Hà Tĩnh: Vẫn hát bài ca Đảng đã bắt nhịp
Sáng tình Đảng, ấm lòng dân (Bài cuối) | |
Sáng tình Đảng, ấm lòng dân (Bài 2) | |
Tín dụng chính sách xã hội: Sáng tình Đảng, ấm lòng dân (Bài 1) |
Về miền quê “ví dặm” những ngày cuối năm, những cơ cực của vùng đất khô cằn và đầy gió bão Hà Tĩnh vẫn hiện hữu trong màu bạc xám của trời đông. Nhưng đã bao đời nay, những khó khăn không bao giờ làm nhụt chí, mà ngược lại, càng thôi thúc một ý chí vươn lên của những người dân Hà Tĩnh hiền hòa và giàu có về tâm hồn, với sự trợ đỡ nguồn vốn của Nhà nước thông qua NHCSXH. Để hôm nay, vẫn thấy vẹn nguyên ý vị ca từ “Ta vẫn đi lên đi lên.Ta hát bài ca mà Đảng bắt nhịp cho ta” trong “Bài ca Hà Tĩnh”.
Vốn tín dụng giúp ngư dân đảm bảo đời sống vững chắc và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc |
Nâng niu những cuộc đời
Quyển sổ vay vốn NHCSXH của bà Nguyễn Thị Kim sinh năm 1955, ở khối 3 phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, chỉ còn trang cuối cùng để trắng. Hơn 10 năm vay vốn ở đây, cuốn sổ đã kín đặc số liệu của các chương trình vay từ hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường, vốn sản xuất kinh doanh nâng cao mức sống gia đình, đến việc gây tạo sự nghiệp cho con qua con đường đèn sách. 3 lần vay vốn cho 3 con học đại học với số tiền 101,4 triệu, gia đình đã trả 78 triệu đồng, cùng dư nợ hộ nghèo còn 30 triệu đồng cho thấy con đường thoát nghèo của gia đình bà là cả quá trình chật vật. Hai ông bà cũng không biết, nếu không có nguồn vốn ấy sẽ làm thế nào để nuôi được 7 đứa con chỉ với 7 sào ruộng.
Bà kể gia đình trước nay chỉ đủ ăn, bởi ông vốn là người tháo vát, trước thì xe thồ, nay xe máy cứ chiều đến đi khắp các huyện bán nông cụ cho bà con đổi lấy là chè và rau cho bà sớm mai xuống chợ. Đến khi 3 cô con gái đi học đại học, học phí trông cả vào nguồn tín dụng sinh viên vay NHCSXH hỗ trợ. Nếu không có nguồn tín dụng này, bà Kim khẳng định chỉ có cậu con trai đầu được đi học đại học, còn 3 cô con gái sau cũng phải tiếp bước “vết xe đổ” của 3 chị trước đó, hết cấp 3 nghỉ học, phụ giúp cha mẹ kiếm miếng cơm rồi đi lấy chồng.
Qua cơn bĩ cực, dù chưa tới hồi thái lai song từ năm 2015 đến nay khi hai con ra trường có việc làm, đã giúp bà trả nợ ngân hàng, nuôi cô út đang học đại học và sửa sang căn nhà che mưa nắng lúc tuổi già. Cái nghèo cũng từ đây đoạn tuyệt.
Còn với anh Mai Thanh Hưng, xã Kỳ Phương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, vốn vay NHCSXH chính là cứu cánh với gia đình anh sau sự cố môi trường biển. Vốn sinh kế là đánh bắt gần bờ, trước khi có thảm họa, đời sống vợ chồng anh rất khấm khá. Song sau sự cố, môi trường ô nhiễm, đánh bắt gần bờ bị cấm, như bao gia đình vùng quê này, gia đình anh chị cũng trong cảnh thuyền phơi, ngư cụ dồn góc nhà tự mục rách. Không có việc làm, anh đành phải vào Nam đi làm thuê, làm mướn kiếm 1 triệu, 2 triệu/tháng gửi về cho vợ và 4 con. Bởi vậy khi nghe tin NHCSXH cho vay vốn người dân chuyển đổi sinh kế anh vội trở lại quê nhà. Nhờ 50 triệu đồng vay vốn từ NHCSXH, anh tu sửa thuyền và ngư cụ lại để ra khơi đánh bắt. Đã 3 năm trôi qua, đời sống gia đình tạm ổn, dù không được như cũ nhưng thu nhập cũng được 70-80% so với trước đây. “Nếu không có NHCSXH cho vay vốn khi ấy thì gia đình tôi càng ngày càng khó khăn. Kể từ đó đến giờ, gia đình tôi làm ăn khá hơn, các cháu học hành đến nơi đến chốn”, anh tâm sự. Thuyền của anh cũng tạo việc làm và thu nhập cho 2-3 bạn thuyền khác ổn định cuộc sống.
