Dư địa giảm lãi suất ngày càng hạn hẹp
Lãi suất giảm trên diện rộng Ngân hàng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất Chỉ giảm lãi suất chưa đủ giải tỏa ách tắc dòng vốn |
Lãi suất huy động vẫn tiếp tục giảm
Theo biểu lãi suất huy động mới nhất của Agribank, ngân hàng này điều chỉnh giảm 0,2%/năm tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. Cụ thể, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và các kỳ hạn dưới 1 tháng được giữ nguyên ở mức 0,1% và 0,2%/năm; các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng vẫn được hưởng lãi suất 3%/năm. Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn từ 3 tháng đến 5 tháng giảm từ 3,5% xuống 3,3%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng giảm từ 4,5% xuống 4,3%/năm. Các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đang được Agribank áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất là 5,3%/năm.
Hai “ông lớn” khác là VietinBank và BIDV cũng đồng loạt giảm 0,2%/năm lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, đưa lãi suất cao nhất xuống còn 5,3%/năm. Trước đó, Vietcombank giảm 0,2%/năm ở loạt kỳ hạn từ 3 tháng trở lên vào ngày 3/10. Mức lãi suất cao nhất tại Vietcombank hiện chỉ còn 5,3%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 12 tháng trở lên. Như vậy, toàn bộ nhóm 4 ngân hàng quốc doanh là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đều đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử, thấp hơn cả giai đoạn Covid-19.
Cầu tín dụng còn phụ thuộc vào hoạt động của doanh nghiệp |
Ở phía NHTMCP lãi suất cũng giảm liên tục. Lãi suất huy động ở mức 7% biến mất khỏi biểu lãi suất của các ngân hàng. Xu hướng giảm lãi suất liên tục diễn ra trong nhiều tháng qua. Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân đã hạ xuống mức khá thấp trên tất cả các kỳ hạn.
Theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của TCTD quý IV/2023 của Vụ dự báo Thống kê các TCTD cũng dự báo tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục dồi dào trong quý IV và cả năm 2023. Đồng thời kỳ vọng bình quân mặt bằng lãi suất huy động và cho vay toàn hệ thống giảm 0,26-0,35%/năm.
Có thể thấy xu hướng giảm lãi suất tiếp tục diễn ra trên diện rộng. Lãi suất huy động giảm tạo thành lực hỗ trợ rất bền vững cho việc giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ nền kinh tế. Trong báo cáo mới đây của NHNN cho biết, các TCTD đã đưa ra các cam kết giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng trong năm 2023 với mức giảm khoảng 0,5-3,0%/năm với dư nợ hiện hữu và cam kết sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng giải ngân mới trong các tháng cuối năm. Nhiều ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đã và đang được các TCTD điều chỉnh giảm lãi suất cho vay; doanh nghiệp và người dân đang dần tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý.
Với tác động của độ trễ chính sách sau 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, các biện pháp của NHNN và cam kết giảm lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng, thì dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. KBSV cho rằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục xu hướng giảm nhưng với tốc độ chậm hơn và có độ trễ so với lãi suất huy động do lãi suất cho vay thường tái định sau 3-6 tháng.
Dư địa chính sách tiền tệ đã tới hạn
Mặc dù Ngân hàng UOB vẫn thấy triển vọng cắt giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản (xuống 3,5%) nhưng thời gian thực hiện có thể được chuyển sang quý IV/2023 và quyết định này có thể vẫn cần cân nhắc khi NHTW sẽ xem xét cân đối cả rủi ro tăng trưởng và lạm phát. Tỷ lệ lạm phát đã tăng cao hơn trong những tháng gần đây và rủi ro là áp lực tăng giá tiêu dùng có thể gia tăng trong thời gian tới do giá thực phẩm và năng lượng đã tăng gần đây khi các nhà sản xuất dầu chủ chốt cắt giảm sản lượng, xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine cũng những thay đổi về khí hậu/thời tiết. "Chúng tôi giữ nguyên dự báo lạm phát CPI của Việt Nam ở mức 3,9% cho năm 2023, số liệu mới nhất là 3,7% cho tháng 9, cao hơn nhiều so với mức thấp nhất của năm nay là 2% (tháng 6 năm 2023) và đang tiến gần hơn đến mục tiêu chính thức là 4,5%", UOB cho hay và nhấn mạnh việc tiếp tục cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong quý IV/2023 vẫn bị chi phối bởi các yếu tố chưa chắc chắn.
Giới chuyên môn cũng cho rằng, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành. Dư địa chính sách tiền tệ đã “cạn” dư địa và khả năng NHNN giảm thêm lãi suất điều hành là không còn. Bởi khi NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành, sẽ không hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng mà lại gây căng thẳng về tỷ giá. CEO một ngân hàng nhìn nhận, có thể lãi suất sẽ giảm tiếp nhưng không sâu như thời gian vừa rồi. Trên thực tế, mặt bằng lãi suất còn đang thấp hơn cả giai đoạn trước dịch. Tuy nhiên, không phải cứ lãi suất thấp là người vay nhiều hơn. Cầu tín dụng còn phụ thuộc vào hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có nhu cầu sản xuất hàng hóa, đầu ra tốt thì họ mới vay. Nhu cầu sản xuất giảm, nhu cầu vay sẽ giảm.
Đến thời điểm này, theo ông Phan Thanh Sơn – Phó Tổng giám đốc Tecombank, vấn đề lãi suất cũng như tín dụng của ngân hàng không phải vấn đề cốt yếu đối với doanh nghiệp, mà đánh giá rủi ro về môi trường kinh doanh mới là điều quan trọng để doanh nghiệp đưa ra quyết sách đầu tư, mở rộng kinh doanh. Trước thực tế đó, cần hỗ trợ từ chính sách khác như tài khoá thuế, đầu tư công… sẽ là những động cơ song hành với chính sách tín dụng hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân – Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, để kích thích kinh tế thì phải tập trung về phía cầu, tức là từ chính sách tài khoá. Thời gian qua, nhiều giải pháp kích cầu đã được đưa ra như thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tuy nhiên điều này là khá khó vì mấu chốt nằm ở cơ chế giải ngân. Vì vậy, để có hiệu quả kích thích nhanh hơn, nên tập trung chính sách kích cầu ở khu vực tư nhân. Đơn cử việc giảm thuế VAT, hiện mới giảm 2%, điều này chỉ mang tính “hình thức” chứ chưa có nhiều tác động kích cầu, chưa tạo động lực cho người dân chi tiêu, mua sắm. Thực tế, một số nước đã áp dụng chính sách giảm 50-100% thuế VAT. Giải pháp giảm thuế thu nhập cá nhân trong năm nay cũng cần cân nhắc.