Đồng vốn nghĩa tình nơi miền đất võ
Tín dụng chính sách giúp giảm hộ nghèo | |
Công cụ hữu hiệu để giảm nghèo | |
Hà Tĩnh: Vẫn hát bài ca Đảng đã bắt nhịp |
Một mùa xuân mới lại về với tâm thế vui tươi, phấn chấn của những người làm công tác tín dụng chính sách xã hội trên miền đất võ Bình Định. Ông Đoàn Trung Thành, Giám đốc NHCSXH Bình Định phấn khởi cho biết, dư nợ tín dụng chính sách của tỉnh đến hết năm 2019 đạt hơn 3.800 tỷ đồng, trong đó, sau 5 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội dư nợ tăng thêm hơn 1.500 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh; trong đó tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Hiện có gần 91 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.
Vào những ngày xuân này, chúng tôi đến xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Là huyện thuần nông, người dân chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản. "Giao thông phần lớn đi lại thuận tiện nhưng vẫn còn một vài thôn, xóm phải đi xuồng mới gặp được người dân, tuy vậy, ông Nguyễn Hoàng Nhất Nam, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tuy Phước khẳng định, ngân hàng vẫn phục vụ bà con có nhu cầu vay vốn, không bỏ trắng tín dụng ưu đãi, mà xóm Cồn Chim, thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước là một ví dụ. Mất khoảng 5 phút trên xuồng máy qua khu đầm Thị Nại chúng tôi vào xóm Cồn Chim – nơi có khoảng 300 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu, đa số người dân làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, trong đó có khá nhiều hộ đã vay vốn ưu đãi của NHCSXH.
Chị Hồ Thị Mỹ Yến chia sẻ công việc nuôi tôm, cua tại đầm với cán bộ NHCSXH và Tổ trưởng Tổ TK&VV xóm Cồn Chim |
Tổ trưởng Tổ TK&VV xóm Cồn Chim – ông Hồ Văn Trung chia sẻ: Tổ có 60 thành viên, dư nợ khoảng 2,8 tỷ đồng, các tổ viên phần lớn vay các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo và giải quyết việc làm.
“Với nơi bốn bề mênh mông nước thì nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH chủ yếu được người dân sử dụng để nuôi tôm, cá, cua, một số hộ vay vốn chương trình nước sạch để nâng chất lượng cuộc sống, giảm các bệnh ngoài da và bệnh liên quan tới mắt. Đến nay, trong xóm chỉ còn 2 hộ nghèo. Đó là nỗ lực của người dân và được sự hỗ trợ của nguồn vốn NHCSXH đấy các anh ạ”, ông Trung trải lòng.
Điển hình như hộ chị Hồ Thị Mỹ Yến, nhờ có nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH mà gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo từ năm 2017. Chị Yến kể, trước đây gia đình rất khó khăn, chị phải đi làm thuê cho các chủ đầm nhưng thường là chưa hết tháng đã hết tiền tiêu, chứ nói gì tới thoát nghèo.
Sau đó, được sự động viên của gia đình, chị thuê 1,8 ha đầm và được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng để cải tạo, mua giống, thu nhập dần khá lên và thoát nghèo. Để thoát nghèo bền vững, NHCSXH đã tiếp tục cho gia đình chị Yến vay 50 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo. Hiện nay, hộ chị Yến có thu nhập khoảng 100 triệu đồng mỗi năm từ nuôi tôm, cua và cơ hội thoát nghèo bền vững sẽ không còn xa. “Để có cuộc sống như ngày hôm nay tôi luôn nhớ ơn tới chính quyền địa phương, hội đoàn thể và NHCSXH”, chị tâm sự.
