Gia tăng mua hàng online thời dịch bệnh, thanh toán số "lên ngôi"
Thanh toán điện tử tăng mạnh vào thời điểm dịch bệnh |
Bùng nổ mua sắm, đặt đồ ăn trực tuyến
Từ đầu tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 có xu hướng lan nhanh tại Việt Nam, cơ quan tạo điều kiện cho nhân viên làm việc tại nhà, thì lượng hàng hóa, dịch vụ mà chị Trịnh Huyền (quận Hà Đông, Hà Nội) đặt hàng trực tuyến mỗi tuần đều tăng gấp đôi so với trước đây. Từ các mặt hàng thiết yếu như rau, thịt, gạo, đồ tiêu dùng…cho đến đồ chơi cho con, mỹ phẩm… đều được chị đặt hàng qua mạng. Việc thanh toán cũng rất thuận lợi và nhanh chóng vì được thực hiện qua ví điện tử hoặc thẻ tín dụng, thẻ ATM do các trang thương mại điện tử lớn đều có liên kết với các ngân hàng.
“Trước đây, tôi vẫn hay có thói quen mua sắm trực tiếp để lựa chọn sản phẩm. Giờ dịch bệnh gia tăng, việc thanh toán bằng tiền mặt tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm virus trong khi thanh toán điện tử lại rất tiện lợi nên tôi đã chuyển cơ bản sang mua hàng qua mạng”, chị Huyền chia sẻ.
Anh Đỗ Minh Đức (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho hay, việc sử dụng các phương thức thanh toán điện tử ngày càng dễ dàng và thuận tiện khi mua sắm, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh như thế này. “Với các ứng dụng trực tuyến như Momo, Airpay, VNpay… chỉ cần ngồi nhà là có thể đặt hàng từ đồ uống đến bữa ăn trưa mà không phải ra đường. Việc giao hàng cũng nhanh chóng và tiện ích, nhất là với các dịch vụ giao tại nhà, giao gần trong 15 phút hay giao đồng giá của các công ty như: Ahamove, Lalamove, Grab...”, anh Đức hồ hởi nói.
Thực tế, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các cửa hàng, quán bia, quán cà phê, trà sữa… tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, các hệ thống đồ ăn nhanh, trà sữa, cà phê lớn vẫn có thể duy trì hoạt động phần lớn là nhờ những đơn hàng trực tuyến. Tại các hệ thống này, bóng các tài xế khoách áo xanh Grab Bike, áo đỏ Go-Viet… vẫn ra vào tấp nập.
Nhiều cửa hàng chuyển sang bán online. |
“Từ khi dịch bệnh bùng phát, bọn em chủ yếu đẩy mạnh qua kênh bán hàng trực tuyến vì số lượng khách mua qua cửa hàng giảm đến 85%. Nếu không có các đơn hàng qua mạng chắc hệ thống bọn em sẽ sớm đóng cửa”, nhân viên một cửa hàng thuộc hệ thống trà sữa nổi tiếng cho hay.
Đại diện Grab cho biết, thời gian qua dịch vụ giao nhận hàng hóa GrabDelivery và giao nhận đồ ăn GrabFood tăng trưởng khá cao. Dịch vụ di chuyển cũng không quá biến động, GrabCar có giảm nhẹ, nhưng GrabBike lại “đắt hàng” hơn.
Tăng đột biến giao dịch qua ví điện tử
Cùng với sự nhộn nhịp của các hoạt động mua sắm qua mạng, thanh toán trực tuyến vì thế cũng có sự tăng trưởng đáng kể. Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch Ví MoMo, chia sẻ lượng giao dịch qua ví điện tử này từ sau Tết Nguyên đán đã tăng hơn 100%, cao hơn so với dự kiến. Giá trị các giao dịch trung bình cũng tăng từ 50 - 100% do người tiêu dùng mua sắm một lúc nhiều thứ hơn so với thời gian trước.“Một khi khách hàng đã trải nghiệm dịch vụ, thì tôi tin rằng họ hoàn toàn hiểu được tính tiện dụng và tại sao kinh tế số lại quan trọng đối với cuộc sống”, ông Diệp cho hay.
Theo nhận định của Cimigo - Công ty nghiên cứu thị trường độc lập có văn phòng tại 6 nước châu Á, dù Ngân hàng Nhà nước cho biết tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chỉ mới đạt 14% giao dịch trong mùa dịch Covid-19, thời gian tới, chắc chắn tỉ lệ đó sẽ tăng mạnh và các loại ví điện tử sẽ được hưởng lợi lớn nhất.
Chỉ tính riêng các loại hình kinh tế số như tài chính trực tuyến, thương mại điện tử…, thị trường Việt Nam đã có mức tăng khá ấn tượng, từ 0,4 tỷ USD năm 2015 lên 2,8 tỷ USD năm 2018, theo Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019. Hiện tại, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam lớn thứ ba ở khu vực, chỉ sau Indonesia (12,2 tỷ USD năm 2018) và Thái Lan (3 tỷ USD năm 2018), nhưng sẽ còn phát triển hơn nữa. Theo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 11/2019, số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt gần 146,040 triệu món, tương ứng với 87,591 triệu tỷ đồng, tăng 17,77% về số lượng và 32,49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Sự phát triển của lĩnh vực này đang được các cơ quan chức năng thúc đẩy nhằm mang lại hiệu quả, bù đắp những tổn thất cho nền kinh tế. |
Bảng đánh giá về các thương hiệu ví điện tử phổ biến tại Việt Nam của Cimigo mới đây cho thấy, người dùng Moca hiện đang có tần suất sử dụng ví thường xuyên nhất. Trung bình mỗi ngày, người dùng Moca thực hiện 2,2 giao dịch, cao hơn người dùng MoMo với 2,0 giao dịch và người dùng ZaloPay với 1,6 giao dịch. Về giá trị giao dịch, người dùng MoMo có số chi tiêu bình quân trong ngày là 520.000 đồng, theo sau là người dùng Moca với giá trị giao dịch trung bình trong ngày là 506.000 đồng và ZaloPay là 441.600 đồng.
Bà Lê Xuân Phương, Phó giám đốc nghiên cứu tại Cimigo cho rằng, tần suất và giá trị giao dịch hàng ngày qua các ví điện tử cho thấy nhu cầu sử dụng chúng tại thị trường Việt Nam là rất lớn và còn nhiều triển vọng trong thời gian tới. Các ví điện tử dùng để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hoá đơn định kỳ... được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng đều đặn và dần thay thế lựa chọn dùng tiền mặt trong thời gian tới.
“Các ví điện tử cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ thiết yếu đang bùng nổ trong những năm gần đây như đặt xe công nghệ, giao nhận thức ăn... cũng đang sở hữu lợi thế cạnh tranh vượt trội và tiềm năng phát triển to lớn”, bà Phương nhận định.