sinh sống ở nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 12 năm thi hành, thực tiễn đặt ra các yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện một số quy định của Luật số 72. Sửa đổi Luật lần này xuất phát từ các yêu cầu của thực tiễn hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nảy sinh những vấn đề mới mà Luật số 72 chưa quy định.
Cùng với quá trình hội nhập quốc tế và việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, sự hình thành khối cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép tự do di chuyển trong khối ASEAN dẫn đến việc xuất hiện nhiều hình thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới chưa được quy định trong Luật số 72, gây khó khăn trong việc hướng dẫn thi hành Luật và công tác quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Ví dụ hình thức công dân xuất cảnh hợp pháp theo các mục đích không phải lao động, sau đó tìm được việc làm để cư trú và làm việc hợp pháp theo quy định của nước sở tại (Macao, Australia, New Zealand)…; hình thức thỏa thuận gửi và tiếp nhận lao động giữa các địa phương của Việt Nam với địa phương nước nhận lao động (Hàn Quốc, Trung Quốc)…
Bên cạnh đó, thực tiễn áp dụng Luật số 72 còn phát sinh vướng mắc, chưa phù hợp với thực tế hiện nay. Qua tổng kết thi hành Luật số 72, một số quy định phát sinh các vướng mắc như: điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (quy định điều kiện doanh nghiệp đáp ứng phương án về cán bộ, cơ sở vật chất khi cấp giấy phép, điều kiện về tài chính chưa đảm bảo năng lực tài chính của doanh nghiệp trong việc giải quyết các vụ việc phát sinh, điều kiện về người lãnh đạo điều hành còn mở và không hoàn toàn phù hợp); quy định về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động chưa phản ánh đúng bản chất và xu hướng chung của các tiêu chuẩn lao động quốc tế; Luật số 72 quy định các tổ chức sự nghiệp được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng mới chỉ giới hạn là các tổ chức sự nghiệp thuộc bộ, ngành, chưa quy định các tổ chức sự nghiệp thuộc các địa phương đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận của địa phương...
Ngoài ra, một số quy định của Luật số 72 chưa đáp ứng được các yêu cầu mới về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong bối cảnh kinh tế - xã hội và quan hệ quốc tế mới. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa cao, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của người sử dụng lao động nước ngoài là do Luật số 72 quy định doanh nghiệp chỉ được phép tuyển chọn lao động sau khi hợp đồng cung ứng lao động được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận. Do đó, doanh nghiệp không có nhiều thời gian để tuyển chọn và đào tạo lao động theo yêu cầu về chất lượng và tiến độ của đối tác. Từ đó dẫn đến tình trạng chất lượng lao động không đảm bảo (nếu đào tạo không đủ thời gian) hoặc mất cơ hội ký hợp đồng cung ứng lao động, mất đối tác, giảm tính cạnh tranh với doanh nghiệp cung ứng của các quốc gia khác (nếu đào tạo đủ thời gian theo yêu cầu).
Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) bố cục gồm 8 chương và 79 Điều (giữ nguyên số chương và giảm 01 điều so với Luật hiện hành).