Hiện thực hoá eKYC: Phải sớm có hành lang pháp lý
e-KYC – Nền tảng thiết yếu để NCB phát triển ngân hàng số | |
TPBank tiên phong phát triển toàn diện eKYC trên di động | |
HDBank triển khai giải pháp định danh khách hàng trực tuyến eKYC |
Theo khảo sát sơ bộ từ Vụ Thanh toán (NHNN), ở Việt Nam hiện nay có 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số; trong đó 59% ngân hàng đang triển khai chuyển đổi số. Thị trường ngày càng đón nhận nhiều hơn những dịch vụ số của các ngân hàng, nhất là triển khai eKYC (định danh khách hàng điện tử).
Đây được cho là động thái đón đầu khi NHNN đang nghiên cứu sửa đổi bổ sung Thông tư 23/2014/TT-NHNN quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó có nội dung hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử không cần gặp mặt trực tiếp. Qua đó cho phép số hóa 100% nghiệp vụ thanh toán của ngân hàng, tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng dịch vụ ngân hàng qua kênh số, thiết bị di động của người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phục vụ mục tiêu Chiến lược Tài chính toàn diện Quốc gia.
Ngân hàng không ngừng nâng cao tính an toàn, bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử |
Từ đầu tháng 8/2020, HDBank đã triển khai xác thực định danh khách hàng trực tuyến trên ứng dụng Mobile Banking của nhà băng này. Giải pháp xác thực định danh khách hàng trực tuyến được xây dựng trên nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), sinh trắc học toàn diện (Biometrics) với các tính năng như nhận diện khuôn mặt, hình ảnh, ký tự quang học - OCR và nhận biết các dấu hiệu giả mạo giấy tờ tuỳ thân. TPBank là ngân hàng tiên phong ứng dụng eKYC tại Việt Nam từ năm 2016 khi triển khai thành công trên toàn hệ thống LiveBank và cũng là ngân hàng đầu tiên thông báo hoàn thiện toàn bộ quy trình eKYC trên app.
VPBank cũng áp dụng giải pháp eKYC cho phép định danh khách hàng 100% online dựa vào các thông tin sinh trắc học mà không cần gặp mặt trực tiếp như quy trình hiện tại. Nhà băng này đã xây dựng một nền tảng công nghệ sinh trắc học toàn diện, kết hợp với công nghệ AI và chữ ký điện tử (eSignature). MB cũng đã cho triển khai eKYC trên nền tảng AI và Blockchain. Khách hàng cũng có thể đăng ký sử dụng ngân hàng di động MyVIB của VIB chỉ trong một phút nhờ công nghệ định danh điện tử tiên tiến.
Hiện thực hoá eKYC sẽ là một bước tiến dài và viên gạch mở đầu vô cùng quan trọng trong cả tiến trình số hoá của mỗi ngân hàng. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, để cung cấp được dịch vụ này rộng rãi, đòi hỏi Chính phủ, NHNN và các NHTM phải nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản dưới luật kết hợp với lộ trình tích hợp xác thực khách hàng qua các kênh điện tử.
Thêm nữa, theo vị này, thì với đặc thù là giao dịch điện tử, khách hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ ngân hàng số không trực tiếp gặp mặt để thực hiện dịch vụ, nên việc đảm bảo an toàn, bảo mật cho giao dịch cần được ưu tiên như là điều kiện tiên quyết để tạo niềm tin cho khách hàng. Do đó, phải đặc biệt lưu ý khung chính sách về an toàn, bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền, khách hàng.
Từ kinh nghiệm tại một số quốc gia trong khu vực châu Á thì việc kết nối được dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước như công an, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… sẽ là mắt xích trọng yếu để triển khai được eKYC. Trường hợp của Singapore là một ví dụ, để giảm thiểu việc cung cấp các thông tin cá nhân, Chính phủ Singapore đã xây dựng và hoàn thiện nền tảng dữ liệu số hoá cá nhân MyInfo. Với nền tảng này, các công dân chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân một lần duy nhất cho Chính phủ thay vì phải lặp lại việc này trong mỗi giao dịch điện tử. MyInfo trích xuất thông tin từ cơ quan nhà nước liên quan để tạo ra hồ sơ cơ bản của công dân chỉ trong 1 ngày. Các công dân có thể sử dụng hồ sở trên MyInfo để điền vào các mẫu biểu trong các giao dịch khác nhau như giao dịch ngân hàng.
“Có được sự kết nối cơ sở dữ liệu dân cư sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng hồ sơ doanh nghiệp và cá nhân thống nhất, giúp đơn giản hoá các thủ tục thực hiện giao dịch ngân hàng và cung cấp thêm các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng, phòng chống rửa tiền. Một tin mừng là ngày 17/8 vừa qua, Bộ Công an đã ra mắt Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, đây là trung tâm của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong toàn quốc. Việc vận hành và triển khai cơ chế chia sẻ dữ liệu sẽ mở cửa cho triển khai eKYC của ngân hàng thuận tiện hơn”, chuyên gia chia sẻ.
Theo Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, việc nghiên cứu mở rộng hành lang pháp lý sẽ cho phép sử dụng công nghệ nhận diện sinh trắc học, chữ ký điện tử, cuộc gọi video trực tuyến để thực hiện định danh khách hàng trên các kênh giao dịch có thể đảm bảo hiệu quả như gặp mặt trực tiếp, thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Nghiên cứu mở rộng hành lang pháp lý cho phép các ngân hàng chia sẻ thông tin nhận dạng của khách hàng với sự cho phép của khách hàng, thông qua công nghệ chuỗi khối hoặc kết nối cơ sở dữ liệu.