Giúp duy trì nguồn lực con người
Ngày 21/7 vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư 10/2021/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Theo thông tư này, NHNN tái cấp vốn đối với NHCSXH để cho người sử dụng lao động vay theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất quá hạn là 0%/năm, thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày, tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày NHNN giải ngân tái cấp vốn đối với NHCSXH và được áp dụng đối với từng lần giải ngân. Thời hạn giải ngân tái cấp vốn từ ngày ký khế ước nhận nợ đầu tiên đến hết ngày 31/3/2022 hoặc đến khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng tùy theo điều kiện nào đến trước…
Ảnh minh họa |
Với tinh thần triển khai chính sách cho vay nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện và hiệu quả, ngay sau khi Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được ban hành, NHCSXH đã tổ chức Hội nghị trực tuyến. Tại hội nghị này, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng yêu cầu chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố tập trung coi việc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.
Các chi nhánh NHCSXH cũng tích cực vào cuộc. Ông Trần Văn Tiên - Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP. Hồ Chí Minh cho biết, đến ngày 19/7, Chi nhánh đã hướng dẫn hồ sơ cho 8 doanh nghiệp trên địa bàn vay để trả lương cho 3.000 lao động với số tiền đề nghị vay 13 tỷ đồng. Tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc NHCSXH Hà Nội Phạm Văn Quyết, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng, đơn vị phải bố trí cán bộ trực tại cơ quan để tiếp nhận thông tin, kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng lao động về quy trình thủ tục cho vay, tạo điều kiện để họ tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, dễ dàng và thuận lợi nhất. Đến ngày 15/7/2021, NHCSXH Hà Nội đã khảo sát 372 người sử dụng lao động, với 28.961 lao động trên địa bàn Hà Nội, trong đó có 5 người sử dụng lao động có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc và 41 người sử dụng lao động có nhu cầu vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất.
Hay như mới đây nhất, hôm 21/7 Công ty TNHH Vận tải Công nghệ Mai Linh Lạng Sơn đã ký kết hợp đồng tín dụng vay vốn trả lương phục hồi sản xuất với NHCSXH tỉnh Lạng Sơn. Số tiền giải ngân là 92,6 triệu đồng, lãi suất cho vay 0%, thời hạn vay là 12 tháng và không cần tài sản đảm bảo. Tính đến ngày 21/7/2021, NHCSXH tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận hồ sơ của 17 đơn vị có nhu cầu vay vốn chương trình này. Trong đó, số lao động phải ngừng việc là 213 người, số tiền đề nghị vay vốn là 1.754 triệu đồng…
Việc cho vay trả lương ở doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh có hai dạng đặc biệt: Một là doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan chức năng để phòng chống dịch. Hai là, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đối với lĩnh vực thứ hai, các doanh nghiệp không cần có yêu cầu ngừng việc, chỉ cần có nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh và đủ điều kiện thì được phép cho vay. Chính sách cho vay này không chỉ đơn thuần hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong khó khăn trước mắt mà còn có hiệu quả lâu dài. Bởi người lao động không chỉ cần lương để duy trì cuộc sống mà từ việc hỗ trợ này họ còn có cơ hội được ở lại với công việc đã chọn. Về phía doanh nghiệp cũng vậy, ngoài giải quyết vấn đề khó khăn dòng tiền, việc trả được lương cho cán bộ, nhân viên đúng hạn sẽ giúp giữ chân lao động, nhất là nhưng người có kinh nghiệm, tay nghề vững.
Trao đổi với phóng viên, giám đốc điều hành một công ty chuyên về du lịch tâm linh cho biết: Chúng tôi đã tiết giảm mọi chi phí, cho anh em làm việc luân phiên… nhưng do dịch bệnh kéo dài nên dù rất cố gắng, công ty vẫn phải cho một số lao động nghỉ việc. Đây là tổn thất không nhỏ đối với doanh nghiệp. Bởi, lao động ở đây ngoài kỹ năng, trình độ chung, công ty còn phải mất nhiều thời gian, chi phí đào tạo, đào tạo lại nhằm đáp ứng cầu về trình độ, kỹ năng và cả văn hóa doanh nghiệp đặc thù. Ở một số bộ phận, người lao động còn phải có am hiểu nhất định về văn hóa, tâm linh. Nếu phải tiếp tục cắt giảm nhân sự không biết sau này chúng tôi có tuyển được người có kỹ năng, trình độ như vậy hay không…
Có thể thấy, gói hỗ trợ 7.500 tỷ đồng không chỉ là hỗ trợ tiền lương đối với người lao động, mà còn là cứu sinh để doanh nghiệp duy trì được nguồn lực con người quý giá trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh hiện nay.