Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Lãnh đạo đóng vai trò quan trọng
Doanh nghiệp chuyển đổi số: Từ xu hướng đến thực tế | |
Chuyển đổi số nông nghiệp: Cần sự tiên phong của doanh nghiệp lớn | |
Covid-19 thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh hơn |
Lợi ích ở đây, có thể nhìn thấy ngay lập tức qua chuyển đổi số, là không cần phải dành ra một khoảng không để lưu trữ hồ sơ, giấy tờ, tài liệu… Điều này giúp tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, thời gian in ấn và sắp xếp tài liệu, việc tìm kiếm cũng đơn giản hơn. Việc số hóa dữ liệu kết hợp với công cụ bảo mật tốt thậm chí còn có thể tăng cường sự an toàn khi lưu trữ, dễ kiểm soát, hỗ trợ hoạt động kinh doanh và lên kế hoạch phát triển…
Nhưng lợi ích là vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa nhận thức được đúng vai trò của chuyển đổi số trong xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0.
Một số nguyên nhân có thể kể đến là: doanh nghiệp thiếu nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi số, thiếu tư duy kĩ thuật số. Gánh nặng về chi phí cũng là một nguyên nhân khác, dù khoản đầu tư số hóa dữ liệu nhiều hay ít phụ thuộc vào nhu cầu thực tế. Ngoài ra, việc số hóa có thể gây ra sự xáo trộn lớn về nhân sự, đặc biệt là những vị trí lâu năm hoặc chủ chốt.
Trong các nguyên nhân trên, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp VCCI Lê Minh Huân cho rằng một trong những rào cản lớn nhất cho chuyển đổi số trong các doanh nghiệp chính là sự thay đổi tư duy, nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp về tầm quan trọng của chuyển đổi số.
“Chuyển đổi số là một cách nói khác của chiến lược kinh doanh, bởi vậy lãnh đạo là những người phù hợp nhất để nói về chuyển đổi số”, ông Huân nói. “Các nhà lãnh đạo phải là những nhà lãnh đạo số, phải biết sử dụng các công nghệ mới nhất của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 để hỗ trợ cho hoạt động trí óc của mình”.
Đồng quan điểm, TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận xét rộng hơn ở tầm chiến lược: “Nhận diện bản chất của Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số, nắm bắt đúng thời cơ trong bối cảnh mới, có những lựa chọn chiến lược thích hợp để dấn bước nhanh chóng vào tương lai là yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam”.
Theo ông Thiên, kinh tế số là cơ hội cho các quốc gia, đất nước nào tập trung đào tạo nhân lực, tập trung cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chuyển sang kinh tế số nhanh hơn thì sẽ giành chiến thắng. Việt Nam đã đặt ra mục tiêu chuyển đổi số rất mạnh với quyết tâm rất cao, trong đó bước khởi đầu rất thành công là Chính phủ điện tử, đây là động thái quyết liệt của Chính phủ trong đẩy mạnh Chính phủ số.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng để xây dựng và phát triển nền kinh tế số thì cần sự lãnh đạo và quản lý phù hợp. Trong đó, một trong những vấn đề cần quan tâm trước mắt là xây dựng hệ thống pháp lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp bước vào nền kinh tế số dễ dàng hơn.
“Covid-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng cửa rất nhiều, Chính phủ đặt mục tiêu cứu các doanh nghiệp nhưng chúng tôi cũng đề nghị dành nguồn lực quan trọng không phải để cứu mà hỗ trợ các doanh nghiệp. Nền kinh tế đứng dậy sau khó khăn phải được đổi mới bằng các doanh nghiệp số, doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Thiên chia sẻ quan điểm.