HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam lên 6,9%
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7% trong năm 2022 | |
Tăng trưởng GDP quý II đạt 7,72% |
Tăng trưởng ấn tượng, nhưng còn đó những rủi ro
Như nhiều quốc gia khác, những rủi ro do các biến chủng của virus SARS-CoV-2 đang dần qua đi và các hạn chế được nới lỏng đã tạo cơ sở để Việt Nam trở lại trạng thái bình thường. Sau hai quý tái mở cửa ổn định, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam tiếp tục là một ví dụ nổi trội trong khu vực.
Nhờ vào phục hồi trên diện rộng, GDP quý II/2022 của Việt Nam đã tăng ngoạn mục 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành dịch vụ, vốn đã từng chịu hậu quả kinh tế nặng nề, nay cũng đã phục hồi ấn tượng. Những ngành dịch vụ liên quan đến du lịch và phục vụ khách hàng được hưởng lợi phần lớn từ việc tái mở cửa. Trong khi đó, ngành sản xuất tiếp tục tăng trưởng, giúp xuất khẩu đạt đỉnh cao lịch sử.
Mức tăng trưởng GDP quý II/2022 đã dễ dàng vượt xa những kỳ vọng của thị trường (trước đó HSBC dự báo tăng 5,8%; các tổ chức nghiên cứu khác dự báo 5,9%). Đây cũng là mức tăng trưởng GDP theo quý cao nhất mà Việt Nam từng đạt được kể từ năm 2011. Nhưng, khi phân tích kỹ hơn, một thông điệp ẩn khác cũng đồng thời xuất hiện. Dù cho tăng trưởng toàn phần rất khả quan, cuộc khủng hoảng năng lượng đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam.
Thoạt nhìn, rất đáng mừng khi chứng kiến lĩnh vực dịch vụ đã có sự tiến triển đáng kể. Nhờ dỡ bỏ những hạn chế quan trọng trong nước và đối với quốc tế vào giữa tháng 3, các lĩnh vực liên quan đến du lịch, đặc biệt là vận chuyển và lưu trú, đã bắt đầu khởi sắc. Trong khi đó, bán lẻ của quý II/2022 đã tăng vọt 17% so với cùng kỳ, dấu hiệu cho thấy tiêu dùng hộ gia đình đã phục hồi trở lại.
Du lịch cũng đang phát triển mạnh mẽ khi mùa hè đến. Lấy sân bay Nội Bài tại Hà Nội làm ví dụ, các bãi đậu xe đều kín chỗ, buộc các bộ phận quản lý sân bay phải đưa ra nhiều biện pháp như mở tất cả các làn đường để kiểm vé nhằm giảm tải ùn tắc giao thông. Các chuyến bay đã lên lịch tại sân bay Nội Bài đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm 2022, vượt số liệu được ghi nhận ở giai đoạn đầu đại dịch. Điều này tương đương với hơn 100 nghìn lượt khách đi lại mỗi ngày, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019, đồng thời cũng vượt quá sức chứa giới hạn 100 nghìn lượt khách của nhà ga T1.
Như vậy, ngay sau tái mở cửa biên giới vào ngày 15/3, Việt Nam đã đón lượng khách du lịch tăng đáng kể. Vào quý II/2022, Việt Nam đã đón 0,5 triệu khách du lịch, gần gấp năm lần so với quý I/2022. Tổng cộng trong nửa đầu năm 2022, lượng khách đến Việt Nam đạt 0,6 triệu lượt. Trước dịch, 80% khách du lịch đến từ châu Á, với đại đa số từ Trung Quốc đại lục (32%) và Hàn Quốc (24%). Hiện nay, chỉ 65% du khách đến từ châu Á, các khu vực như châu Âu (16%) và Mỹ (11%) đã chiếm tỷ lệ lớn khách du lịch sau đại dịch, xếp ngay sau Hàn Quốc (18%).
Tổng cục Du lịch Việt Nam (VNAT) đặt mục tiêu tham vọng thu hút được 5 triệu lượt khách nước ngoài đến Việt Nam năm 2022, gần đạt mức 30% số du khách của năm 2019. Tuy nhiên, sự phục hồi du lịch có thể sẽ diễn ra từ từ, đặc biệt là do thiếu nguồn khách du lịch Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã vượt mức mục tiêu 60 triệu lượt khách du lịch nội địa hàng năm do VNAT đặt ra. Tuy nhiên, dù lượng khách nội địa cao, doanh thu du lịch chỉ đạt 11 tỷ USD, bằng 66% mục tiêu.
Trong khi nhu cầu nội địa phục hồi, sản xuất của Việt Nam cũng khẳng định được vị thế dẫn đầu. Tất cả chỉ dấu đều cho thấy sự tăng trưởng sản xuất ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong quý II/2022 đã tăng lên mức hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.
Sự thành công này không nghi ngờ gì phần lớn là nhờ vào những lô hàng điện tử xuất liên tục. Xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong quý II/2022, tăng hơn 20% so với cùng kỳ, trong đó một phần ba là các lô hàng điện thoại thông minh và máy vi tính. Ngành dệt may, giày dép và máy móc cũng đều ghi nhận sự tăng trưởng phù hợp, chứng tỏ rằng động lực bên ngoài của Việt Nam đang quay trở lại.
