Gian nan xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ vay
Quy định ngân hàng thu hồi tài sản bảo đảm như thế nào | |
Để xử lý tài sản bảo đảm hiệu quả | |
Kỳ vọng xử lý dứt điểm nợ xấu |
Đầu tháng 7/2022, BIDV vừa công bố bán khoản nợ của Công ty cổ phần Găng tay Nam Việt. Đây là lần thứ 7 khoản nợ này được rao bán với giá 799,6 tỷ đồng, giảm 20% so với thời điểm tháng 10 năm ngoái. Những tài sản bảo đảm (TSBĐ) nợ vay được BIDV rao bán để xử lý nợ bao gồm: đất đai, hệ thống thiết bị dây chuyền, thiết bị nhà máy sản xuất găng tay y tế, công trình trên đất tại nhà máy và gần 4,9 triệu cổ phiếu của cổ đông sáng lập (nhưng doanh nghiệp này chưa niêm yết).
Ảnh minh họa |
Theo phản ánh của các ngân hàng, mặc dù Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD được ban hành đã tạo hành lang pháp lý hỗ trợ các TCTD đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu như khẳng định quyền của chủ nợ trong việc xử lý TSBĐ để thu hồi nợ.
Cụ thể Khoản 1, Điều 7, Nghị quyết 42 quy định rõ: “Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao TSBĐ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ TSBĐ theo quy định tại Điều này”. Thậm chí Nghị quyết 42 còn quy định việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ hoặc tranh chấp về quyền xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu của TCTD.
Tuy nhiên trên thực tế, các TCTD vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý TSBĐ để thu hồi nợ, từ khâu thu giữ cho tới khâu phát mại. Theo phản ánh của các ngân hàng, việc thu giữ TSBĐ hiện phụ thuộc khá nhiều vào thiện chí của bên vay. Tuy nhiên không ít trường hợp con nợ trây ì không chịu bàn giao TSBĐ, thậm chí còn tạo ra tranh chấp giả trên TSBĐ để cản trở việc thi hành án…
Hay như Nghị quyết 42 quy định, “số tiền thu được từ xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý TSBĐ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD… trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm…”. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại không hề đơn giản. Khi chưa nộp đủ các loại thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế khác của người phải thi hành án… thì cơ quan thuế sẽ không chuyển thông báo nộp thuế cho Văn phòng đăng ký đất đai. Hệ quả là không thực hiện được thủ tục sang tên cho người mua TSBĐ.
Hay như việc xử lý TSBĐ là dự án bất động sản theo Điều 10 Nghị quyết 42 gặp vướng mắc do ngoài việc tuân thủ theo quy định của pháp luật về xử lý TSBĐ, TCTD và bên nhận chuyển nhượng còn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về đầu tư. Điều này dẫn đến thực trạng là sau khi TCTD đưa TSBĐ là dự án bất động sản ra bán đấu giá công khai và xác định được người trúng đấu giá nhưng lại không thực hiện được thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho người nhận chuyển nhượng, với lý do là chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, năng lực theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Một bất cập nữa là mặc dù Nghị quyết 42 quy định TCTD có quyền thu giữ TSBĐ khi đó “không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật”. Thế nhưng hiện chưa có hướng dẫn thế nào là tài sản đang tranh chấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn cho các TCTD trong việc xác định TSBÐ nào đang tranh chấp khi xử lý TSBÐ theo Nghị quyết 42.
Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM cũng thừa nhận, kết quả đạt được trong việc thi hành án liên quan đến các TCTD thời gian qua còn hạn chế, mặc dù đơn vị xác định đây là công tác trọng tâm. Điều này một phần do các quy định về trình tự, thủ tục kê biên, bán đấu giá tài sản trong thi hành án còn rất phức tạp, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật chuyên ngành. Trong khi đó số lượng, giá trị tài sản phải thi hành án cho các TCTD rất lớn, chiếm khoảng 50% tổng giá trị mà cơ quan thi hành án phải tổ chức thi hành. Do vậy, áp lực đối với cơ quan thi hành án dân sự trong việc giải quyết việc thi hành án liên quan đến các TCTD là rất lớn.
Để tháo gỡ những khó khăn cho xử lý tài sản của TCTD, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM kiến nghị, cần sớm khắc phục những điểm chồng chéo, mâu thuẫn của pháp luật chuyên ngành; đặc biệt cần sửa đổi những quy định của pháp luật liên quan đến việc hoãn thi hành án khi tài sản kê biên có tranh chấp theo hướng những tài sản có hồ sơ pháp lý rõ ràng thì không thực hiện hoãn thi hành án.