Hoàn thiện thể chế để hút vốn FDI chất lượng cao
Thời điểm vàng cho đầu tư cơ sở hạ tầng | |
Cần sàng lọc kỹ hơn dự án FDI | |
FDI - nguồn vốn đáng tin cậy cho doanh nghiệp bất động sản |
Tháng 12/2022 đánh dấu mốc thời gian tròn 35 năm Việt Nam chính thức luật hóa hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài bằng việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài. Đạo luật này đã tạo cơ sở pháp lý cơ bản, đầu tiên cho hoạt động thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế về đầu tư, cũng như tôn trọng độc lập, chủ quyền, tuân thủ pháp luật Việt Nam, bình đẳng và các bên cùng có lợi. Trong suốt 35 năm qua, các quy định pháp luật có liên quan luôn có sự điều chỉnh cho phù hợp với định hướng của từng thời kỳ.
Kết quả tốt nhưng vẫn còn băn khoăn…
Liên tục trong ba năm 2020-2022, thế giới chứng kiến những biến động phức tạp và khó lường, từ sự bùng phát của đại dịch Covid-19, đến cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine; đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài trên diện rộng; giá năng lượng, lương thực và nhiều nguyên liệu đầu vào tăng cao đã dẫn đến tình trạng lạm phát cao kỷ lục tại nhiều quốc gia. Hệ quả là các nước phải đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nhanh chóng chính sách tiền tệ và tài khóa để kiểm soát lạm phát, tạo ra sự biến động lớn trên thị trường tài chính thế giới. Dòng vốn đầu tư có xu hướng tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn khiến thu hút vốn FDI trên toàn cầu sụt giảm trên diện rộng. Đặt trong bối cảnh đó, có thể nói kết quả thu hút FDI mà Việt Nam đạt được trong 3 năm trở lại đây là rất đáng khích lệ.
Nhiều dự án FDI tại Việt Nam thâm dụng lao động rất lớn |
Năm 2020 dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 28,5 tỷ USD giảm 25% so năm trước, FDI thực hiện đạt xấp xỉ 20 tỷ USD, giảm gần 2% so năm 2019. Tuy vậy Việt Nam vẫn được xếp trong top 20 nước tiếp nhận FDI nhiều nhất toàn cầu, vượt 5 bậc so với năm trước. Năm 2021, FDI đăng ký phục hồi và tăng 9,2% so với năm trước, song vốn FDI thực hiện giảm nhẹ. Trong 11 tháng năm 2022 tuy vốn FDI đăng ký chỉ bằng 95% so cùng kỳ năm 2021, nhưng trong đó chỉ có vốn đăng ký mới chưa phục hồi hoàn toàn do còn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và biến động địa chính trị tại châu Âu; trong khi vốn điều chỉnh tăng thêm của các doanh nghiệp đang hiện diện tại Việt Nam đã tăng 18,9%, vốn giải ngân ước cũng tăng 15,1% so với 2021.
Với kết quả nêu trên có thể khẳng định, các mục tiêu về vốn đặt ra cho khu vực FDI trong giai đoạn 2021-2025 đều đã thực hiện được. Riêng trong năm 2022, tính đến ngày 20/12, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỷ USD, tuy giảm 11% so với năm 2021, song vốn thực hiện ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước.
Tính lũy kế đến ngày 20/12/2022, cả nước có 36.278 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên gần 438,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 274 tỷ USD, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Thành quả có được là nhờ việc hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài đã được đẩy mạnh ngay từ năm 2020 với hàng loạt các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến đầu tư nước ngoài.
Tuy vậy việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong thời gian qua cũng mới chỉ giải quyết được một phần nhỏ các tồn tại của FDI tại Việt Nam. Nhiều vấn đề tuy đã được chỉ ra từ nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Vấn đề đầu tiên là số lượng các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ nguồn từ các nước châu Âu, Mỹ... còn thấp (chỉ đạt khoảng 5%), mà chủ yếu là công nhệ trung bình, trong đó tỷ lệ lớn xuất xứ từ Trung Quốc (30-40%); vẫn còn công nghệ lạc hậu (15%) dẫn đến những thách thức về ô nhiễm môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên.
Cùng với đó, các dự án có quy mô nhỏ là chủ yếu. Tính đến hết năm 2021, chỉ có 30 dự án FDI có quy mô vốn từ 1 tỷ USD trở lên. Do vậy chưa đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong quá trình chuyển sang định hướng đổi mới, khoa học, sáng tạo - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp nhận giá trị Cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng nền kinh tế số. Chúng ta cũng chưa thu hút được các dự án công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Block-chain)…
Sớm hoàn thiện bộ tiêu chí sàng lọc FDI
Nhìn lại chặng đường 35 năm qua, có thể nói Việt Nam đã rất thành công trong thu hút và sử dụng FDI. Tuy vậy, bên cạnh thành công vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần được khắc phục liên quan chủ yếu đến chất lượng của các dự án FDI. Thực tế đó cho thấy, nâng cao chất lượng dự án FDI vào Việt Nam trong giai đoạn tới là đòi hỏi khách quan và cần được triển khai ngay bằng việc tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị, (NQ50) với các mục tiêu tổng quát đã được xác định gồm hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại...
Về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài cũng đã chỉ rõ các yếu tố chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là các tiêu chí đánh giá chủ yếu. Các tiêu chí chọn lọc dự án phải đảm bảo nguyên tắc thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng cao, có tác động lan tỏa tới khu vực kinh tế trong nước, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu làm gia tăng giá trị đóng góp của Việt Nam trong chuỗi sản xuất - cung ứng đó. Các tiêu chí phải rõ ràng, cụ thể, phù hợp với năng lực nội tại của nền kinh tế và điều kiện cụ thể của từng địa phương, bảo đảm tính thống nhất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Trước đòi hỏi từ thực tế, cần tập trung vào xây dựng ngay 4 nhóm tiêu chí.
Thứ nhất, tiêu chí về công nghệ và chuyển giao công nghệ nhằm thực hiện định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng cao, trên cơ sở áp dụng Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg ngày 16/3/2021 quy định tiêu chí xác định công nghệ cao; Thông tư số 04/2020/TT-BKHCN ngày 28/9/2020 về việc xác định tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao… Tiêu chí chuyển giao công nghệ cần được đặt lên hàng đầu để hướng đến các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao từ các tập đoàn xuyên quốc gia.
Thứ hai, tiêu chí về môi trường nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Chúng ta đã xác định không thu hút FDI bằng mọi giá, nên cần nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới.
Thứ ba, tiêu chí về suất đầu tư trên một diện tích đất, nhằm góp phần loại bỏ ngay từ đầu các dự án có quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp nhưng sử dụng diện tích đất lớn gây lãng phí nguồn lực đất đai hiện đã trở nên khan hiếm, nhất là tại các thành phố lớn, trung tâm kinh tế của cả nước và tại cả các trung tâm kinh tế của các địa phương.
Thứ tư, tiêu chí về an ninh quốc phòng, nhằm loại bỏ ngay từ đầu những dự án có nguy cơ xâm hại đến an ninh kinh tế, trật tự xã hội, đến quốc phòng bằng các tiêu chí rõ ràng về lĩnh vực, ngành nghề không khuyến khích đầu tư, vùng và địa bàn không xem xét, tiếp nhận đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra còn cần xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến lao động nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động trong các doanh nghiệp FDI, cũng như tiêu chuẩn và số lượng lao động là người nước ngoài vào Việt Nam tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam; xây dựng các tiêu chí nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thông qua hợp tác đầu tư nước ngoài.