Đường lên Everest
Tôi đã bỏ lại sau lưng những con đường dát hoa vàng đẹp như ngoại ô châu Âu và cả các khu dân cư thưa thớt để đi vào hành trình khó nhọc khi tiến gần hơn đến Everest. Trưa nay, lúc đứng trên đỉnh đèo Kyawula ở độ cao 5180 mét khi trời đã đổ nắng trong vắt, Tenzin - người dẫn đường Tây Tạng có đôi mắt luôn phẳng lặng như đá núi đã chỉ cho tôi thấy:
Everest kìa!
Everest đấy ư? Từ đây tới ngọn núi huyền thoại còn gần 400 cây số nữa, vậy mà tôi đã nhìn thấy nó óng ánh phủ tuyết. Màu trắng kỳ ảo trên chỏm núi lấp lánh giữa nền xanh vô tận. Quãng đường từ Gyantse, tới Shigatse, rồi Tingri, bác tài xế Tsering bắt đầu bật loại nhạc ưa thích của bác, có nhẽ vì quá mệt mỏi khi bị tôi tra tấn bởi Adele và Lenka suốt 250 cây số từ Lhasa. Có nhẽ là một lối hát truyền thống của dân Tạng. Giọng ca lanh lảnh và chói chang, mộc mạc và khỏe khoắn, gấp gáp và vui vẻ, rất phù hợp với quang cảnh đang trôi qua cửa sổ: Những thị trấn vắng lặng dưới nắng trưa, những ngôi nhà gạch hai tầng đơn sơ vuông vắn, những dãy nhà văn hóa cộng đồng xây kiểu nông thôn đổi mới, cả những chiếc xe kiểu tuk tuk lộ thiên đang tà tà trên đường nhựa. Người Tây Tạng vùng này chuộng kiểu xe ba bánh tí hon ấy, để ông bố ngồi ghế lái rồi cả gia đình được kéo trên thùng xe sau. Đi làm hay đi chơi đều tiện, vừa thay ô tô vừa thay xe máy.
Đêm qua tôi ngủ lại Shigatse (3836 mét), khu dân cư lớn thứ hai Tây Tạng nhưng vẫn chỉ là một thị trấn cổ với những phố nghèo buồn tẻ và các cửa hiệu bán đồ tầm tầm. Qua cửa sổ phòng ngủ, tôi đã nhìn thấy hàng dãy xe phân khối lớn cùng những túi đồ đạc khổng lồ chất đầy như một con lạc đà. Có thể là đội phượt người Anh chúng tôi đã phát hiện từ cửa sổ tàu Thanh Tạng chăng? Có lẽ họ cũng không phải chủ nhân của lũ xe máy dựng ngoài sân khách sạn. Không chỉ có một đội phượt mạo hiểm, mà hàng chục nhóm như thế đang đổ về Shigatse để lên tiếp Everest.
Ngủ lều trên trại nền Everest (tác giả ngồi ngoài cùng bên trái) |
Tingri hầu như là khu dân cư lớn cuối cùng tôi nhìn thấy khi ở trên đất Tạng. Từ nay trở đi, nhà cửa sẽ thưa thớt dần và ngay cả những ngôi làng hẻo lánh cũng chuẩn bị lùi lại để nhường chỗ cho núi non trùng điệp. Chúng tôi cũng không còn phải xếp hàng để trình giấy thông hành nữa.
Chúng tôi dừng lại một lúc ở huyện Tingri để mua sắm vài thứ lặt vặt trước khi lên núi. Mì tôm vẫn còn nhiều. Tôi mua thêm ít nước uống đóng chai, sữa hộp và trái cây trong một siêu thị nhỏ. Vài người tranh thủ ăn kem và sữa chua. Huyện Tingri liên tục phải hứng lốc cát. Tôi lùi sâu vào trong nhà để tránh cát bám đầy mặt và phủ kín que kem, nhưng những người Tạng vẫn thản nhiên đứng ngoài cửa đón gió cát. Một bé gái chừng 10 tuổi đang chờ mẹ mua cho mấy gói snack. Em cũng thắt hai bím tóc với nhiều sợi chỉ xanh đỏ bện kèm. Đôi mắt em mở to trên khuôn mặt rám nắng nhìn tôi tò mò. Tôi nhớ tới tuổi thơ của mình trên con phố Đại Cồ Việt buồn tẻ, khi cũng mở to mắt nhìn những anh chị sinh viên người Yemen, Hà Lan, Liên Xô… từ trường Bách Khoa thường qua lại tiệm ảnh của cha tôi để chụp ảnh thẻ. Họ từ đâu đến? Đất nước của họ thế nào? Nhãn quan tôi lúc ấy chẳng thể vượt quá công viên Thống Nhất và đường Bà Triệu.
***
Từ Tingri, chúng tôi tiến dần vào dãy Himalaya, bắt đầu hành trình chỉ toàn màu be của núi đá. Ở đây, ngay cả những mô đá vụn và các dây cờ ngũ sắc căng sáu góc cũng không còn thấy nữa. Đó là cách cầu nguyện của người Tạng. Họ nhặt đá và chất cao lên thành những mô tí hon để hành lễ, còn các lá cờ bé xíu tượng trưng cho ngũ hành cũng được treo lên dây rồi căng theo hình tròn. Trên các thảo nguyên bao la cằn cỗi, dù không thấy bóng dáng con người và gia súc, nhưng hễ cứ xuất hiện hai dấu hiệu ấy là biết xung quanh đây có người ở. Nhưng bây giờ, hai bên cửa sổ chỉ còn mênh mông rợn ngợp. Núi điệp trùng kéo dài vô tận. Chúng không đỏ quạch và răng cưa hiểm ác như khung cảnh sao Hỏa của dãy Atlas, không cây cối thâm u như thâm sơn cùng cốc vùng Đông Nam Á, mà đổi sắc mơ hồ tựa một bảng màu Pastel lơ đãng. Từ be sậm tới be nhạt, rồi tím, hồng, ghi và trắng. Đó là cách phối màu thẩm mỹ đến hoàn hảo của thiên nhiên, cũng giống như cách Người đã tạo ra những quầng xanh tuyệt mỹ của các nếp sóng Địa Trung Hải.
Cỗ “chiến mã” 16 chỗ của bác tài Tsering đang chật vật leo lên đỉnh đèo ở độ cao hơn 5300 mét. Tuyết đã phủ trắng xóa các vách núi, và lối xe chạy biến thành một đường chỉ mảnh khảm vào băng tuyết. Tôi nhìn “sợi chỉ” đang vắt ngang thành vực mà kinh hãi. Tôi vốn sợ độ cao. Nhưng đây là cung đường đẹp đẽ và vĩ đại nhất thế giới. Rất có thể nó chỉ vắt qua hồi ức ta một lần duy nhất trong đời rồi không bao giờ trở lại nữa. Tôi cố gắng biến vẻ đẹp siêu thực của những “sợi chỉ” ấy thành tài sản bằng cách mở to mắt để ghi nhớ từng đường lượn của nó trên tuyết trắng.
Từ trên cao, đường dích dắc giống như một trò chơi tô màu của trẻ con. Nó ngoằn ngoèo tựa cái lò xo đang tãi ra trên đá núi. Ở những điểm cua gấp khúc của đường dích dắc, Tsering thường hay lao thẳng mũi xe ra đầu nhọn sát miệng vực rồi mới “bó vỉa”. Đó là khoảnh khắc kinh hoàng của trò chơi mạo hiểm không đồ bảo hộ và đai an toàn. Mà tới vài chục khúc cua như thế. Tôi chợt nhận ra mình thiếu ô xy trầm trọng vì nãy giờ toàn nín thở. Mỗi lần cua gấp cả xe lại rú lên sợ hãi và thích thú như đang chơi trò tàu lượn. Chỉ một cú giật mình khiến bác đưa bánh xe lên thêm một ô gạch nữa thôi là chúng tôi sẽ tự hiến tế cho lũ kền kền làm “điểu táng”. Ngay cả nhạc cũng đã phải tắt đi để bác tài tập trung. Bác tài được ưu tiên hàng đầu, bác thích nghe loại nhạc gì cũng được miễn là tâm lý thoải mái.
…Rồi cuối cùng tôi cũng đến Trại Nền, là nơi dành cho dân leo núi nghỉ ngơi vài tuần để làm quen với độ cao trước khi chinh phục Everest. Chúng tôi vào nhà nghỉ Rongpu, nom giống cái quán trọ đầu làng nhà cô cháu gái tôi ở Hậu Lộc, hồi tôi về Thanh Hóa dự đám cưới phải ở tạm.
