Giá thịt lợn tăng, khó khăn với người chăn nuôi vẫn chưa giảm
Những ngày gần đây, giá thịt lợn liên tục đã tăng cao khiến cho nhiều tiểu thương gặp không ít khó khăn. Cụ thể, giá thịt lợn hơi tại Hà Nội dao động ở mức 68 nghìn đồng/kg, tăng 5.000 đồng so với tháng trước. Tại một số chợ dân sinh, chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, giá thịt lợn đã tăng khoảng 15 - 30 nghìn đồng/kg so với thời điểm đầu tháng. Điều này khiến lượng khách mua giảm hẳn, người bán thì cũng chỉ dám nhập hàng cầm chừng, không dám nhập nhiều vì sợ ế.
Chị Đào Hương, chủ quầy thịt tại chợ Nguyễn Công Trứ cho biết, thịt ba chỉ tuần trước chị bán 100 nghìn đồng/kg, sang đến tuần này đã phải bán với giá 135 nghìn đồng/kg. Cứ mỗi ngày trung bình tăng tới 4 đến 5 giá. Lượng khách mua giảm rõ rệt. Nếu nhập nhiều hàng mà không bán được thì chỉ lỗ nặng. Vì thế nên mấy hôm nay, chị chỉ dám nhập nửa con thay vì cả con như trước.
Nhiều hộ nông dân nuôi lợn nhỏ lẻ vẫn lỗ vốn. |
Đối với các chủ trang trại nuôi lợn thì với giá thịt hiện tại họ đã bắt đầu có lãi ít nhiều, nhưngvẫn lao đao bởi chi phí thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính vì vậy thời gian qua, nhiều chủ trang trại, đặc biệt là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, e ngại việc tái đàn. Điều này khiến số lượng lợn nuôi trong dân giảm sút.
Ông Nguyễn Trung Hưng, chủ hộ nuôi lợn tại Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ, mùa vụ trước, giá lợn hơi chưa cao, cộng thêm giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã nên gia đình nuôi 50 con lợn, đến lúc xuất chuồng thì lỗ hơn 30 triệu đồng. Sang năm nay, gia đình cũng chỉ dám nuôi cầm chừng với số lượng nhỏ khoảng hơn 20 con giống. Đợt này giá lợn hơi có tăng lên nhưng với chi phí còn cao thì may lắm cũng chỉ lãi một chút.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho biết, việc sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam phần lớn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên khi thế giới có biến động như dịch bệnh, chiến tranh thì ảnh hưởng rất lớn đến giá cả thành phẩm. Trong 2 năm gần đây, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 15 - 40%, mà cấu phần này lại chiếm tới 70% giá thành của sản phẩm cuối cùng. Trong khi đó, giá của sản phẩm thịt đầu ra cũng chưa được cao và mức tiêu thụ của thị trường vẫn còn hạn chế dẫn đến ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Trọng, trước áp lực chi phí về thức ăn chăn nuôi, chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan cần đưa ra những giải pháp có tính lâu dài; hỗ trợ, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng khoa học - công nghệ để mang lại hiệu quả cao hơn.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thêm rằng cần phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng từ trang trại tới bàn ăn; có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào; hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào; tăng cường công tác kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường, nếu không tình trạng giảm đàn, bỏ chuồng sẽ còn tiếp diễn.
Mặc dù giá thịt lợn đang có xu hướng tăng nhưng người chăn nuôi rất cần thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình thị trường để có phương án tăng đàn và sản xuất phù hợp; tính toán để đảm bảo cân đối đầu ra và sản xuất, tránh thừa nguồn cung sẽ rất dễ dẫn đến giá thành bị sụt giảm.