Động lực chuyển đổi số cho ngân hàng
Chuyển đổi số ngân hàng: Không thể chậm trễ | |
Việt Nam cần làm gì để không lỡ chuyến tàu chuyển đổi số? | |
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Lãnh đạo đóng vai trò quan trọng |
Tăng cường đổi mới nền tảng dịch vụ số
Giữa tháng 7 vừa qua, Vietcombank đã chính thức ra mắt dịch vụ ngân hàng số hoàn toàn mới - VCB Digibank. Dịch vụ ngân hàng số mới này của Vietcombank dựa trên việc hợp nhất và thay thế các nền tảng Internet Banking và Mobile Banking trước đó của hệ thống ngân hàng này.
Việc đổi mới nền tảng số VCB Digibank của Vietcombank được thực hiện trong bối cảnh nhu cầu giao dịch trực tuyến của khách hàng ngày càng tăng do các biện pháp phòng chống lây lan của dịch Covid-19 đã khiến dịch vụ ngân hàng số này lập tức thu hút đông đảo người dùng. Thống kê nhanh của Vietcombank cho thấy chỉ sau 1 tuần triển khai áp dụng VCB Digibank đã có hàng triệu khách hàng hiện hữu đang sử dụng các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking đổi sang sử dụng nền tảng mới nhằm trải nghiệm các công nghệ bảo mật hiện đại, an toàn cũng như tận dụng các hạn mức tối đa trong giao dịch trực tuyến.
Công nghệ ngân hàng số dựa trên phân tích dữ liệu sinh trắc học khách hàng sẽ tiếp tục được các NHTM đầu tư phát triển |
Không chỉ Vietcombank, theo ghi nhận đến thời điểm hiện tại, làn sóng chuyển đổi các nền tảng số hóa của hệ thống NHTM đã có sự lan tỏa và cạnh tranh mãnh liệt. Đơn cử như TPBank, tính đến cuối tháng 7 vừa qua, hệ thống ngân hàng này đã xây dựng thành công gần 300 điểm ngân hàng tự động LiveBank trên toàn quốc. Từ công nghệ nhận diện tiếp xúc bằng vân tay, hiện ứng dụng VTM – Video Teller Machine của TPBank đã có khả năng nhận diện khuôn mặt chính xác và thực hiện giao dịch bằng giọng nói không cần phải tiếp xúc.
Trong khí đó tại OCB, sau khi triển khai thành công nền tảng ngân hàng số OCB OMNI, hiện nhà băng này đã nâng cấp ứng dụng để tích hợp các dịch vụ tài chính cơ bản như: mở tài khoản, gửi tiết kiệm, thanh toán các dịch vụ thiết yếu bằng mã QR không cần tiếp xúc. Đại diện OCB cho biết, hiện đơn vị cũng đang thử nghiệm công nghệ nhận diện khuôn mặt và công nghệ OCR - hỗ trợ đọc dữ liệu khách hàng từ CMND, hộ chiếu hoặc bằng lái xe. Ứng dụng mới của OCB dự kiến cho phép chuyển tiền bằng số điện thoại, chuyển tiền qua nickname hoặc áp dụng công nghệ tiền thuật toán Ripple để hỗ trợ khách hàng chuyển tiền quốc tế.
Các NHTM khác như VietcapitalBank và VPBank cũng không hề kém cạnh. Hiện VPBank đã áp dụng giải pháp eKYC để định danh khách hàng 100% online dựa vào các thông tin sinh trắc học mà không cần gặp mặt. Khách hàng của VPBank hiện nay chỉ cần đăng ký tài khoản là có thể thực hiện hầu như tất cả các giao dịch thanh toán, chuyển tiền bằng hình thức trực tuyến, sử dụng chữ ký điện tử mà không cần phải đến quầy giao dịch của ngân hàng. Tương tự, với sự hợp tác với ví điện tử SmartPay, hiện nay VietcapitalBank cũng đã áp dụng mô hình định danh điện tử eKYC để hỗ trợ khách hàng gửi tiết kiệm và thực hiện các giao dịch trực tuyến 100% với độ bảo mật cao nhất dựa trên công nghệ nhận diện khuôn mặt và các thông tin sinh trắc học.
eKYC sẽ là từ khóa cạnh tranh mới
Theo nhận định của nhiều NHTM, đại dịch Covid-19 mặc dù ảnh hưởng tiêu cực nền kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh của hệ thống các TCTD nói riêng. Tuy nhiên ở một chừng mực nào đó việc các quốc gia đồng loạt áp dụng các biện pháp vừa cách ly chống dịch bệnh vừa tập trung hồi phục nền kinh tế cũng tạo ra cơ hội để các TCTD và khách hàng chuyển đổi các nền tảng số hóa, phát triển mạnh hơn hoạt động thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt.
Thực tế, ghi nhận của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy, trong vòng từ đầu năm đến nay, do việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 hoạt động thương mại điện tử của người dân và DN tăng trưởng rất mạnh. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua Internet Banking và Mobile Banking mỗi ngày đã đạt khoảng 1 tỷ USD. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng giá trị thương mại điện tử hàng năm đã tăng từ mức 8,7 tỷ USD năm 2018 lên mức dự kiến 10 tỷ USD trong năm nay.
Ở góc độ xu hướng, theo khảo sát Tổ chức thẻ VISA, hiện nay thói quen thanh toán của người tiêu dùng đã thay đổi khá mạnh sau khi thế giới xảy ra đại dịch Covid-19. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương việc sử dụng tiền mặt đã giảm đáng kể, chẳng hạn tại Singapore đã giảm 67%, Malaysia, Philippines giảm 62% và Thái Lan giảm 59%. Thói quen mới này, theo VISA là sẽ tiếp tục được duy trì ngay cả khi đại dịch toàn cầu thuyên giảm. Vì vậy, việc chuyển đổi số của hệ thống các TCTD hiện nay là hết sức cần thiết và chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt về công nghệ đối với từng nền ứng dụng.
Riêng tại Việt Nam hiện nay, nhiều chuyên gia lĩnh vực tài chính số cho rằng “eKYC” sẽ là từ khóa cơ bản cho một cấp độ mới của cuộc cạnh tranh về không gian ngân hàng số. Bởi vừa qua, NHNN đã cho phép thí điểm mở tài khoản từ xa, xác thực bằng phương thức định danh điện tử với công nghệ nhận diện khuôn mặt và nhận diện giấy tờ tùy thân. Hiện đã có khoảng 10 TCTD trực tiếp đầu tư xây dựng các ứng dụng eKYC hoặc liên kết với các fintech để tích hợp các công nghệ mới này vào giao dịch trực tuyến. Theo đó, các NHTM tiên phong trong công nghệ số như Vietcombank, TPBank, VPBank, OCB, VietCapital Bank… đều đã và đang đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ eKYC. Các ngân hàng khác như Techcombank, VietinBank, VIB, HDBank… hiện cũng đang dậm dịch đầu tư lớn cho nền tảng công nghệ này nhằm tối ưu hóa nguồn nhân lực, giảm thiểu chi phí và giữ chân khách hàng.
Chính vì vậy, trong 1-2 năm tới cuộc cạnh tranh công nghệ số trong hệ thống ngân hàng sẽ thiết lập một cấp độ mới, không còn đơn giản là các công nghệ tiếp xúc, phi tiếp xúc đơn thuần mà sẽ tập trung sâu vào hệ thống phân tích dữ liệu sinh trắc học của khách hàng để định danh, bảo mật, quản trị rủi ro và giảm thiểu tối đa các hồ sơ, thủ tục hành chính.