Lưu ý rủi ro lạm phát từ giá năng lượng cao
Tuy vậy, nhập khẩu quý II/2022 cũng khởi sắc mạnh mẽ, đạt mức tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Một phần là vì bản chất phụ thuộc nhập khẩu của ngành sản xuất Việt Nam, ví dụ như các nguyên vật liệu điện tử chiếm gần 40% sản lượng nhập khẩu trong quý II/2022. Và vì là một nhà nhập khẩu ròng năng lượng, ngày càng rõ ràng rằng giá năng lượng leo thang kéo theo gia tăng các hóa đơn năng lượng của Việt Nam.
Với những nguyên nhân trên, trong quý II/2022, thâm hụt thương mại của Việt Nam là 0,6 tỷ USD (từ mức thặng dư 1,5 tỷ USD trong quý I/2022). Điều này có thể khiến tài khoản vãng lai của Việt Nam bị thâm hụt trầm trọng hơn. Kể từ quý II/2021, lợi thế tài khoản vãng lai của Việt Nam đã dần bị xói mòn khi mức thặng dư ngày càng giảm không thể bù lại thâm hụt trong dịch vụ và thu nhập chính.
“Sau khi chứng kiến mức thâm hụt 1% GDP trong năm 2021, chúng tôi cho rằng Việt Nam sẽ bị thâm hụt tài khoản vãng lai năm thứ hai liên tiếp, dù mức thâm hụt sẽ thấp hơn năm ngoái, có thể chỉ khoảng 0,3% GDP”, các chuyên gia HSBC ước tính.
Một điểm sáng giúp Việt Nam có thể tự vệ trước những rủi ro bên ngoài chính là dựa vào nguồn FDI ổn định, tạo điểm tựa cho cán cân tổng thể. Trên đà động lực, nguồn vốn FDI mạnh có thể bù lại thâm hụt tài khoản vãng lai trong những quý trước. Cụ thể, FDI đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng, phản ánh sự quan tâm và niềm tin vững chắc của nhà đầu tư vào những điều kiện cơ bản bền vững của Việt Nam.
Bức tranh tăng trưởng tổng thể là tích cực, tuy nhiên ảnh hưởng từ giá năng lượng cao cũng đang ngày càng rõ ràng hơn. Một mặt, giá cả hàng hóa leo thang đã dẫn đến thâm hụt thương mại trong quý II/2022, có thể khiến tình hình tài khoản vãng lai vốn không được khả quan sẽ còn trầm trọng hơn. Mặt khác, dù cho tiêu dùng gia đình đã phục hồi vững chắc, giá dầu cao sẽ có thể khiến túi tiền của người dân vơi đi nhiều, làm giảm tốc độ hồi phục.
Mặc dù hiện tại, áp lực giá cả của Việt Nam chưa rõ ràng như những quốc gia khác trong khu vực nhưng đà lạm phát đã tăng nhanh chóng. Lạm phát toàn phần tăng 0,7% so với tháng trước, tương đương với 3,4% so với năm ngoái, vượt khỏi dự báo của HSBC và thị trường (HSBC dự báo 3,2%; các tổ chức nghiên cứu dự báo 3,2%; trước đó dự báo chỉ 2,9%). Tương tự những tháng trước, lạm phát nhóm giao thông vận tải cao vẫn đóng vai trò chủ đạo, tăng 3,6% so với tháng trước trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng.
Trong khi giá năng lượng cao là điều đã được đoán trước, bất ngờ lớn nhất trong dự đoán của HSBC là lạm phát lương thực, thực phẩm tháng 6 đã tăng 0,8% so với tháng trước. Điều này phần lớn phản ánh tác động mạnh mẽ của chi phí năng lượng leo thang khi giá cả của các mặt hàng tăng trên diện rộng, bao gồm thịt, trứng và rau củ, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê. Hơn nữa, có những dấu hiệu cho thấy lạm phát đã bắt đầu lan rộng.
Do giá dầu thế giới tăng, HSBC tin rằng áp lực lạm phát sẽ gia tăng với khả năng lạm phát năm 2022 sẽ ở mức trung bình 3,5%, dù thấp hơn mức mục tiêu 4% nhưng áp lực giá sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2022. Dự báo lạm phát có thể sẽ vượt qua mức 4% so với cùng kỳ kể từ quý IV/2022 đến quý II/2023.
“Chúng tôi dự đoán rằng NHNN có thể sẽ bắt đầu tăng lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%) từ quý III/2022, và tăng thêm 50 điểm cơ bản mỗi quý cho đến quý III/2023. Như vậy đến cuối năm 2023, lãi suất điều hành có thể lên đến 6,5%”, các chuyên gia HSBC dự báo.
“Chúng tôi dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,9% trong năm 2022, có khả năng đứng đầu toàn khu vực. Đồng thời, cân nhắc các rủi ro đang gia tăng, đặc biệt từ lĩnh vực năng lượng, chúng tôi cũng giảm dự báo tăng trưởng của năm 2023 xuống 6,3%. Về mặt giá cả, chúng tôi dự báo lạm phát sẽ ở mức trung bình 3,5% trong năm 2022, nhưng đà lạm phát sẽ có thể tạm thời vượt mức trần 4% ở một vài thời điểm, đòi hỏi cần bình thường hóa chính sách tiền tệ”, báo cáo của HSBC nhận định.