Duy trì nhân lực cho ngành du lịch
Dự báo sẽ thiếu nguồn nhân lực
Gần 2 năm qua, dịch bệnh khiến nhiều lao động trong ngành du lịch gặp khó vì không có việc làm. Nhiều người phải chuyển sang các nghề khác. Theo kết quả khảo sát mới đây của Viện Đào tạo và Nghiên cứu du lịch, trường Đại học Duy Tân về mức độ gắn bó với nghề của hướng dẫn viên du lịch tại TP.Đà Nẵng giai đoạn Covid-19 bùng phát, trong tổng số 331 hướng dẫn viên tham gia khảo sát có 286 hướng dẫn viên (chiếm 92%) cho rằng, ngoài nghề chính là hướng dẫn viên du lịch, các hướng dẫn viên cần duy trì thêm một nghề phụ để dự phòng. Kết quả cũng chỉ ra 3 ngành, nghề được hướng dẫn viên lựa chọn làm nghề phụ để duy trì là môi giới bất động sản (23,4%), kinh doanh online (15,4%) và kinh doanh khác (16,4%). Nghề bán bảo hiểm cũng được lựa chọn nhiều với tỷ lệ khoảng 14%. Kết quả điều tra cũng cho thấy, có khoảng 30,9% hướng dẫn viên cho rằng đây là lúc cần tìm kiếm công việc mới; 58,8% hướng dẫn viên vẫn có ý định gắn bó với nghề khi dịch bệnh xảy ra. Được biết, theo thống kê sơ bộ, Đà Nẵng có khoảng 4.646 hướng dẫn viên, chiếm 9,1% trong tổng số nguồn nhân lực du lịch của toàn thành phố.
70% hướng dẫn viên du lịch sẽ quay lại nghề hướng dẫn viên sau khi du lịch hồi phục |
Trong khi đó, theo kết quả khảo sát từ Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch TP. Đà Nẵng, năm 2020, Covid-19 đã làm sụt giảm lượng khách từ nhiều thị trường trọng điểm, kéo theo việc giảm mạnh số lượng nhân lực hoạt động trong ngành du lịch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ cắt giảm từ 50-70% số lượng nhân viên (cắt giảm ca làm, luân phiên, trao đổi, thời vụ...). Phần lớn các doanh nghiệp chủ yếu giữ lại các nhân sự cốt cán, có chuyên môn, nghiệp vụ để tiếp tục vận hành. Một số vị trí việc làm như nhân viên khách sạn, hướng dẫn viên quốc tế, lái xe, phụ xe... suốt một thời gian dài không có việc làm do dịch bệnh kéo dài. Thống kê từ Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho thấy, ngay sau cao điểm du lịch 30/4 và 1/5/2021 đến nay, khi dịch bùng phát trở lại trên địa bàn, đã có hơn 11.000 người lao động nghỉ việc, chiếm trên 45% tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch.
Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh nhận định, Covid-19 đã tác động rất lớn đến nhân lực ngành du lịch. Ngoài việc bảo đảm nguồn lực tài chính dự trữ để duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp du lịch phải thực hiện giảm nhân lực. Chưa kể, nhiều lao động du lịch chuyển đổi nghề để duy trì cuộc sống. Dự báo, sau khi dịch được kiểm soát, du lịch khôi phục sẽ có tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. Hai năm qua, để nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực, Sở Du lịch thành phố đã thường xuyên triển khai các chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho người lao động, doanh nghiệp về giải pháp thích ứng trong giai đoạn dịch bệnh; chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh, chuyển đổi số; tập huấn nghiệp vụ phục vụ khách du lịch. Trong giai đoạn này, sở cũng đề nghị các doanh nghiệp chủ động bố trí các lớp tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng lại quy trình quản lý, đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của doanh nghiệp.
Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ rà soát thực trạng nguồn nhân lực du lịch, tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút người lao động du lịch làm việc trở lại. Đồng thời đề xuất giải pháp tăng cường năng lực của hệ thống các cơ sở đào tạo du lịch, điều chỉnh và mở rộng quy mô đào tạo, linh hoạt trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tăng cường triển khai cơ chế đặc thù trong đào tạo du lịch...
Tiếp sức cho lao động ngành du lịch
Dịch bệnh khiến nhiều lao động ngành du lịch mất việc, nghỉ việc dài hạn. Do vậy, các chính sách, gói hỗ trợ người lao động bị mất việc do ảnh hưởng Covid-19 của Chính phủ và các địa phương đang trở thành “cứu cánh”, hỗ trợ kịp thời cho người lao động vượt qua khó khăn.
Mới đây, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022. Trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị hỗ trợ, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, lập danh sách đề nghị hỗ trợ trình UBND tỉnh quyết định. Tại Đà Nẵng, Sở Du lịch đã tổ chức xét duyệt và chi trả mức hỗ trợ kinh phí cho các hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh và trình Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt với gần 2.000 hướng dẫn viên. Hiện sở đang tiếp tục triển khai hướng dẫn cho số hướng dẫn viên còn lại nộp hồ sơ trực tuyến đến sở để sớm nhận được hỗ trợ.
Ngoài gói hỗ trợ của Chính phủ, TP. Đà Nẵng cũng đang có gói vay vốn hỗ trợ cho lao động ngành du lịch để tái sản xuất, vượt qua khó khăn do Covid-19 thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, mức vay vốn tối đa là 100 triệu đồng/người; lãi suất vay 7,93%; thời hạn vay tối đa 120 tháng. Ngân hàng sẽ xem xét nhu cầu, nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận mức vay cụ thể. Dự kiến, ngân hàng sẽ bố trí gần 65 tỷ đồng cho kế hoạch vay vốn này. Theo ông Võ Văn Anh, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, qua khảo sát của hội, khoảng 70% hướng dẫn viên sẽ quay trở lại công việc sau khi du lịch được phục hồi. Tuy nhiên, để duy trì cuộc sống trước mắt, nhiều hướng dẫn viên, lao động ngành du lịch mong muốn được hỗ trợ, vay vốn để chuyển đổi ngành nghề trong tạm thời để có thu nhập. Nếu được hỗ trợ bằng các khoản vay vốn, đây sẽ là những chiếc “phao” để giúp người lao động ngành dịch vụ du lịch vượt qua khó khăn.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho biết, khi người lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm, không còn gắng gượng được nữa thì chương trình vay vốn mà các cơ quan, đơn vị đề xuất là rất cần thiết. Mong chương trình này sẽ phần nào giúp họ vượt qua những khó khăn trước mắt. Đồng thời, Hiệp hội cũng có các đề xuất, giải pháp khác như: tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ, giảm lãi suất ngân hàng, giảm thuế, giảm các loại chi phí phát sinh đối với doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng... Mới đây, từ ý kiến của các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, Hiệp hội cũng có văn bản gửi Sở Công thương thành phố, Bộ Công thương xin giảm giá điện cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)