Đầu tư nước ngoài sẽ phục hồi rõ nét hơn
Cần sàng lọc kỹ hơn dự án FDI | |
Phát triển hạ tầng để thu hút đầu tư | |
Đầu tư hạ tầng dẫn dắt FDI vốn lớn |
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2022 đã “chốt sổ” với nhiều chỉ tiêu không mấy tích cực, do ảnh hưởng bởi những bất định gia tăng liên quan đến viễn cảnh kinh tế toàn cầu và điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt để chống lạm phát ở các nền kinh tế phát triển. Có thể thấy thu hút vốn nước ngoài là một trong những động cơ khó khăn nhất trong cỗ xe kinh tế.
Giảm theo xu hướng toàn cầu
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tính đến ngày 20/12/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới tuy tăng 17,1% về số dự án, song lại giảm 18,4% về giá trị. Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm 25,2%. Điểm sáng của FDI trong năm vừa qua là vốn đăng ký điều chỉnh đạt gần 10,12 tỷ USD tăng 12,4%; và vốn giải ngân đạt gần 22,4 tỷ USD tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Cần chiến lược thu hút các dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn |
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, nếu không tính hai dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong 11 tháng năm ngoái (Dự án Điện LNG Long An I và II, vốn đầu tư 3,1 tỷ USD và Dự án Nhiệt điện Ô Môn II, vốn đầu tư 1,3 tỷ USD) thì vốn đăng ký mới trong 11 tháng năm 2022 vẫn tăng 19,3% so với cùng kỳ. Thời gian qua, các dự án FDI đăng ký mới có quy mô lớn đều thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng, có thời gian đàm phán tối thiểu là 5 năm trước đó. Thực tế này dẫn đến việc vốn FDI trong một năm có thể lập tức tăng cao nếu có dự án lớn chính thức đăng ký, song tới năm tiếp theo lại giảm mạnh vì không có dự án lớn. Vì vậy có thể nói sự trồi sụt của số liệu phản ánh không đầy đủ về xu hướng thực tế của FDI.
Những khó khăn trong thu hút FDI năm 2022 cũng đã được dự báo từ trước. Bộ KH-ĐT đánh giá, tình hình kinh tế - chính trị thế giới biến động rất nhanh, khó lường, phức tạp, nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt quá khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các nước, ảnh hưởng tiêu cực tới việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Việc thu hút FDI cũng chịu ảnh hưởng do vốn FDI toàn cầu 2022 có xu hướng giảm hoặc không tăng so với năm 2021.
Bên cạnh đó, để kiềm chế lạm phát gia tăng, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất làm giá trị đồng USD và các đồng tiền một số quốc gia lớn tăng giá mạnh. Động thái đó khiến dòng vốn đầu tư trong ngắn hạn có xu hướng dịch chuyển, rút về các quốc gia lớn và thu hẹp đầu tư. Trong khi vốn cấp mới, vốn đăng ký mới của năm nay sẽ là vốn giải ngân của các năm sau. Vì vậy Bộ KH-ĐT đánh giá, khi vốn đăng ký mới sụt giảm, sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động đến các cân đối vĩ mô khác.
Tuy nhiên khi đánh giá về triển vọng thu hút FDI trong năm 2023, các chuyên gia cho rằng đây sẽ là năm mà dòng vốn đăng ký mới phục hồi rõ rệt hơn. Bởi lẽ về trung và dài hạn, cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp sẽ không chịu nhiều tác động từ suy thoái kinh tế thế giới do Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn đầu tư nhờ nền tảng chính trị ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao (6-6,5%) năm 2023, quy mô thị trường nội địa khá lớn (gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh). Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV dự báo, năm 2023 vốn FDI đăng ký mới tăng khoảng 0-5%, vốn thực hiện tăng từ 5-10% so với cùng kỳ năm trước.
