Giàn dưa leo
Ảnh minh họa |
Mẹ tôi vẫn thường bảo, còn sức khỏe nghĩa là chẳng bao giờ chịu bỏ phí đất đai. Mùa hè nắng gắt, đến cả cỏ dại cũng mòn mỏi khước từ sự sống thì nói gì đến những thứ rau yếu ớt, khiêm nhường. Ấy vậy mà mẹ vẫn cần mẫn cuốc xới, bón phân chuồng cho mảnh vườn bên hông nhà để thả hạt dưa.
Thời tiết mùa này vốn dĩ vô cùng khắc nghiệt, nhưng vẫn không thắng nổi sự kiên trì của mẹ. Nhờ được bàn tay mẹ tảo tần chăm sóc, những mầm dưa lớn nhanh, mặc cho cái nóng hầm hầm bốc lửa. Cho đến lúc cây dưa leo cao bằng ngón trỏ, mẹ tôi chẻ tre, khéo léo làm giàn.
Những buổi chiều mẹ đi làm về muộn, tôi thường xách chiếc thùng tôn có gắn chiếc vòi sen trên đầu tưới nước cho dưa. Cây dưa leo lớn nhanh như thổi. Kể từ lúc mọc thêm những sợi tua quấn vào giàn tre, chúng cứ thế vươn ra mãnh liệt. Chẳng mấy chốc mà những giàn dưa đã được khoác lên mình tấm áo mới um tùm, biêng biếc.
Tôi nóng lòng chờ đợi từng ngày. Đã trở thành một thứ quy luật của tạo hóa, đến lúc đủ lớn, từ nách lá, cây dưa phỏng ra những bông hoa vàng rực như đốm nắng thôi thúc lũ bướm đa tình ngược hành trình xa đến tìm phấn sắc.
Cữ cây dưa leo đơm hoa, mẹ tôi tưới nhiều nước hơn mỗi ngày. Mấy người hàng xóm đi qua thấy vậy nói: “Dưa leo nay rẻ như bèo. Việc gì phải trồng trọt bón chăm cho mệt!” Mẹ tôi đáp lại: “Trên tivi người ta hay nói rau quả bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Tôi sợ quá nên tự trồng lấy để phục vụ gia đình cho an toàn”. Mẹ tôi là thế, trước khi làm một việc gì cũng luôn tính toán rất sâu xa. Có vườn dưa leo thì vừa có trái để ăn, vừa có hoa để ngắm, lại còn có cả không khí trong lành. Vậy thì còn gì tuyệt vời hơn nữa?
Giàn dưa leo bắt đầu ra những lứa quả đầu tiên. Mẹ tôi mát tay, trồng cây gì cũng cho năng suất. Những quả dưa leo bọc lớp bụi phấn mới hôm nào còn bé tí hin mà nay đã to bằng cổ tay người lớn, mỡ màng, căng mọng. Ngày nào tôi cũng chui vào giàn dưa hái đầy từng rổ. Có cảm giác những thanh tre xiên chéo đang cong oằn xuống vì sức nặng của quả. Và chẳng hiểu sao, tôi chợt liên tưởng đến mẹ, đến câu thơ “Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn/Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi”, của Nguyễn Khoa Điềm.
Ngày hè, sau một ngày bận rộn với mùa màng đồng áng, trở về nhà, ngồi bên hiên ăn vội một quả dưa leo chấm muối ớt kể cũng thích. Hay kỳ công hơn, mẹ tôi thường tranh thủ chế biến thật nhiều món ngon, từ dưa xào hến, dưa chuột nộm lạc, dưa chuột bóp xổi cho đến dưa chuột chua ngọt, món nào cũng thơm ngon khó cưỡng. Vị thanh thanh, ngọt dịu của dưa chuột rất vừa lòng người. Và tôi chưa từng nghe ai bảo không ăn được dưa leo cả. Vì thế mà đôi lúc, tôi hay hồn nhiên nói với mẹ: “Con ăn dưa leo thay cơm cũng được!”.
Sau một đợt mưa rào, giàn dưa leo lại càng sai quả. Mẹ tôi hái cho họ hàng, xóm giềng mỗi nhà một ít gọi là chút lộc cây nhà lá vườn. Ai cũng tấm tắc khen dưa mọng nước, mát giòn. Thế là mẹ tôi chọn những quả già nhất bọc kỹ bằng túi nylon để dành đến cuối mùa còn lấy hạt, phơi khô làm giống cho vụ sau.
Mẹ xởi lởi: “Năm sau sẽ chia sẻ cho những ai cần đến nó”. Đó chính là cái tâm của một người làm vườn thơm thảo. Và cho đến bây giờ, khi bước ra với cuộc sống ồn ào, náo nhiệt phía ngoài kia, tôi vẫn rất cần những bài học đối nhân xử thế từ mẹ, từ những điều thật mộc mạc, chân thành!.
Mỗi lần nhọc nhằn cuốc xới mảnh vườn chữ nghĩa để vun trồng những tác phẩm văn chương, tôi lại nhớ nhiều đến mẹ - người vẫn hằng cần cù với từng thớ đất, hạt mầm để thắp lên màu xanh hy vọng quanh ngôi nhà bằng những giàn dưa leo bé nhỏ!