Lều tối om, không đồ đạc ngoài mấy chiếc giường đơn bằng sắt. So ra trong hai cái tệ, có nhẽ nên chọn thứ đỡ tệ hơn. Trời đã sẩm tối, còn nhà nghỉ thì mất điện. Ngoài sáu chiếc giường một kê sát nhau trên sàn xi măng diện tích chục mét vuông thì đồ đạc duy nhất là một bóng đèn treo trần nhà và cái ấm điện để trên bàn mộc tí hon. Nhưng ngay cả hai trang thiết bị quý giá này cũng trở nên vô dụng vì đang mất điện. Dãy hành lang hẹp tối om. Tôi bèn sang thị sát khu lều trại bên cạnh.
Sân trại lúc bình minh |
Đây mới thực sự là Trại Nền vì có hơn chục chiếc lều lớn quây thành sân. Ở giữa người ta đi lại nhộn nhịp và bày bán các bàn trang sức loại tầm tầm chẳng bõ mua nhưng vui mắt. Tôi vén rèm cửa một chiếc lều. Nó chưa có người ở. Lều rộng rãi chừng ba chục mét vuông. Sàn lều trải thảm dạ hoa văn, vách lều in hình cá lượn rực rỡ. Một dãy giường bao quanh vách lều có ga rủ và gối tựa bằng vải dạ cũng thêu hoa văn, trên để những chiếc chăn bông gấp gọn gàng. Bốn chiếc bàn sơn vẽ theo lối Tây Tạng, lại thêm mấy phích nước kiểu Rạng Đông in hình hoa hồng và dăm ống đũa. Chính giữa lều là một bếp lò đang đỏ lửa với chậu than dự trữ bên cạnh, trên có hai ấm nước đang sôi ùng ục. Vì thế mà vừa bước chân vào lều tôi đã thấy nóng sực, chưa kể những bóng đèn vàng ấm áp viền rua lụa màu nõn chuối với các dây hoa giấy cắt tỉa kiểu thời bao cấp rủ xuống làm ta ấm cả mắt.
Đã 11 giờ đêm. Nhiệt độ bên ngoài xuống âm, lạnh tới độ thò tay ra cửa lều thậm chí còn buốt hơn nhét vô tủ đá. Đêm ấy không trăng. Everest chỉ còn là khối đen mờ in lên vũ trụ sâu thẳm, và sân trại lặng thinh trong sương giá. Không có cảnh tụ tập náo nhiệt ngoài sân đến 1 giờ sáng như ở sa mạc Sahara. Giờ này ai nấy đều rút vào trong lều để ngồi thu lu bên bếp lửa.
Căn lều đã chìm hẳn vào bóng tối. Đêm trên Everest yên tĩnh kỳ lạ, thậm chí không cả tiếng gió. Ngoài kia không chim chóc, không côn trùng, không mèo hoang, gà lạc hay cú rúc. Không gì cả, chỉ còn tiếng trở mình loạt xoạt cả từ bên kia vách lều.
Thực ra không đêm nào trên Tây Tạng tôi ngủ sâu. Không khí loãng khiến cho não luôn trong tình trạng thiếu ô xy và giấc ngủ trở nên chập chờn. Chưa bao giờ trải qua cảm giác kỳ lạ này, tôi không chắc mình có đang thở hay không, thậm chí là đang ngủ hay đang thức. Khứu giác trở nên tồi tệ. Tôi không còn cảm thấy mùi gì nữa. Sau tôi nghĩ ra cách trùm kín chăn lên mặt. Gặp hơi ấm, ô xy dường như giãn nở được đôi chút giúp tôi dễ thở hơn và chìm dần vào giấc ngủ chòng chành.
…Thế rồi hầu hết du khách đều đã thức giấc và đi ra bãi đất đằng sau để đón bình minh. Hàng dãy ống kính chuyên nghiệp kê sẵn trên chân máy hướng về Everest, sẵn sàng chớp những khoảnh khắc để đời khi ánh tươi non đầu ngày tráng hồng lên Chomolangma (tên gọi khác của Everest), đỉnh núi vĩnh cửu…