Gấp rút chuyển “từ” sang “chip”
Triển khai áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa | |
Sớm chuyển đổi sang thẻ chip để giảm thiểu rủi ro mất tiền |
Cuối năm 2021, toàn bộ thẻ ATM trên thị trường phải chuyển sang công nghệ chip |
Cách đây chưa lâu, một NHTM trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã phải báo với cơ quan công an về hành vi có kẻ lạ mặt lắp skimming sao chụp thông tin khách hàng qua trụ ATM trong vòng chưa đầy một phút. Công an tỉnh Nghệ An vừa qua cũng đã bắt giữ một nhóm đối tượng người Trung Quốc có hành vi cài skimming để lấy cắp thông tin làm các thẻ giả, chiếm đoạt tài sản...
Đây chỉ là hai trong không ít trường hợp khách hàng bị đánh cắp thông tin thẻ qua cài skimming. Thực tế, việc sử dụng thẻ từ trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ một số nhược điểm, như: dễ bị lộ dữ liệu cá nhân, dễ bị làm giả và tiện ích đi kèm chưa phong phú.
Bên cạnh đó, tình hình rủi ro gian lận trong hoạt động thanh toán thẻ tại thị trường Việt Nam ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Các hành vi gian lận như trộm cắp thông tin thẻ để làm thẻ giả, lấy cắp thông tin khách hàng qua các trang website rác, các website giả mạo, gian lận trong các giao dịch thanh toán trực tuyến, ATM skimming,... ngày càng gia tăng.
Không những thế, tội phạm thẻ đang có xu hướng chuyển từ các nước phát hành và thanh toán thẻ chip sang các nước phát hành và thanh toán thẻ từ, trong đó có Việt Nam.
Nói như vậy để thấy, việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam là nhu cầu tất yếu, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, chống giả mạo, ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động phát hành và thanh toán thẻ. Đồng thời mở ra cơ hội phát triển mới cho thẻ thanh toán, mở rộng các dịch vụ thẻ tại Việt Nam; và tăng cường sự phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững cho thị trường thẻ ngân hàng, bảo đảm cho các thành viên thị trường có thể liên kết, chia sẻ, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng công nghệ liên quan tới phát hành, thanh toán và sử dụng thẻ...
Chính vì thế một lần nữa NHNN đã có văn bản đốc thúc các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ thực hiện các nội dung triển khai áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa theo lộ trình chuyển đổi quy định tại Thông tư số 41/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 của NHNN.
Lộ trình này trong năm 2019, NHNN yêu cầu các NHTM phải chuyển đổi 30% lượng thẻ ATM sang công nghệ thẻ chip, dự kiến đến hết năm 2021 toàn bộ thẻ trên thị trường sẽ sử dụng công nghệ thẻ chip mới. Với việc NHTM phải hoàn thành chuyển đổi 30% lượng thẻ năm nay, ước tính sẽ có khoảng 21 triệu thẻ ATM phải chuyển đổi sang công nghệ thẻ chip.
Việc chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM bằng công nghệ từ sang công nghệ chip có độ bảo mật cao hơn nhằm hạn chế tối đa rủi ro mất tiền đang được các NHTM gấp rút triển khai. Tính tới thời điểm này, đã có 7 ngân hàng phối hợp với NAPAS triển khai thành công việc phát hành và chấp nhận thanh toán thẻ chip nội địa.
TPBank là nhà băng tiên phong thử nghiệm từ cách đây một năm (10/2018) và đã phát hành chính thức cho tất cả khách hàng dùng thẻ ATM công nghệ chip EMV từ 1/6/2019 (thẻ ATM Smart 24/7). Hệ thống các máy ATM, máy POS, LiveBank của nhà băng này đều đã được nâng cấp để chấp nhận thẻ chip nội địa. CEO ngân hàng này cho biết, dự kiến năm 2020 TPBank sẽ hoàn tất chuyển đổi sang thẻ chip cho tất cả khách hàng.
Và để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng chuyển đổi thẻ, từ nay tới cuối năm 2019, TPBank giảm 50% phí phát hành thẻ ATM Smart 24/7 cho tất cả người dùng, áp dụng cho cả người mở thẻ mới và đổi thẻ tại LiveBank cũng như phòng giao dịch của ngân hàng này.
Không chỉ TPBank, VPBank cam kết sẽ chi trả toàn bộ chi phí chuyển đổi thẻ chip cho khách hàng, nhà băng này hiện có khoảng 1,5 triệu thẻ nội địa cần phải nâng cấp trong tổng số hơn 3,8 triệu thẻ tín dụng và ghi nợ đã phát hành. ABBank cũng dự kiến sẽ thực hiện chuyển đổi toàn bộ thẻ từ sang thẻ chip trong năm 2020 - trước thời hạn của NHNN vào 31/12/2021, sau khi phối hợp với NAPAS cho ra mắt thẻ chip ABBank Youcard contactless cho dòng thẻ thanh toán nội địa....
Liên quan tới việc bảo đảm, nâng cao mức độ an ninh, an toàn trong thanh toán, ông Melvin Chew - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của MasterCard đã chia sẻ kinh nghiệm của MasterCard với ba điểm nhấn mạnh.
Thứ nhất, chú trọng tới xây dựng năng lực công nghệ hàng đầu thị trường. Trong đó có nêu ra việc chuyển đổi thẻ chip lớn nhất trong lịch sử đó là (thị trường thẻ chip tại Mỹ), công nghệ chip kỹ thuật số, nhúng vào điện thoại di động; kết hợp trí tuệ nhân tạo vào MasterCard để tạo mạng thông minh.
Thứ hai, việc thay đổi vị trí và tác động đến hệ sinh thái: sinh trắc học được giới thiệu vào thanh toán; cho thanh toán kỹ thuật số (kiểm tra danh tính) và thanh toán vật lý (thẻ sinh trắc học); thay đổi văn hoá và thiết lập tư tưởng lãnh đạo về vấn đề an ninh.
Thứ ba, theo ông Melvin Chew, cần phát triển và cung cấp giải pháp giải quyết nhu cầu của tất cả các bên liên quan (nhà phát hành, mua lại, thương gia, người tiêu dùng, Chính phủ); cũng như việc đầu tư vào các giải pháp mới.
“Nhìn chung, bản thân MasterCard đã học được những bài học quan trọng giúp nâng cao chiến lược MasterCard 1-Click (một chạm), đó là tập trung vào trải nghiệm khách hàng; các bên cần có công cụ để tối đa hoá giá trị; và tạo ra các giải pháp phù hợp theo quy mô”, đại diện MasterCard chia sẻ.