Rời xóm Cồn Chim, chúng tôi đến xóm 13, thôn Dương Thiện để lắng nghe câu chuyện về người đảng viên, Tổ trưởng Tổ TK&VV Huỳnh Văn Bốn. Sinh năm 1964, từng đi chiến trường Campuchia, sau khi rời quân ngũ ông trở về và cống hiến cho quê hương. Hiện ông Bốn đang đảm nhiệm 3 vai ở địa phương là Bí thư Chi bộ thôn, trưởng thôn, tổ trưởng tổ TK&VV xóm 13, thôn Dương Thiện mà nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc.
Tổ TK&VV xóm 13 thôn Dương Thiện từng có 52 tổ viên nhưng tốc độ thoát nghèo khá nhanh nên nay chỉ còn 47 tổ viên. Hầu hết bà con vay vốn NHCSXH để mua ghe, thuyền, lưới, làm đầm nuôi tôm cá, mang lại thu nhập ổn định.
Điều đáng khen ngợi là trong hơn 10 năm nay, Tổ TK&VV xóm 13 do ông Bốn làm tổ trưởng không có nợ quá hạn. Chia sẻ về điều này, ông Bốn cho biết, trước hết là tổ trưởng phải thường xuyên vận động, tuyên truyền, nắm rõ “hồ sơ” vay vốn, hoàn cảnh gia đình của từng khách hàng.
“Là Bí thư Chi bộ, tôi luôn quán triệt các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đảng viên; luôn gần gũi với người dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, kịp thời chuyển các kiến nghị tới Đảng ủy, HĐND và UBND xã và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho người dân, trong đó có những vướng mắc về vốn vay ưu đãi”, ông Bốn nói.
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ tổ trưởng Tổ TK&VV, ông Bốn còn mạnh dạn đưa ra nhiều sáng kiến mang lại lợi ích cho thôn, xóm được nhân dân tin yêu.
Ông Huỳnh Văn Bốn, Tổ trưởng Tổ TK&VV xóm 13, thôn Dương Thiện chia sẻ bí quyết 10 năm quản lý tổ không có nợ quá hạn với cán bộ NHCSXH |
Chia tay huyện Tuy Phước, đón niềm vui từ những người hưởng thụ đồng vốn ưu đãi, chúng tôi tin rằng thời gian tới, tín dụng chính sách xã hội của Bình Định sẽ còn hỗ trợ người dân nhiều hơn nữa. Theo Giám đốc Đoàn Trung Thành, ngân hàng luôn xác định nguồn vốn cho vay đến bà con là đồng vốn nghĩa tình và vì người nghèo và đối tượng chính sách xã hội. Để làm tốt nhiệm vụ của mình, NHCSXH Bình Định thường xuyên đào tạo, tập huấn cho các cán bộ tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ ban giảm nghèo cấp xã… Đặc biệt, kể từ khi triển khai Chỉ thị số 40, các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm tạo điều kiện bố trí nguồn lực, ban hành, bổ sung các cơ chế chính sách, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện chính sách xã hội. Kể từ khi thực hiện Chỉ thị 40 đến nay, nguồn vốn địa phương ủy thác sang chi nhánh NHCSXH tỉnh để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tăng 108 tỷ đồng. Riêng năm 2019 vừa qua, nguồn vốn địa phương ủy thác là 34 tỷ đồng.
Về nhiệm vụ trong năm 2020, ông Thành cho biết, Chi nhánh sẽ tiếp tục bám sát Nghị quyết Hội đồng quản trị, hướng dẫn của NHCSXH Trung ương và các quyết định của UBND tỉnh ban hành một số chỉ tiêu và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 trên địa bàn tỉnh, đồng thời thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch giao. Cùng với đó là nâng cao chất lượng hoạt động Điểm giao dịch xã; tỷ lệ giải ngân, thu lãi, thu nợ gốc tại điểm giao dịch xã; Tăng cường huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân; nhận tiền gửi từ thành viên của Tổ TK&VV và tiền gửi dân cư tại điểm giao dịch xã để bổ sung tăng nguồn vốn cho vay, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn của người dân.