Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Cần kịp thời đến tay dân nghèo
Tiền đã tới tay người bán vé số
Ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đáng chú ý, gói hỗ trợ lần này đã cắt giảm tối đa các thủ tục, tiêu chí thụ hưởng.
Nếu như gói hỗ trợ COVID-19 trước đây có những tiêu chí chặt chẽ, nhiều thủ tục, xem xét kỹ, thì theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), gói hỗ trợ lần này sẽ rút ngắn thời gian đến tay người dân.
Người lao động tự do gặp nhiều khó khăn trong đợt dịch lần thứ tư |
Ngay sau khi được hướng dẫn về Nghị quyết 68, nhiều địa phương đã nhanh chóng vào cuộc triển khai. Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, một số địa phương triển khai gói an sinh 26.000 tỷ đồng rất nhanh, với hàng nghìn người đã nhận được tiền hỗ trợ, như TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Cần Thơ...
Cụ thể, tính đến ngày 20/7/2021, tại tỉnh Bến Tre, 100% xã, phường, thị trấn đã chi hỗ trợ cho 7.058 người bán vé số lẻ với số tiền chi hỗ trợ là gần 5,3 tỷ đồng.
Còn tại tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 21/7/2021, tỉnh này đã thực hiện chính sách hỗ trợ Bảo hiểm xã hội, theo đó số đơn vị được giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 1.995 đơn vị; số lao động được giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 38.097 lao động với tổng số tiền được giảm mức đóng 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/6/2022) là 11,5 tỷ đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, đã có 5 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn 331,2 triệu đồng để trả lương cho 34 người lao động.
Tại Long An, tính đến ngày 21/7/2021, tỉnh Long An đã hỗ trợ trực tiếp cho 20.486 người lao động tự do với tổng kinh phí 16,7 tỷ đồng. Trong đó, đã hỗ trợ 10.362 người bán vé số lưu động với số tiền 7,8 tỷ đồng; đối với các đối tượng lao động tự do khác, đã triển khai hỗ trợ cho 10.124 người, với số tiền 8,9 tỷ đồng. Đồng thời hỗ trợ tiền ăn cho 5.325 người người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1) với số tiền 8,9 tỷ đồng…
Tại An Giang, khoảng 8.600 người bán vé số lẻ trên địa bàn tỉnh đang nhận hỗ trợ, tổng tiền 12,9 tỷ đồng, dự kiến ngày 25/7 chi xong. Các nhóm lao động khác như tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc... cũng song song triển khai hỗ trợ. Tỉnh này còn công khai đường dây nóng tiếp nhận, giải đáp các chính sách hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo các chuyên gia, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng lần này đã chia ra cụ thể 12 nhóm đối tượng với các mức hỗ trợ cụ thể, thủ tục được cắt giảm tối đa, đem lại niềm tin và sự phấn khởi của người lao động, đúng tinh thần để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Nhiều nơi vẫn còn chậm trễ
Trái ngược với nhiều địa phương nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ, cũng có nhiều địa phương cho thấy sự chậm trễ trong việc đưa hỗ trợ đến tay người lao động.
Nhiều người lao động tự do cho biết đang mong ngóng từng ngày để có thể nhận số tiền hỗ trợ quý giá, giúp họ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh.
Các ki ốt bán hàng phải đóng cửa vì đại dịch |
Ông Nguyễn Văn Hà (Ba Đình, Hà Nội) vốn làm nghề lái xe ôm truyền thống, kể khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, ông luôn trong tình trạng "chạy được cuốc nào hay cuốc đó". Thu nhập trước kia vào khoảng 300 nghìn đồng mỗi ngày đủ để ông trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ giữa Thủ đô của hai vợ chồng thì giờ đây có ngày không chạy nổi một cuốc xe. Số tiền tiết kiệm ít ỏi bao năm qua đã buộc phải lấy ra để chi tiêu tằn tiện sống qua ngày.
Nghe thông tin về gói hỗ trợ của Chính phủ, ông Hà và một số người lái xe ôm tâm sự: “Trong lúc khó khăn chung, một đồng hỗ trợ cũng quý giá, số tiền đó sẽ giúp chúng tôi bớt được phần nào gánh nặng trong lúc này”.
Kinh doanh một cửa hàng nước ép nhỏ trên đường Lê Duẩn (Đống Đa, Hà Nội), chị Hồng cho biết, kể từ khi Hà Nội xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, người dân đã hạn chế ra đường, cửa hàng của chị tuy vẫn được bán mang về nhưng tình hình không khả quan hơn là bao. Chi phí thuê mặt bằng mỗi tháng lên tới cả chục triệu đồng, trong khi doanh thu có ngày không nổi 200 nghìn đồng. Chị Hồng cũng như một số hộ kinh doanh khác kỳ vọng sẽ sớm tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo thông báo mới nhất của Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Quyết định số 3642 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, lao động tự do đủ điều kiện hỗ trợ khi cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố; bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến 31/12/2021. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/lần. Phương thức chi trả theo hình thức trực tiếp cho người lao động trên cơ sở danh sách được phê duyệt.
Ngoài nhóm lao động tự do, người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn Hà Nội được tiếp cận với nhiều chính sách hỗ trợ khác như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (thời gian áp dụng 12 tháng, từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022); tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất (thời gian từ ngày 7/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022).
Về phía hộ kinh doanh, hộ kinh doanh cần hỗ trợ có thể gửi đề nghị theo hướng dẫn đến UBND cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.
Với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, người sử dụng lao động lập danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang tham gia bảo hiểm xã hội để xác nhận.
Ngoài ra, người sử dụng lao động gửi bộ hồ sơ đề nghị vay vốn đến phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú đối với hộ kinh doanh, cá nhân để thẩm định, phê duyệt. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị vay vốn chậm nhất đến hết ngày 25/3/2022.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có công điện hỏa tốc gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị liên quan triển khai nhanh nhất các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 nằm trong gói an sinh 26.000 tỷ đồng.
Theo đó, Bộ đề nghị các địa phương triển khai chính sách hỗ trợ một cách khẩn trương nhất, bảo đảm chính sách đến người lao động, người sử dụng lao động và người dân kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng.
Các địa phương cũng cần chủ động căn cứ theo đặc thù từng nơi để xây dựng kế hoạch triển khai cho phù hợp, chủ động nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt với lao động tự do và đối tượng khác.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)