Tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo |
Phấn đấu giảm lãi suất cho vay
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, kể từ khi có dịch COVID-19 đến nay, các ngân hàng đã giảm hơn 34.000 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong đợt cam kết vừa qua, 16 ngân hàng lớn giảm lãi suất cho vay, áp dụng từ ngày 15/7 đến hết năm 2021, số tiền lãi cam kết giảm là 20.000 tỷ đồng, riêng bốn ngân hàng thương mại Nhà nước giảm thêm 4.000 tỷ đồng.
Phát huy tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, trong năm 2022, NHNN sẽ điều hành chính sách lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, NHNN điều hành các giải pháp tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Nhưng muốn doanh nghiệp khôi phục nhanh hơn, Phó Thống đốc cho rằng, tạm thời định hướng vẫn phải khoanh các khoản nợ đến hạn, nợ chưa trả được tiếp tục kéo dài thời hạn, tiếp tục cho vay để doanh nghiệp bứt phá.
"Nếu có điều kiện, các ngân hàng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế bằng cách giảm lãi suất, cộng với các trương trình hỗ trợ của Chính phủ, tạo hiệu ứng chung vừa có hỗ trợ của ngành Ngân hàng vừa có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đặc biệt, dành nguồn vốn cho các lĩnh vực khó khăn, lĩnh vực cần ưu tiên; không tập trung vốn cho các lĩnh vực không ưu tiên. Năm 2022, NHNN sẽ nới thêm tín dụng nhưng sẽ kiểm soát chặt tiền vào kênh chứng khoán, trái phiếu, bất động sản", Phó Thống đốc khẳng định.
Về tăng trưởng tín dụng năm 2022, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 14%, cao hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2021 là 12%. "Đây là con số đặt ra để định hướng điều hành còn thực tế triển khai có thể tăng lên và cũng có thể dưới mục tiêu vì năm tới có nguy cơ tác động đến lạm phát mà mục tiêu của chúng ta là ổn định vĩ mô kiềm chế lạm phát. Tín dụng sẽ hướng vào lĩnh vực ưu tiên, khó khăn của nền kinh tế do tác động của đại dịch", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro
Còn tín dụng với lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản hay kênh trái phiếu, Phó Thống đốc khẳng định, quan điểm của NHNN là không tăng thêm mà còn phải kiểm soát chặt, thậm chí sẽ còn thanh tra…. NHNN sẽ thanh tra những khoản tín dụng vào trái phiếu mà một số tổ chức tín dụng phát hành không đảm bảo an toàn theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngay trong năm 2022.
Tuy nhiên, NHNN vẫn tạo điều kiện cho bất động sản nhà ở, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thực sự. Đối với tín dụng vào kênh chứng khoán, NHNN cũng định hướng vẫn cấp vốn cho kênh này với điều kiện phục vụ phát triển lành mạnh, ổn định.
Bên cạnh đó, trong năm 2022, NHNN sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thiên tai, dịch bệnh.
"Hiện nay có ngân hàng đã vượt số cam kết giảm lãi suất nhưng vẫn có ngân hàng mới thực hiện đạt 60-70%. Chúng tôi đã công khai trên website để dư luận đánh giá để thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với doanh nghiệp. Đây cũng là biện pháp cứng rắn quyết liệt của NHNN. Tất nhiên ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp nhưng lúc này cần đồng hành chia sẻ với doanh nghiệp theo đúng tính chất cộng sinh", Phó Thống đốc Đào Minh tú nói.
Cần hành lang pháp lý đủ mạnh cho xử lý nợ xấu
Về vấn đề nợ xấu, Phó Thống đốc chia sẻ, cách đây hơn 10 năm khi nợ xấu 12–13%, sau đó đã nỗ lực nhiều năm để xử lý, trong đó có việc triển khai Nghị quyết 42, cả hệ thống chính trị đều quan tâm xử lý nợ xấu. Hơn 10 năm phấn đấu gần đạt mục tiêu xử lý nợ xấu thì lại có dịch bệnh gây khó khăn trong công tác xử lý nợ xấu.
Trong năm 2021, mục tiêu của NHNN là duy trì nợ xấu toàn ngành dưới 3%, tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại phát triển quy mô, lành mạnh hóa quan hệ tín dụng… Tuy nhiên do dịch bệnh, số liệu thống kê đánh giá đến nay, nợ xấu nội bảng là 1,9%, cao hơn con số cuối 2020 là 1,69%. Nếu tính cả nợ xấu bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và nợ tiềm ẩn thì nợ xấu nội bảng là 3,79%.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin thêm, trong trường hợp thận trọng, tính đầy đủ hơn, tính toán tác động của dịch và cơ cấu đến hạn chưa trả, chính sách miễn giảm theo Thông tư 01, 03 và sau này là Thông tư 14 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu này là 8,2%. Nợ xấu này không ai mong muốn nhưng nó là của nền kinh tế, của dịch bệnh. Doanh nghiệp không muốn chứ không phải do sai phạm, cố tình làm ăn thua lỗ.
"Do đó, bên cạnh xử lý nợ xấu NHNN đã báo cáo Chính phủ để có hành lang pháp lý mạnh hơn, đủ để xử lý nợ xấu trong bối cảnh mới. Nợ xấu do dịch thì càng cần hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sức xử lý trong thời gian tới", Phó Thống đốc khẳng định.