Hàng quán Hà Nội ế ẩm thời “bán mang về”
Quán xá đìu hiu
Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch lần thứ tư, từ 12 giờ ngày 25/5, Hà Nội đã cho tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
Theo khảo sát, các cửa hàng, quán xá kinh doanh dịch vụ ăn uống đều nghiêm chỉnh chấp hành quy định trên, đồng loạt treo biển chỉ bán mang về. Tuy nhiên, cũng có nhiều cửa hàng đã đóng cửa hẳn. Theo chia sẻ của các chủ tiệm, dù được bán mang về nhưng đồ ăn nóng mang đi giao cho khách đến nơi thì đã nguội, thêm vào đó phải chuẩn bị hộp đựng, đũa, túi… rất lách cách, khách hàng cũng ngại ra tận nơi mua nên đành đóng cửa chờ dịch qua đi, được phép hoạt động bình thường trở lại.
Hàng quán vắng bóng khách thời “bán mang về” |
Đa phần các cửa hàng đều cố trụ lại để kiếm thêm thu nhập trang trải tiền phí mặt bằng, nhân công… tuy nhiên cũng gặp muôn vàn khó khăn.
Giữa cái nóng 40 độ, trên con phố Phủ Doãn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vắng bóng người đi lại. Trong các cửa hàng bún chả, phở vốn vẫn tấp nập khách ra vào mỗi buổi trưa nay chỉ còn người chủ quán và một vài nhân viên, bảo vệ ngồi đợi dài cùng với chiếc quạt treo tường phe phẩy và những bộ bàn ghế trống không.
Bà Nguyễn Thị Bích, chủ một quán phở trên phố Phủ Doãn cho biết, thời điểm dịch chưa trở lại, cửa hàng của bà luôn tấp nập khách vào ăn, nhân viên tất bật chuẩn bị trong bếp từ 5 giờ sáng đến tận 11 giờ trưa để đủ hàng bán. Thế nhưng đã nhiều ngày nay kể từ khi treo biển chỉ bán mang về, số người ghé quán mua mang đi rất ít, thỉnh thoảng mới có người đang điều trị ở bệnh viện Việt Đức gần đó ra mua suất phở, có những hôm quán của bà Bích chỉ bán được 5 bát mang về. Lượng khách giảm nghiêm trọng, quán phải cho nhân viên nghỉ gần hết.
Không chỉ quán của bà Bích, những quán phở xung quanh cũng lâm vào cảnh đìu hiu, vắng bóng khách qua lại. Anh Nguyễn Anh Đức, chủ một hàng ăn trên phố Phủ Doãn cho biết: “Vì trong thời điểm dịch Covid-19 phức tạp, nhiều người có tâm lý chi tiêu tiết kiệm nên họ hạn chế ăn ngoài. Cũng vì vậy nên không còn nhiều khách lui tới hàng ăn của chúng tôi mua mang về”. Quán của anh Đức trước kia có những ngày bán được 100 bát phở, thu về cả triệu đồng, nhưng nay chỉ được 200.000 - 300.000 nghìn/ngày. Nhưng vì quán đã lâu đời và không mất tiền thuê mặt bằng hàng tháng nên anh Đức vẫn cố tìm cách bám trụ lại.
Cảnh tượng vắng vẻ cũng xuất hiện ở những quán ăn được nhiều người biết đến như phở Nguyệt, bún chả Hàng Mành, bún chả Cầu Gỗ… Bà Vũ Thị Hoa, chủ quán bún chả tại Cầu Gỗ chia sẻ: “Mấy ngày nay, chúng tôi đã đóng cửa từ 9 giờ tối rồi, như thời điểm trước dịch, đến 11 giờ cũng không hết khách, chúng tôi còn phải mở muộn đến gần 1 giờ sáng vì nhiều khách đến Hà Nội du lịch, họ đi ăn đêm. Có một số nhóm bạn trẻ vẫn đi thưởng thức ẩm thực Hà Nội theo đoàn tầm 7-8 người. Nay chỉ bán mang về nên khách lui tới mua không nhiều”.
Gánh nặng của bà Hoa hiện nay chính là tiền thuê nhà đều đặn mỗi tháng 15 triệu đồng, đóng 6 tháng một lần nên cũng là một con số không hề nhỏ. “Tôi cũng đang cố gắng cầm cự bằng vốn của gia đình, mong là đến đầu tháng 7, mọi thứ sẽ ổn định lại, chúng tôi có thể kiếm đủ tiền thuê nhà thôi cũng được”.
Khi được hỏi vì sao không chuyển sang kênh bán hàng online qua các ứng dụng, chủ một số cửa hàng cho biết, do chưa tiếp cận từ sớm nên dù đã thử quảng cáo bán hàng online nhưng số đơn đặt cũng rất ít hoặc không có. Mặt khác, các chủ quán này vốn quen thuộc với việc kinh doanh truyền thống hàng chục năm nay nên không thể ngay lập tức bắt nhịp với các phương thức kinh doanh mới.
Một số cửa hàng ăn sáng hay cà phê cho biết cũng không thể bán online, vì khách đến ăn sáng vốn đã thành thói quen, nay chỉ được mua mang về nên nhiều người lựa chọn ăn ở nhà sẽ nhanh chóng và tiện hơn nhiều.
Bán hàng online bội thu
Nằm trong ngõ Lan Bá, phố Khâm Thiên, tiệm bán hàng của chị Nguyễn Bích Ngọc nằm vỏn vẹn trong chừng 15m2. Từ thời điểm dịch đến giờ, chưa ngày nào chị được ở nhà vì liên tục phải chuẩn bị đồ ăn ship đến các nơi. Sản phẩm của cửa hàng đa phần là các món ăn đi kèm với lẩu, có thể đóng gói đông lạnh chuyển đi dễ dàng nên việc buôn bán cũng thuận lợi. Mỗi ngày cửa hàng của chị có khoảng vài chục đơn giao, trừ chi phí đi vẫn có nguồn thu nhập ổn định.
Chị Ngọc chia sẻ: “Tôi bán hàng này đã được hai năm, tự mình xây dựng hình ảnh cửa hàng qua các kênh bán hàng như Shopee, Facebook… Thời điểm đầu, cửa hàng chưa được nhiều người biết đến cũng vắng khách, nhưng dần dần khách quen giới thiệu nhau nên lượng khách đến giờ đã khá ổn định, lượng đơn vẫn tăng đều, chính vì vậy tôi cũng không gặp quá nhiều khó khăn trong đợt dịch”.
Không chỉ chị Ngọc, shop đồ ăn online của chị Nguyễn Nguyệt Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng vẫn đang hoạt động tốt. Chị Nguyệt Anh trước đây từng là một nhân viên lễ tân ở trung tâm tiếng Anh, đã hơn 1 năm nay chị nghỉ việc và chuyển sang bán hàng online. Tiếp thị sản phẩm qua các mạng xã hội đã trở thành xu thế chung, hiểu được điều đó, chị đã tích cực quảng bá và xây dựng hình ảnh của shop. “Nhờ tập trung bán hàng qua mạng xã hội, gia đình chúng tôi cũng có nguồn thu để sống sót qua được mùa dịch, chi trả các dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống”.
Có thể thấy, đại dịch Covid-19 xảy ra đã kéo theo hàng loạt sự thay đổi trong đời sống và kể cả phương thức kinh doanh. Bán hàng online đã và đang bùng nổ và trở thành một xu hướng mới đòi hỏi những người kinh doanh truyền thống cần nhanh chóng bắt kịp.