Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội cần lực đẩy từ nhiều phía
Bộ Xây dựng: 108 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng Tích cực triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng |
Tổng số căn hộ đã hoàn thành và đã cấp phép xây dựng hoặc đã có chủ trương đầu tư xây dựng là khoảng 413.000 căn. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 9 dự án với tổng số khoảng 18.768 căn, trong đó, nhà ở xã hội 6 dự án, nhà ở công nhân 3 dự án.
Với chỉ 9 dự án được khởi công trong 6 tháng đầu năm 2023, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, để đạt được mục tiêu như Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn sắp tới, cần sự chung tay, vào cuộc một cách đồng bộ của các cấp chính quyền, các hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp.
Một trong những động lực để phát triển nhà ở xã hội đó là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang được 4 NHTM nhà nước tích cực triển khai. Các địa phương đang phối hợp với ngân hàng tập trung triển khai gói hỗ trợ này, hiện nay đã có 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng. Trong đó, có 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay khoảng 24.655 tỷ đồng; và 3 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay khoảng 1.230 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83/1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn.
Từ con số trên có thể thấy kết quả giải ngân của gói tín dụng này vẫn còn khá khiêm tốn. Phân tích nguyên nhân, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho rằng do nguồn cung của nhà ở xã hội còn hạn chế, xuất phát từ việc những quy định đã ban hành khá lâu. Hiện mới có 20/63 tỉnh thành công bố danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ với tổng số 52 dự án, các tỉnh thành khác vẫn trong giai đoạn rà soát danh mục dự án. Ngoài ra, một số dự án nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn với người mua nhà, có dự án mở bán nhiều lần không có người quan tâm.
Điều đó cho thấy, vấn đề quy hoạch, vị trí dự án, môi trường sống, giá cả, chất lượng… rất quan trọng, khi người dân lựa chọn nơi an cư, lạc nghiệp là một quyết định rất lớn, vì vậy họ xem xét trên rất nhiều khía cạnh.
Cùng với đó, hiện quy định về các điều kiện người dân được hưởng chính sách nhà ở xã hội còn chưa phù hợp, cần điều chỉnh để thuận tiện hơn cho người thụ hưởng chính sách tiếp cận. Đơn cử, để vay vốn mua nhà ở xã hội, điều kiện tiên quyết là người dân được mua và có hợp đồng mua bán. Vì vậy sắp tới, cần sửa đổi các quy định cập nhật cho phù hợp với điều kiện thực tế.
“Chương trình 120.000 tỷ đồng là chương trình dài hơi, để phục vụ Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, để giải ngân cần có khối lượng thực hiện, giải ngân theo tiến độ thi công của công trình, phải có hợp đồng mua bán… Do đó, thời gian đầu chương trình có thể chưa nhanh, nhưng với sự quyết tâm của Chính phủ, bộ ngành thì tốc độ giải ngân sẽ nhanh hơn”, ông Bắc bày tỏ kỳ vọng.
Theo các chuyên gia, điểm nghẽn khi triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không nằm ở phía ngân hàng mà do nguồn cung nhà hạn hẹp, nhà đầu tư gặp khó khăn phần lớn là do pháp lý.
Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng Ban quản lý dự án thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết hiện nay, thủ tục đầu tư về xây dựng nhà ở xã hội theo quy định pháp luật đang có nhiều vướng mắc. Cụ thể, tuy không phải đóng tiền quyền sử dụng đất nhưng nhà đầu tư vẫn phải lập thủ tục để làm tất cả các khâu liên quan đến đánh giá, với tiến độ rất dài từ 6 tháng thậm chí đến 1 năm.
Hay đơn cử như ở vấn đề mặt bằng, có một số địa phương có nhu cầu về nhà ở xã hội nhưng công tác giải phóng mặt bằng hiện nay đang còn chậm, do nguồn của các địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng vẫn còn hạn chế, dẫn đến dự án đầu tư bị chậm triển khai.
Ngoài ra, hiện nay các khu quy hoạch nhà ở xã hội đại đa số chỉ có quy hoạch chung, phân khu chỉ có 5 tầng. Trong khi các nhà đầu tư đều phải xây cao tầng mới đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nhưng chủ đầu tư muốn nâng tầng lại phải xin phép, thủ tục điều chỉnh kế hoạch cũng không đơn giản, dẫn đến mất rất nhiều thời gian.
Với kinh nghiệm từ địa phương, ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh, cho rằng vấn đề về giá nhà, thu nhập cũng là một trong những lý do khiến nhà ở xã hội chưa thực sự phát triển. Ngoài ra, cần xem xét đến điều kiện thu nhập của công nhân.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng nếu muốn phát triển nhà ở xã hội thì phải có cơ chế đặc biệt.
“Đừng coi những ưu đãi đối với dự án nhà ở xã hội như một loại xin - cho, cho cơ chế này cơ chế kia, nên phải kiểm duyệt chặt. Tư duy này phải thay đổi mới thúc đẩy được”, ông Đính lưu ý.