Chủ động khai phá các lợi thế địa phương để mở rộng tín dụng
Dồn lực cho tăng trưởng
Báo cáo đoàn công tácvề hoạt động hệ thống ngân hàng trên địa bàn, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Điện Biên Nguyễn Quốc Tùng cho biết, chi nhánh đã chủ động xây dựng Kế hoạch, Chương trình hành động, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tỉnh thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và dự toán ngân sách nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; Nghị quyết của Ban cán sự Đảng NHNN, Chỉ thị của Thống đốc NHNN Việt Nam về các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024.
Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chỉ đạo |
Bên cạnh đó, chi nhánh tiếp tục bám sát tình hình, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình tín dụng đặc thù của Chính phủ, NHNN nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Triển khai đến các NHTM nhà nước trên địa bàn tỉnh Danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có nhu cầu vay vốn trên địa bàn tỉnh Điện Biên; đồng thời, sao gửi các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh để các ngân hàng trên địa bàn nắm được, bám sát và tiếp cận đầu tư.
Tích cực phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan, tập trung triển khai và đôn đốc các ngân hàng trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tỉnh trong thực hiện Đề án 06, trọng tâm là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả an sinh xã hội và giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng.
Ban lãnh đạo NHNN chi nhánh tỉnh luôn bám sát cơ sở, chỉ đạo trực tiếp, đồng thời chủ động phối hợp với các Sở, Ban, Ngành để cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Hoạt động ngân hàng luôn nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và có sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và người dân.
Dưới sự chỉ đạo của NHNN tỉnh, các TCTD trên địa bàn cũng tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân doanh nghiệp như giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn… Cụ thể, tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN lũy kế là 101,91 tỷ đồng (trong đó nợ gốc là 101,16 tỷ đồng, nợ lãi là 0,75 tỷ đồng)/21 lượt khách hàng. Dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ tại cuối kỳ báo cáo là 13,69 tỷ đồng (trong đó nợ gốc 13,39 tỷ đồng; nợ lãi 0,30 tỷ đồng)/14 khách hàng.
Tuy nhiên, tính đến 31/3/2024 tổng dư nợ tín dụng chỉ đạt 20.195 tỷ đồng, giảm 2,40% so với cuối năm 2023. Trong đó, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 9.679 tỷ đồng, chiếm 47,93%/tổng dư nợ (NHTM là 5.150 tỷ đồng, NHCSXH là 4.529 tỷ đồng) giảm 4,64%; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 5.388 tỷ đồng/300 doanh nghiệp, chiếm 26,68% tổng dư nợ, giảm 0,88%.
Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Điện Biên Nguyễn Quốc Tùng phát biểu |
Lý giải tín dụng tăng trưởng tín dụng âm, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Điện Biên cho biết, không chỉ 3 tháng đầu năm 2024 mà 5 năm trở lại đây tín dụng Điện Biên chưa chưa bao giờ đạt trên 5%/năm do suy thoái chung của nền kinh tế cùng những khó khăn nội tại của tỉnh.
Quả vậy, hiện Điện Biên là tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn. Trong số 10 huyện, thị, thành phố của tỉnh thì có tới 7 huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (25,68%). Doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Trên địa bàn không có khu công nghiệp và những doanh nghiệp chủ đạo, chưa có những đột phá trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn dù có nhiều tiềm năng.
Bên cạnh đó, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn cần nguồn vốn lớn, rủi ro cao, lợi nhuận thấp, trong khi các cơ chế khuyến khích đầu tư lĩnh vực này chưa đủ hấp dẫn nên chưa thu hút được doanh nghiệp quan tâm đầu tư quy mô lớn, chưa hình thành nhiều khu vực sản xuất và chế biến tập trung. Hoạt động tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết bộc lộ nhiều hạn chế.
Bởi vậy việc mở rộng quy mô hoạt động của các ngân hàng bị hạn chế. Chia sẻ của lãnh đạo các TCTD trên địa bàn tại buổi làm việc cũng cho thấy rõ điều đó. Là một chi nhánh ngân hàng chiếm thị phần khá lớn cả về huy động vốn lânc hoạt động cho vay tại Điện Biên, song ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Agribank Điện Biên cho biết, đến 31/3/2024, dư nợ của chi nhánh giảm 4,3% mà nguyên nhân chủ yếu do khả năng hấp thụ vốn giảm.
Giám đốc Agribank Điện Biên, Nguyễn Trung Kiên phát biểu |
“Chi nhánh đã tổ chức nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng như giảm lãi suất, triển khai các gói tín dụng ưu đãi, tổ chức các Hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng cho khách hàng… nhưng tín dụng vẫn giảm. Từ đầu năm đến nay, không ít người dân, doanh nghiệp trả nợ nhưng không có nhu cầu vay mới”, ông Kiên cho biết.
Bên cạnh đó những vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định tài sản trên đất, cũng gây nhiều khó khăn cho Agribank cũng như các TCTD trên địa bàn trong việc xác định tài sản thế chấp để cho vay. Trong khi đó, rủi ro nợ xấu có xu hướng gia tăng do kinh tế khó khăn khiến khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm; việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hối nợ cũng gặp nhiều khó khăn do thị trường BĐS trầm lắng…
Đồng quan điểm, ông Tạ Việt Bắc - Giám đốc VietinBank Điện Biên cho biết, Điện Biên là một tỉnh miền núi, dựa nhiều vào sản xuất nông nghiệp, trong khi sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh còn rất yếu. Mặc dù, cửa khẩu Tây Trang là một lợi thế của tỉnh trong việc giao thương với cả nước bạn Lào, song 3 năm dịch covid 19 cửa khẩu đóng cửa hoàn toàn. Tiếp đó là kinh tế Lào gặp nhiều khó khăn khiến cho thương mại biên giới bị gãy vụn hầu như không còn gì. Đến đầu năm 2024 mới nhúc nhắc phát triển trở lại, song xuất khẩu nông sản qua Lào hầu như chưa khôi phục như trước covid.
Giám đốc VietinBank Điện Biên Tạ Việt Bắc phát biểu |
Bên cạnh đó mặc dù tỉnh cũng có một số dự án lớn do các doanh nghiệp dưới xuôi lên đầu tư, nhưng lại không vay vốn và sử dụng dịch vụ của các TCTD trên địa bàn. Hay như hiện các công trình thủy điện nhỏ của Sơn La có công suất 116M, trong quy hoạch điện 8 dự kiến phát triển 600M. Tuy nhiên điểm yếu chí tử của Điện Biên là không có đường dây truyền tải 110KV, nhiều dự án xong rồi nhưng chỉ cung ứng được 35KV. “Nếu không có đường dây truyền tải thì tiềm năng mãi mãi là tiềm năng”, ông Bắc nói.
Càng khó khăn, càng phải năng động
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, đánh giá NHNN chi nhánh Điện Biên đã nỗ lực khắc phục khó khăn sau sự cố giai đoạn trước để nhanh chóng ổn định hoạt động; đồng thời đã triển khai quyết liệt các chỉ đạo của NHNN Việt Nam về điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng; chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt NHNN từng bước cải thiện quan hệ với tỉnh tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng không chỉ cung ứng nguồn vốn cho phát triển kinh tế mà còn là ngành đi đầu trọng thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Ông cũng đánh giá cao hệ thống các TCTD trên địa bàn đã có sự đoàn kết, cạnh tranh lành mạnh, nỗ lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn hiệu quả.
Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Điện Biên nói chung, của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh nói riêng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, câu chuyện tín dụng không phải là câu chuyện riêng có của Điện Biên mà là thực trạng chung trên cả nước khi mà tín dụng toàn hệ thống cũng tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm.
Tuy nhiên NHNN đã triển khai quyết liệt và đồng bộ 10 giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Nhờ đó tín dụng đã có dấu hiệu tăng trở lại từ tháng 3/2024. Từ thực tế đó, Phó thống đốc chỉ đạo hệ thống ngân hàng trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt 10 giải pháp mà NHNN đã triển khai quyết liệt đồng bộ trong toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, các TCTD phải bám sát chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Điện Biên. Trong bối cảnh trên địa bàn kinh tế không có doanh nghiệp lớn và hoạt động của doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn, các TCTD trên địa bàn cần đẩy mạnh cho vay đối với khách hàng cá nhân, các hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ. Với các dự án, doanh nghiệp còn nợ vay và có khả năng phát triển, ngân hàng cần phải chủ động tiếp cận để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông cũng yêu cầu các TCTD trên địa bàn cần tổng hợp và báo cáo thực trạng khó khăn trong mở rộng tín dụng với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội, trong đó phân tích rõ vốn tín dụng sẵn sàng nhưng không đưa ra được nền kinh tế là do khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp đang rất yếu. Từ đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, khơi thông tín dụng.
Về vướng mắc trong nội bộ hệ thống ngân hàng, ông cho biết sau các đợt công tác này, NHNN sẽ có ý kiến với các NHTM để có những hỗ trợ cho các chi nhánh ở vùng khó khăn về cơ chế mua bán vốn, về chỉ tiêu tài chính và lợi nhuận… NHNN cũng đang trình Chính phủ kéo dài thời hạn thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, việc kéo dài Thông tư 02 chỉ là giải pháp tình thế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song các TCTD cần chủ động đánh giá đúng thực chất triển vọng nợ xấu để có giải pháp ứng phó. Bên cạnh đó các TCTD cần đảm bảo an toàn an ninh cho tài khoản của người dân, doanh nghiệp...