Giá lợn và câu chuyện điều hành
Thịt lợn, xăng dầu đẩy CPI tháng 10 tăng cao nhất 8 tháng |
Việc giá thịt lợn tăng mạnh thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới lạm phát |
Giá thịt lợn, một vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ và chỉ các bà nội chợ mới quan tâm, thế mà hiện nó lại đang chiếm khá nhiều thời gian của các nhà điều hành; thậm chí đã có khá nhiều hội nghị, cuộc họp của các bộ, ngành bàn về vấn đề này.
Cũng bởi thịt lợn là thực phẩm được sử dụng nhiều nhất trong bữa ăn của các gia đình Việt, nên mặt hàng này chiếm một tỷ trọng khá lớn trong giỏ hàng tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Thế nên việc giá thịt lợn tăng mạnh thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới lạm phát và việc ổn định kinh tế vĩ mô.
Quả vậy, từ tháng 6 giá mặt hàng thịt lợn đã có xu hướng tăng dần và tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay. Giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt lợn tăng mạnh đã góp phần đẩy CPI tháng 10 và tháng 11 tăng cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 10 tăng 0,59% so với tháng trước, là mức tăng cao nhất của tháng 10 trong 3 năm gần đây mà nguyên nhân một phần cũng bởi giá thịt lợn tăng 7,85% làm CPI chung tăng 0,33%. Thậm chí giá thịt lợn còn góp phần đẩy CPI tháng 11 tăng tới 0,96% so với tháng trước, là mức tăng cao nhất của tháng 11 trong 9 năm trở lại đây; trong đó giá thịt lợn tăng 18,51% tác động làm CPI chung tăng 0,78%.
Lý giải nguyên nhân, cơ quan này cho biết, đàn lợn cả nước tháng 11/2019 giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng.
Không phủ nhận việc giá thịt lợn tăng chóng mặt trong thời gian qua một phần cũng bởi dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung giảm. Vấn đề là liệu nguồn cung có thiếu đến mức khiến giá lợn tăng phi mã như vậy? Và tại vấn đề nguồn cung giảm đã được nói đến từ khá lâu mà sao vẫn để tồn tại dẫn đến giá tăng mạnh như vậy?
Phát biểu tại Hội nghị ngành nông nghiệp diễn ra ngày 23/12 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với 25 triệu con lợn hiện đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu và không có chuyện thiếu thịt. “Còn 25 triệu con heo, không phải chúng ta không còn heo đâu mà cứ đưa giá lên. Ai ghìm giá, ghìm heo không cho xuất chuồng phải bị xử lý”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019 diễn ra hôm 18/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ rõ, tình trạng khan hiếm, tăng giá một mặt là do một bộ phận thương lái găm hàng, nhưng có mặt khác là do cơ quan quản lý kiểm soát chưa chặt chẽ việc nhập khẩu thịt lợn, có hiện tượng gom hàng bán sang các nước khác.
Điều đó cũng có nghĩa, việc thịt lợn tăng giá có nguyên nhân không nhỏ từ công tác quản lý thị trường và hệ thống phân phối còn nhiều bất cập, việc liên kết giữa doanh nghiệp và người dân còn lỏng lẻo… Đó chính là những kẻ hở để tư thương lợi dụng găm hàng đầu cơ đẩy giá tăng để trục lợi.
Bên cạnh đó, công tác dự báo cũng như việc chậm đưa ra các giải pháp để cân đối việc thiếu hụt nguồn cung khiến giá lợn tăng. Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải báo cáo Chính phủ kế hoạch cụ thể về việc tái đàn để đảm bảo bù đắp nguồn cung, đảm bảo không dư thừa cho giai đoạn sau. Phần thiếu hụt còn lại phải cùng Bộ Công thương đề xuất với Chính phủ giải pháp nhập khẩu thêm thịt lợn thành phẩm từ các nước có quan hệ thương mại hai chiều theo tinh thần là Chính phủ điều hòa cung - cầu thịt lợn để đảm bảo hài hòa lợi ích người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong lưu thông, phân phối.
“Việc nhập khẩu thịt lợn hiện nay để giải quyết thiếu hụt tạm thời, không nhập thường xuyên. Có kế hoạch nhập từng tháng bao nhiêu, phải sớm có báo cáo với Chính phủ và có thông cáo báo chí để công bố công khai cho người dân, tránh lạm phát kỳ vọng và đánh vào đầu cơ tích trữ, gian lận thương mại”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Hiện giá đã giảm nhẹ sau những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, song vẫn cần nhắc lại những câu chuyện trên để thấy, việc kiểm soát lạm phát, bên cạnh các chính sách ở tầm vĩ mô thì công tác quản lý thị trường cũng vô cùng quan trọng. Điều đó lại càng quan trọng khi mà Tết Nguyên đán đang đến gần và theo quy luật hàng năm, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn cũng tăng đột biến trong giai đoạn này.