Tạo đà phát triển bền vững
Không chỉ là tạo sinh kế bền vững cho người nghèo và đối tượng chính sách, nguồn vốn NHCSXH còn chắp cánh cho những ước mơ và ý chí góp sức xây dựng chính quê hương và Tổ quốc của những người dân vùng đất hiếu học Hà Tĩnh. Tại thôn Nam Thành, xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên, Tổ trưởng tổ TK&VV Đặng Thị Trinh cho biết, bên cạnh việc cho vay hỗ trợ người nghèo và đối tượng chính sách vay vốn, nguồn vốn từ NHCSXH đã và đang tiếp sức cho truyền thống hiếu học của vùng đất này. Hiện thôn có 2 tổ vay vốn với 103 hộ, trong đó có khoảng 40 hộ vay vốn HSSV. Từ 2010 đến nay có khoảng 60 cháu nhờ nguồn vốn này được đi học đại học và cao đẳng. Cựu chiến binh Nguyễn Đình Tâm, 60 tuổi cho biết, không có nguồn hỗ trợ của NHCSXH thì 4 đứa con ông không thể học đại học được. Vì gia đình thuần nông, thu nhập chủ yếu từ trồng lúa với hơn 1ha, cách đây 3 năm thu hẹp chỉ còn nửa ha. Dù vay vốn NHCSXH nuôi thêm trâu nái mỗi năm được 1 con, nhưng vào thời điểm 3 con học đại học cùng một lúc, sinh hoạt phí 1 tháng tối thiểu 7-8 triệu, gia đình sẽ chẳng thể gánh nổi nếu không có nguồn vốn HSSV hỗ trợ. Thế rồi con trước ra trường đi làm đỡ đần cha mẹ và em phía sau, đến nay 4 con của ông đều đã học xong đại học, trong đó con trai lớn trở về góp sức xây dựng quê hương Hà Tĩnh, 2 người con sau cũng đang góp công xây dựng đất nước tại Vũng Tàu và Bình Dương. “Tôi nghĩ mình nghèo vì không được đi học đến nơi, đến chốn nên gắng sức giúp con không đi vào vết xe đổ của cha mẹ”. Làm trưởng thôn cả 15 năm, ông càng cảm nhận rõ tính nhân văn của tín dụng chính sách. Nguồn vốn NHCSXH đã giúp những người dân quê ông bước qua con đường nghèo khó và xây đắp một tương lai sáng rạng cho những đứa con mình.
“Ở Hà Tĩnh có thể khác một số địa phương khác, vay HSSV rất nhiều. Hiện nay, có 37 nghìn HSSV đang vay vốn, giúp cho các em được học hành và trưởng thành giúp cho địa phương”, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết.
Những cuộc đổi đời như vậy ngày càng lan rộng cùng với nỗ lực của từng cán bộ NHCSXH chi nhánh Hà Tĩnh, cùng cấp ủy chính quyền địa phương và các tổ chức hội đoàn thể sau 5 năm triển khai Chỉ thị 40.
Bí thư Lê Đình Sơn cho biết, ngay khi có Chỉ thị, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã có những chỉ đạo chung và đưa vào trong những chương trình, kế hoạch 5 năm, hàng năm và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tổ chức thực hiện, gắn với chủ trương của Chính phủ là “không để ai bỏ lại phía sau”, tạo thành một động lực mới. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Các Tổ TK&VV bây giờ tại xã, tại thôn giúp đỡ hộ nghèo rất nhiều trong quá trình thực hiện. Các cơ quan chức năng đã hướng dẫn cho người nghèo biết cách làm ăn hiệu quả, với quan điểm cho người dân “cái cần câu” là nguồn vốn để tự lực vươn lên. Đồng thời, cũng góp phần giải quyết vấn nạn tín dụng đen tại địa phương. “Bài học quan trọng để sử dụng tín dụng hiệu quả là chính cán bộ phải biết tổ chức cho người dân. Coi đây là thước đo năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ. Đời sống người dân còn khổ thì chứng tỏ cán bộ chúng ta chưa hoàn thành”, ông Sơn cho biết. Từ việc gắn trách nhiệm vào cộng việc của từng cán bộ lãnh đạo, Hà Tĩnh đã giảm bình quân 1,6% hộ nghèo mỗi năm, nhanh hơn bình quân cả nước. Đặc biệt, Hà Tĩnh đã xác định việc chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH cho người dân vay là rất cần thiết, nên luôn chú trọng. Chỉ trong 5 năm, nguồn vốn ủy thác tăng lên gấp 3 lần, hiện đạt trên 105 tỷ; tỷ lệ nợ xấu rất thấp và có lẽ là thấp nhất cả nước, chỉ có 0,05%. An ninh trật tự trên địa bàn luôn được giữ vững. Đến nay, dư nợ tín dụng chính sách tại Hà Tĩnh còn trên 4.700 tỷ đồng, tổng số cho vay trên 6.795 tỷ đồng, với trên 216 nghìn lượt hộ vay góp phần giúp 37 nghìn hộ thoát nghèo.
“Kết quả của chính sách tín dụng cho người nghèo mà NHCSXH tổ chức trên địa bàn Hà Tĩnh là minh chứng cho “ý Đảng hợp lòng dân”. Cả hệ thống chính trị sẽ tiếp tục vào cuộc góp phần cho Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Tôi cũng mong muốn rằng, chúng ta có thể mở rộng đối tượng cho vay để đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới”, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nói.