Cải thiện chất lượng thay vì chạy theo số lượng
Mặc dù thu hút vốn ngoại đã đi qua một năm không mấy thuận lợi khi thiếu vắng dự án quy mô tỷ USD, song theo các chuyên gia, nếu nhìn ở góc độ tích cực thì đây lại là cơ hội để Việt Nam tiến hành sàng lọc và lựa chọn dòng vốn thực sự chất lượng. Sự giảm tốc của vốn đăng ký mới song lại tăng tốc ở vốn giải ngân đã thể hiện FDI đi vào thực chất hơn. Bởi trong giai đoạn 1988-2020, vốn FDI thực hiện chỉ bằng khoảng 47% vốn đăng ký, cho thấy một nửa số vốn đăng ký trong giai đoạn này vẫn chưa đi vào nền kinh tế thực mà chỉ nằm trên số liệu thống kê. Trong khi tính riêng trong năm nay, vốn giải ngân có thể bằng 70-80% vốn đăng ký. Bên cạnh đó, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng cần được cân đối để tạo dư địa phối hợp và phát triển với vốn trong nước. Các chuyên gia khuyến nghị, trong điều kiện đầu tư trong nước đã phát triển thì vốn FDI chỉ nên chiếm 22-25% tổng vốn đầu tư xã hội.
GS-TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, thay vì quá lo ngại trước sự giảm tốc của vốn đăng ký mới, cần tập trung vào việc xây dựng bộ công cụ để sàng lọc vốn FDI vào Việt Nam. Ông Mại lưu ý, năm 2017 khi kỷ niệm 30 năm FDI chính thức vào Việt Nam, vấn đề thiết kế công cụ sàng lọc đối với các dự án có vốn nước ngoài đã được đặt ra. Tuy nhiên tới nay đã qua 5 năm, bộ công cụ vẫn chưa được hình thành.
Qua thời gian, khu vực FDI đã chứng minh là động lực tăng trưởng ổn định, góp phần mở rộng quy mô nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề mặt trái, chưa theo đúng kỳ vọng mà Việt Nam đặt ra trong thu hút vốn FDI. Đó là việc vốn đầu tư từ các nước phát triển có nền công nghiệp tiên tiến như Hoa Kỳ, châu Âu… vẫn còn quá ít. Công tác quản lý FDI chưa chặt chẽ dẫn đến hình thức liên doanh quá ít trong khi hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm áp đảo, vì vậy không tạo được ràng buộc liên kết, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề khác là cơ cấu đầu tư chưa hợp lý khiến một số ngành công nghiệp quan trọng mà Việt Nam kỳ vọng dựa vào FDI để lớn lên, thì tới nay gần như thất bại. Cùng với đó là các vấn đề chưa hết tính thời sự như chuyển giá, ô nhiễm môi trường…
Bối cảnh mới đòi hỏi những chiến lược mới trong lựa chọn dự án FDI. Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng trên thế giới, các ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường ngày càng được quan tâm. Việt Nam tham gia sâu rộng vào các FTA, trong đó có những FTA thế hệ mới đòi hỏi cao hơn về đầu tư, thể hiện ở 3 nhóm vấn đề: sự công khai, minh bạch và dễ dự báo của hệ thống pháp luật và sự thay đổi của pháp luật; các tiêu chuẩn về lao động và quyền của người lao động; phòng chống tham nhũng.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhấn mạnh về vai trò và sự cấp thiết phải xây dựng bộ công cụ sàng lọc dự án FDI. Việc phân cấp toàn diện cho chính quyền địa phương được cấp phép và quản lý các dự án FDI trên địa bàn đã phát huy tính sáng tạo của nhiều địa phương trong thu hút FDI. Tuy nhiên do phân cấp đại trà, dàn trải, chưa tính đến đầy đủ các đặc thù của địa phương, nên đã dẫn đến tình trạng địa phương cạnh tranh thu hút FDI bằng mọi giá, mời gọi đầu tư bằng việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư không đúng thẩm quyền, vượt quy định, nhiều dự án làm phá vỡ quy hoạch, thậm chí cấp phép rồi không triển khai được và phải thu hồi giấy phép… Ông Tuấn kỳ vọng, việc xây dựng bộ công cụ sàng lọc sẽ từng bước khắc phục những hạn chế của hoạt động thẩm định dự án FDI hiện tại, đồng thời “nắn” dòng vốn phù hợp với định hướng thu hút FDI trong giai đoạn mới của Việt Nam hướng nhiều hơn vào chất, thay vì chạy theo số lượng.