Giáo dục mở: Mô hình cần khuyến khích phát triển
Thứ trường Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, mô hình giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia, thúc đẩy tính thích ứng của giáo dục nghề nghiệp với thị trường việc làm.
Theo đó, việc đa dạng hóa các phương thức đào tạo sẽ tăng cơ hội học nghề và việc làm cho các nhóm dân số khác nhau, thúc đẩy học tập suốt đời, đặc biệt với người không có điều kiện sử dụng các cách thức đào tạo truyền thống.
Ở Việt Nam, theo ông Diệp, hiện giáo dục nghề nghiệp mở kết hợp với công nghệ trực tuyến đang là giải pháp được thực hiện ở một số các cơ sở giáo dục. Điều này tạo ra sự thuận lợi cho việc học ở các địa điểm khác nhau. Đây cũng là xu hướng chung của các quốc gia trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, để phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, từng cấp quản lý, từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiến hành rà soát, loại bỏ, sửa đổi và bổ sung cơ chế, chính sách và các định chế liên quan đến phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở; giảm thiểu tối đa các rào cản về thủ tục hành chính.
Dưới góc độ quản lý, bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, Việt Nam cần cơ sở pháp lý liên quan tới chất lượng đào tạo, thừa nhận và công nhận văn bằng, chứng chỉ và trong việc tổ chức thực hiện
Một điều cần phải đặt ra cho nền giáo dục mở nói chung và giáo dục nghề nghiệp mở nói riêng là cần có nguồn tài liệu, giáo trình mở giúp cho đông đảo những người có như cầu học đều có thể dễ dàng tiếp cận.
Để đạt được mục đích này thì cần xây dựng các trung tâm tài nguyên mở, học liệu mở để lưu trữ, cập nhật, chia sẽ miễn phí, không có rào cản về pháp lý, kỹ thuật và tài chính với tất cả những ai quan tâm. Thí điểm triển xây dựng hạ tầng cơ sở để khai thác tài nguyên mở, đào tạo trực tuyến tại các trường chất lượng cao trong hệ thống.
Và điều cuối cùng là muốn có một nền giáo dục mở thì phương thức quản lý cũng phải theo hướng mở. Nên sự cấp thiết trong việc đổi mới cách thức quản lý là yếu tố tiên quyết.
Như vậy cơ quan quản lý nhà nước cần phải chuyển vai trò kiểm soát sang giám sát, còn với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ phải chuyển sang áp dụng phương thức quản trị của doanh nghiệp vào hoạt động đào tạo.
Hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ cũng đã mở rộng, khuyến khích phát huy nội lực của đông đảo các thành phần kinh tế, xã hội trong sự nghiệp phát triển giáo dục.
Đối với giáo giáo dục nghề nghiệp cũng cần mở rộng xã hội hóa, huy động và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, các doanh nghiệp tham gia phát triển hệ thống và huy động đa nguồn tài chính với mục đích tập hợp được mọi nguồn kinh tế, trí thức cho sự phát triển giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt.