Du lịch làng nghề hướng tới tính chuyên nghiệp
Du lịch làng nghề: Biến tiềm năng thành hiện thực Giải pháp phát triển du lịch làng nghề |
Điểm hút khách du lịch
Du lịch làng nghề đang trở nên phổ biến, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, theo sở Du lịch Hà Nội. Đơn cử, chỉ trong 5 ngày dịp Lễ 30/4 và 1/5, điểm du lịch Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân đón khoảng 6.046 lượt khách. Trong khi đó, 3 điểm du lịch là Bát Tràng, Dương Xá, Phù Đổng thuộc huyện Gia Lâm đón 40.000 lượt khách…
Hà Nội quy tụ nhiều làng nghề - khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 318 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống. Các làng nghề nổi tiếng đã và đang thu hút lượng lớn khách tham quan, mua sắm như Lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín)…
Ngày 28/4/2023, huyện Thường Tín trọng thể tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận điểm du lịch Làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm. |
Mới đây, huyện Thường Tín được UBND thành phố công nhận 4 điểm du lịch làng nghề, gồm: Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái, điểm du lịch làng nghề sừng Thụy Ứng và điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, với định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, Thường Tín nỗ lực xây dựng điểm đến có tính chất là điểm nhấn cho du lịch với việc quy hoạch làng nghề. Thường Tín hiện có 126 làng nghề, trong đó có 48 làng nghề được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống với nhiều làng nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, nghề hoa cây cảnh Hồng Vân, lược sừng Thụy Ứng...
Để phát triển du lịch, huyện cũng chỉ đạo chính quyền và nhân dân các xã tập trung hoàn thiện nâng cao các tiêu chí đáp ứng các yêu cầu của điểm du lịch phấn đấu trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách. Đẩy mạnh liên kết các địa phương có lợi thế về du lịch, đồng thời liên kết trao đổi học hỏi kinh nghiệm với các điểm du lịch trên địa bàn thành phố.
Định hướng cho các làng nghề
Trên thực tế, việc phát triển làng nghề gắn với du lịch được thành phố triển khai từ lâu nhưng chưa khai thác hết tiềm năng. Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái chia sẻ, nhiều làng nghề truyền thống ở Hà Nội được khách nước ngoài rất thích thú tham quan và tìm hiểu. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn nhiều hạn chế, như việc sắp xếp khu trưng bày, các hoạt động trải nghiệm, đa dạng các sản phẩm từ bình dân đến cao cấp... Đặc biệt, nguồn nhân lực phục vụ cũng như người dân các làng nghề còn thiếu nghiệp vụ du lịch và khả năng giao tiếp với du khách.
Là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống phát triển, huyện Phú Xuyên đang xây dựng chiến lược phát triển một số làng nghề trọng điểm trở thành điểm du lịch. Phó chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy cho biết, Phú Xuyên nổi tiếng với nhiều làng nghề thủ công truyền thống, trong đó những làng nghề có lịch sử lâu đời như khảm trai Chuyên Mỹ; đồ mộc mỹ nghệ Đại Nghiệp; đan cỏ tế Phú Túc, tò he Xuân La, may Vân Từ... Toàn huyện hiện có 154/154 làng, cụm dân cư có nghề, trong đó 43 làng nghề được thành phố công nhận.
Các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề Phú Xuyên không chỉ tiêu thụ khắp trong Nam, ngoài Bắc mà còn xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. Đặc biệt, Phú Xuyên có 2 điểm du lịch đã được UBND Hà Nội công nhận, đó là điểm du lịch làng nghề khảm trai - sơn mài Chuyên Mỹ và điểm du lịch làng nghề may Vân Từ. Đây là cơ sở để đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Huy, Phú Xuyên định hướng phát triển du lịch làng nghề trong những năm tới để nâng cao chất lượng làng nghề cũng như quảng bá giới thiệu sản phẩm ra thị trường trong nước và nước ngoài. Theo đó, huyện phấn đấu trong giai đoạn 2025-2030 trở thành một trong những huyện trọng điểm du lịch làng nghề của Hà Nội; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế cùng phát triển.
Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng tiềm năng du lịch làng nghề Hà Nội thực sự rất lớn, nếu được tổ chức chuyên nghiệp không những mang lại những giá trị thiết thực về kinh tế mà còn góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa.