Giá thịt lợn tăng, tín dụng chảy vào chăn nuôi
Thay đổi thói quen tiêu dùng khi giá thịt lợn tăng Giá thịt lợn tăng, khó khăn với người chăn nuôi vẫn chưa giảm |
Ông Công dự báo thịt lợn đang thiết lập lại mặt bằng giá cao, có khả năng sẽ duy trì ở mức trung bình 70.000 đồng/kg và kéo dài đến hết năm 2025. “Nguồn cung thịt lợn của Việt Nam trong vài năm tới vẫn cần bổ sung nên cơ hội đầu tư mở rộng quy mô nuôi vẫn còn lớn”, ông Công nhận định.
Trên thực tế, nhu cầu tái đàn luôn có tại các tỉnh Đông Nam bộ. Các hộ chăn nuôi lớn tại huyện Gia Kiệm, tỉnh Đồng Nai cho biết, giá lợn hơi thương lái mua tại chuồng hiện nay đã tăng khoảng 20-30% so với cuối năm ngoái, nếu kịp thời tái đàn từ nay đến cuối năm có khả năng sẽ tranh thủ được giá bán cao vì nhu cầu lợn thịt trên thị trường đang thiếu hụt.
Ông Nguyễn Văn Sơn, chủ một trang trại lợn quy mô trên 1.000 con tại Gia Kiệm cho biết, đối với các cơ sở nuôi lợn quy mô hộ trang trại, để tái đàn hiện nay thì chi phí mua lợn giống và thức ăn là lớn nhất. Do thiếu hụt nguồn lợn giống nên các hộ muốn tái đàn thường phải đặt cọc mới mua được. Vì thế, thời điểm này rất cần sẵn nguồn vốn khoảng 3-5 tỷ đồng để chủ động đầu tư giống và tính toán thời điểm nhập thức ăn với giá hợp lý.
Cho vay phát triển các sản phẩm nông nghiệp nông thôn nằm trong diện được ưu đãi lãi suất |
Giá lợn tăng cũng đã có tác động tích cực đến hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh của nhóm doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn. Chẳng hạn, các công ty chăn nuôi chiếm thị phần cao như Dabaco, BAF, HAGL hiện nay đều đang tận dụng cơ hội để tái đàn nhằm đón đầu làn sóng tăng giá thịt lợn. Cuối tháng 4/2024, Dabaco đã nhập khẩu lượng lớn lợn giống với kỳ vọng tăng quy mô lên 60.000 đầu lợn nái vào năm 2025. Trong khi đó, BAF dự kiến đưa vào hoạt động thêm 7 dự án trang trại lớn tại Tây Ninh, Phú Yên và Gia Lai. Trong các tháng cuối năm 2024, doanh nghiệp này cũng dự kiến mở thêm 6 trang trại khác tại Bình Định và khu vực Đông Nam bộ.
Đi theo dòng chảy đó là nhu cầu đối với tín dụng ngân hàng. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều hộ nuôi lợn gia công cho các doanh nghiệp cho biết, thời gian qua địa phương này có chính sách hỗ trợ 30-50% chi phí mua giống, thiết bị, vật tư thiết yếu cho các hợp tác xã, trang trại để xây dựng mô hình liên kết điểm nên các mô hình nuôi lợn gia công phát triển mạnh. Khi giá lợn tăng, các hộ nuôi kỳ vọng vay được thêm vốn lưu động để kịp thời đầu tư tái đàn, mở rộng quy mô nuôi.
Đứng trước nhu cầu về vốn để nhanh chóng tái đàn, các NHTM cũng đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là về lãi suất. Các chi nhánh NHTM tại Đồng Nai cho hay, đối với nhu cầu vay vốn chăn nuôi, nhất là vay ngắn hạn, các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối cho trang trại chăn nuôi vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP với lãi suất chỉ 3,6%-7%/năm.
Theo thống kê của NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn ở tỉnh này, trong đó chăn nuôi lợn chiếm tỷ trọng cao, tính đến cuối tháng 5/2024 ước đạt khoảng 114.800 tỷ đồng. Trong số này có khoảng 13.800 tỷ đồng được các tổ chức tín dụng cho vay theo hình thức tín chấp.
Trên bình diện cả nước, các NHTM cho vay đầu tư trang trại đối với các doanh nghiệp lớn đã phục hồi mạnh mẽ kể từ sau dịch bệnh Covid-19. BIDV đã rót vốn 125,5 tỷ đồng cho dự án trang trại chăn nuôi lợn nái Ea Sô tại Đắk Lắk, LPBank cho vay HAG 300 tỷ đồng tăng đàn lợn, Eximbank cũng hỗ trợ công ty này xử lý xong khoản nợ hơn 1.400 tỷ đồng để thúc đẩy niêm yết trên sàn chứng khoán…
Trên thị trường, những ngân hàng như VPBank, HDBank, TPBank… đều có các gói tín dụng dành riêng cho lĩnh vực chăn nuôi, bao gồm cả tín dụng cho đầu tư trang trại và tài trợ các chuỗi giá trị liên kết chăn nuôi từ hộ nuôi - đại lý thức ăn, thuốc thú y - doanh nghiệp đầu mối.
Giới kinh doanh nhận định, đà tăng của giá thịt lợn có thể là cơ hội để tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng mở rộng các chương trình tín dụng ưu đãi lĩnh vực chăn nuôi. Hơn nữa, chính sách lãi suất thấp sẽ hỗ trợ cho thị trường kìm giá chăn nuôi để không tác động lên giá thành sản phẩm.