Nỗi lo suy thoái lại trỗi dậy
Đường cong lợi suất đảo ngược
Trong phiên giao dịch thứ Năm tuần trước, có thời điểm lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn 1,53%, mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái; qua đó đưa chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu 3 tháng và 10 năm đã giảm xuống mức thấp nhất là âm 2 điểm cơ bản.
Theo các nhà phân tích, nỗi lo dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona bùng phát tại Trung Quốc có thể làm gián đoạn nền kinh tế nước này đã thúc đẩy các nhà đầu tư mua vào trái phiếu Kho bạc Mỹ như một tài sản an toàn. Sự đảo ngược của đường cong lợi suất càng mạnh thêm sau khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất trong tuần trước và báo hiệu họ có thể kết thúc việc cắt giảm lãi suất để chống lại việc giảm tốc của kinh tế toàn cầu.
Lợi suất giảm cũng kích hoạt các động lực thị trường khác, qua đó càng làm trầm trọng thêm động thái này. Cụ thể khi lợi suất giảm, các nhà quản lý danh mục đầu tư thường mua vào trái phiếu để bảo hiểm rủi ro, qua đó càng khiến lợi suất giảm. Ngoài ra còn nhu cầu cơ cấu trái phiếu Kho bạc dài hạn - liên quan đến đầu tư theo trách nhiệm pháp lý và phòng ngừa rủi ro từ các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm các công ty bảo hiểm Đài Loan - cũng khiến đường cong lợi suất bị nắn thẳng, theo Citigroup Inc.
Sự đảo ngược này được không ít chuyên gia xem là một tín hiệu cảnh báo bởi vì nó đã xuất hiện trước 7 cuộc suy thoái gần đây của Mỹ. Lần gần đây nhất là vào tháng 10 năm ngoái, đường cong lợi suất cũng bị đảo ngược khi mà các điều kiện kinh tế xấu đi trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xấu đi.
Đường cong lợi suất thường phản ánh ý nghĩa thị trường của nền kinh tế, đặc biệt là về lạm phát. Khi các nhà đầu tư nghĩ rằng lạm phát sẽ tăng, họ thường đòi hỏi lợi suất cao hơn để bù đắp. Bởi tăng trưởng giá cả thường đến từ một nền kinh tế mạnh, vì thế đường cong lợi suất dốc lên thường có nghĩa là các nhà đầu tư có kỳ vọng lạc quan.
Tuy nhiên sự lây lan nhanh chóng của virus corona từ Trung Quốc đã làm mất đi sự lạc quan của các nhà đầu tư ngay trong tháng đầu năm mới và càng chất thêm khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách trong việc xử lý suy thoái.
Liệu Fed có tiếp tục cắt giảm lãi suất?
“Mọi người đang tìm kiếm các tài sản an toàn và mua trái phiếu Kho bạc Mỹ là cách duy nhất để làm điều đó”, Nick Maroutsos - Giám đốc trái phiếu toàn cầu của Janus Henderson Group Plc cho biết. “Fed đã kiên quyết về việc bơm càng nhiều thanh khoản vào thị trường càng tốt; và bạn có thể thấy Fed cố gắng bơm nhiều hơn trong thời gian tới nếu kịch bản rủi ro này tiếp diễn - để cố gắng bình thường hóa đường cong một chút trước khi giảm lãi suất”.
Còn theo ING Bank NV, số người chết vì virus corona đang tăng lên và điều đó cũng có nghĩa là các nhà đầu tư có thể thận trọng. Nguy cơ giảm hoạt động kinh tế đang làm tăng cơ hội cắt giảm lãi suất. “Sự đảo ngược làm nổi bật nỗi lo của thị trường rằng virus corona và mối đe dọa lây lan đến nền kinh tế”, James Knightley - nhà kinh tế quốc tế trưởng tại ING Bank NV nói. Theo ông, dịch bệnh bùng phát mạnh sẽ bắt đầu thay đổi hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy hành động chính sách để giảm thiểu những nguy hiểm.
Merian Global Investors cũng cho rằng thị trường đang kêu gọi tiếp tục nới lỏng. Trong khi Societe Generale SA dự kiến Fed sẽ cắt giảm lãi suất 100 điểm cơ bản trong năm nay.
Tuy nhiên Pascal Blanque - Giám đốc đầu tư của Amundi SA cho rằng, thị trường không nên lo ngại thái quá trước sự đảo ngược của đường cong lợi suất mới đây. “Chúng tôi không xem diễn biến mới đây là những chỉ báo về suy thoái kinh tế toàn cầu hoặc Mỹ, nhưng sự phản ứng thái quá của thị trường tài chính thường xảy ra trong những trường hợp này”, ông nói. “Quyết định của Fed, hôm thứ Tư cho thấy rằng, bất chấp dấu hiệu cảnh báo, không có nhu cầu kích thích thêm nữa”, ông nói thêm.
Mặc dù vậy hiện các hợp đồng quỹ Fed tương lai vẫn cho thấy các nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm nay, song chỉ có 1 lần cắt giảm 25 điểm cơ bản. Trong khi đó, thị trường nợ (vốn liên quan khá mật thiết đến lạm phát) lại đang cho thấy sự nghi ngờ rằng áp lực lạm phát sẽ tăng lên. Bằng chứng là tỷ lệ lạm phát trung hòa giảm mạnh sau những bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Số liệu được công bố hôm thứ Năm cho thấy lạm phát lõi hàng năm tại Mỹ đã giảm xuống mức 1,3% trong quý 4/2019 từ mức 2,1%, yếu hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích.