Đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong phục hồi kinh tế
Ông Shimizu Akira |
Đánh giá của ông về quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian qua và chính sách hợp tác với Việt Nam tới đây?
Trong thời gian qua, lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Nhật Bản duy trì thường xuyên các chuyến thăm ngoại giao, và có thể nói, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử. Mối quan hệ tin cậy dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau, được vun đắp bởi sự gắn bó giữa nhân dân hai nước chính là những cơ sở để tiếp tục phát triển hơn nữa. JICA sẽ nỗ lực hơn nữa để đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính, đồng thời thúc đẩy hơn nữa việc kết nối giữa con người với nhau, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Tôi cũng chưa rõ các chính sách cụ thể của Chính phủ mới nhưng 3 lĩnh vực gồm y tế, đầu tư công và phát triển nguồn nhân lực là 3 lĩnh vực phổ quát trong hợp tác thời gian qua và tôi tin rằng, Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực này.
Tiếp tục đối phó với dịch bệnh và phục hồi kinh tế trong bối cảnh Covid-19 là những nội dung quan trọng hiện nay. Xin ông cho biết về hướng chính sách hợp tác của JICA trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT)?
Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ Việt Nam tiếp tục đối phó với dịch bệnh, chúng tôi cho rằng các hỗ trợ, hợp tác để phát triển CSHT, nguồn nhân lực sẽ là những yếu tố quan trọng giúp phục hồi kinh tế. Về CSHT, bên cạnh các dự án công trình cửa ngõ quốc tế như Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng quốc tế Lạch Huyện, JICA cũng triển khai các dự án tăng cường kết nối giao thông giữa các địa phương, như cải tạo, xây dựng lại các cây cầu yếu trên nhiều tuyến quốc lộ thuộc nhiều tỉnh thành trên toàn quốc. Khoảng 70% các tuyến đường quốc lộ của Việt Nam được đầu tư cải tạo thông qua hợp tác vốn vay ODA Nhật Bản. Các dự án hoàn thành giúp tăng cường kết nối ASEAN, chuỗi cung ứng hàng hóa và giúp người dân đi lại thuận tiện, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các nhà máy nước ngoài đầu tư vào các địa phương.
Bên cạnh đó, để đáp ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số, JICA đã và đang triển khai các dự án góp phần cải thiện đời sống của người dân Việt Nam như các dự án xây dựng nhà máy điện, đường cao tốc lớn ở các đô thị vệ tinh, nhà máy xử lý nước... Các hợp tác của Nhật Bản đóng góp khoảng 10% tổng sản lượng điện của Việt Nam. Mới đây vào tháng 5/2021, JICA ký kết thỏa thuận cho vay Dự án điện gió trên đất liền tại tỉnh Quảng Trị, thúc đẩy cung cấp năng lượng sạch nhằm trung hòa carbon. Dự án Xây dựng đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh bị đình trệ một thời gian do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nay đã được thi công trở lại. Tôi mong rằng công trình sẽ sớm hoàn thành và đi vào hoạt động tại TP. HCM để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Đặc biệt, trong năm tài khóa 2020 (từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021), việc JICA ký kết với Việt Nam 2 hiệp định vốn vay ODA mới được coi là một tín hiệu đáng khích lệ cho những hợp tác tiếp theo trong tương lai. (Trong hai năm 2018 và 2019 không hiệp định vốn vay ODA nào do Việt Nam chủ trương hạn chế vay nợ nước ngoài).
Vậy các giải pháp mà JICA khuyến nghị là gì?
Đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ có những quyết sách mới để thúc đẩy hoàn thành chắc chắn và hiệu quả các dự án đang triển khai, đồng thời hình thành các dự án mới phù hợp với chủ trương cân bằng giữa phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội. Về cụ thể, tôi nghĩ cần cải thiện, đơn giản hóa các thủ tục còn phức tạp, chồng chéo, giảm thiểu phê duyệt của lãnh đạo cấp cao đối với những thay đổi nhỏ của dự án, cần áp dụng ngay tại công trình các quy định đã được sửa đổi...
Tôi thấy rằng, Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận thấy những khó khăn, trở ngại này và Chính phủ đang nỗ lực cải thiện để thay đổi, như điều chỉnh nghị định, một số văn bản pháp luật có liên quan để sớm cải thiện tình hình. Quan trọng tới đây là ở khâu thực thi. Vì khi có những thay đổi, điều chỉnh rồi thì việc vận hành như thế nào cũng rất quan trọng. Nên tôi cho rằng rất cần có sự đồng thuận, thống nhất giữa/ở các cấp thực thi để có thể thực hiện được các thay đổi này.
Bên cạnh đó, tôi hiểu rằng Việt Nam sẽ có những quy định riêng (mang tính chất nội luật) và phải tuân thủ theo các quy định này. Mặt khác, Nhật Bản cũng áp dụng một số quy định, luật lệ mang tính chung trên toàn cầu, theo các tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì thế mà trong quá trình triển khai đôi khi có thể có những điểm chưa đồng nhất. Do vậy, trong thời gian tới chúng tôi sẽ nỗ lực cùng với Chính phủ Việt Nam cùng bàn bạc, thảo luận để làm sao có sự thống nhất cao nhất.
Gần đây nhất, vào cuối tháng 9 vừa qua, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Việt Nam Phạm Bình Minh đã chủ trì Hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công với Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi. Tại hội nghị này, JICA cùng với nhóm 6 định chế tài chính quốc tế (WB, ADB...) đã phân tích các vấn đề trong môi trường dự án ODA, các tồn tại liên quan đến vấn đề giải ngân ODA và đưa ra các đề xuất cải tiến giải ngân với các cơ quan, bộ ngành có liên quan của Việt Nam. Vì vậy tôi hy vọng dần dần các vấn đề sẽ được giải quyết. Đối với từng dự án, JICA sẽ tiếp tục trao đổi tích cực với các cơ quan thực hiện dự án để giải quyết dứt điểm các vấn đề.
Xin cảm ơn ông!
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam: “Tôi được biết nhu cầu vốn vay ODA từ các đối tác phát triển (trong đó có ADB) của Việt Nam vào khoảng 13-15 tỷ USD cho giai đoạn 2021-2025. Chúng tôi đang có các hoạt động trao đổi, rà soát với Chính phủ Việt Nam về các chương trình, dự án mới cho giai đoạn tới và đang trong quá trình làm sao để các dự án được phê duyệt sớm cả từ phía ADB và phía Chính phủ Việt Nam. Sau khi đã được phê duyệt, các dự án sẽ đi đến giai đoạn triển khai và như vậy sẽ cần các bước tiếp theo như thiết kế chi tiết, huy động nhà thầu, thực hiện các bước xây lắp… Các đối tác phát triển nói chung, ADB nói riêng rất mong muốn hỗ trợ cho Việt Nam theo các kế hoạch đã được tính toán”. |