Tín dụng chính sách: Sức mạnh từ lòng dân đến phát triển bền vững (Bài 3)
Bài 3: Nền tảng phát triển bền vững và tiến bước tương lai
Bệ phóng cho nông nghiệp địa phương
Hiện nay, tín dụng chính sách đã thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở nhiều địa phương. Chẳng hạn, gia đình ông Lưu Hoàng Bi tại ấp 5, xã Khánh Lâm, huyện U Minh đã chuyển mình mạnh mẽ nhờ khoản vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Khoản vay này đã giúp ông cải thiện mô hình sản xuất, thay thế cánh đồng lúa kém hiệu quả bằng ruộng bồn bồn xanh mướt, kết hợp nuôi cá lóc theo phương pháp khép kín.
Ông Bi chia sẻ: “Mô hình này không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn giúp tôi tiếp cận các phương pháp canh tác hiện đại, góp phần bảo vệ đất và nguồn nước”. Những thay đổi này không chỉ nâng cao đời sống gia đình ông Bi mà còn tạo ra tác động tích cực cho cộng đồng nông thôn xung quanh.
Tương tự, chị Cao Thị Bạch, chủ hộ kinh doanh Út Bạch ở xã Tân Thành, Tp. Cà Mau, đã thành công trong việc sản xuất tôm khô ép và khô thịt heo, hai sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2022. Với khoản vay 70 triệu đồng từ NHCSXH, chị không chỉ mở rộng sản xuất mà còn góp phần vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Sản phẩm của chị được sản xuất thủ công, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và mang lại việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương với mức thu nhập 120.000 - 150.000 đồng/ngày. Chị cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nhờ khoản vay ưu đãi, chị Út Bạch đã mở rộng quy mô sản xuất, đưa sản phẩm truyền thống của mình ra thị trường quốc tế, đồng thời tạo thu nhập cho phụ nữ địa phương |
Cùng với chị Út Bạch, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong HTX cũng đang từng bước vươn lên từ nguồn vốn ưu đãi này. Với sự hỗ trợ từ các chương trình tín dụng chính sách, các HTX đã đầu tư vào hệ thống tưới tiêu hiện đại, nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Ông Đoàn Phi Long, Giám đốc HTX Dịch vụ rau an toàn Phi Long, khóm 7, huyện Trần Văn Thời chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn ưu đãi, chúng tôi đã phát triển quy trình sản xuất nông nghiệp sạch và ký hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp lớn. Từ đó không chỉ cải thiện thu nhập cho thành viên HTX mà còn bảo vệ môi trường”.
Không chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn, tín dụng chính sách còn tạo ra tác động dài hạn, góp phần phát triển bền vững. Một xu hướng nổi bật là tín dụng xanh, hỗ trợ các dự án bảo vệ môi trường. Nhiều tổ hợp tác (THT) và HTX cũng đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn để cải thiện đời sống và tạo việc làm cho cộng đồng. Nổi bật như: THT đan hàng thủ công mỹ nghệ bằng năng lượng tại ấp Nhà Máy B, xã Tân Phú, huyện Thới Bình đã vay 70 triệu đồng và đạt được thành công đáng kể. Trung bình mỗi tháng, THT này tạo ra doanh thu từ 20 đến 30 triệu đồng, đồng thời cung cấp việc làm ổn định cho hơn 250 phụ nữ trong cộng đồng, với thu nhập mỗi người từ 2,5 đến 3 triệu đồng trở lên. Tương tự, THT đan gập cua tại ấp Nhà Dài, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi đã nhận khoản vay 100 triệu đồng và mang lại thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 30 triệu đồng. Mô hình này đã tạo điều kiện cho 25 phụ nữ nhàn rỗi tại địa phương có được công việc ổn định, với mức thu nhập từ 3 triệu đồng trở lên mỗi tháng.
Những mô hình này không chỉ cho thấy khả năng sử dụng vốn hiệu quả mà còn góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống cho các thành viên trong cộng đồng, tạo ra những giá trị bền vững cho xã hội.
Mô hình khép kín kết hợp trồng bồn bồn và nuôi cá lóc của ông Bi |
Nâng cao hiệu quả và hướng đến tín dụng xanh
Thời gian gần đây, tín dụng xanh ngày càng được chú trọng trong các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt là các dự án liên quan đến nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Tín dụng chính sách không chỉ hỗ trợ các hộ dân phát triển mô hình canh tác bền vững mà còn khuyến khích áp dụng các biện pháp hạn chế hóa chất độc hại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, và bảo vệ nguồn nước, đất đai. Tuy nhiên, để tín dụng xanh thực sự tạo ra tác động mạnh mẽ và lan tỏa, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, ngân hàng và doanh nghiệp.
Việc xây dựng một hệ sinh thái tín dụng xanh toàn diện sẽ không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, tín dụng chính sách đang trở thành lực đẩy cho các chương trình khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực có tiềm năng lớn trong bối cảnh Việt Nam hướng tới phát triển kinh tế xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Thanh Đồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Cà Mau cho biết: “Tín dụng chính sách không chỉ giúp các hộ gia đình thoát nghèo mà còn tạo nền tảng cho các mô hình kinh tế bền vững. Chúng tôi luôn chú trọng hỗ trợ các dự án sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường, giúp người dân tiếp cận công nghệ mới và phương thức kinh tế tuần hoàn”.
Để tín dụng CSXH trở thành một công cụ đòn bẩy mạnh mẽ, việc nâng cao hiệu quả và mở rộng phạm vi hỗ trợ là điều thiết yếu. Ông Vưu Tuấn Anh, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện U Minh, khẳng định rằng quy trình hiện tại đã mang lại nhiều tiện ích. Ông cho hay: “Chúng tôi đã thực hiện các thủ tục vay vốn đơn giản và linh hoạt hơn, đồng thời tăng cường sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý địa phương, nhằm đảm bảo người dân hiểu rõ quy trình và có thể khai thác tối đa lợi ích từ các chương trình tín dụng này”.
Người dân giao dịch với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thới Bình tại xã Hồ Thị Kỷ |
Các chương trình tín dụng chính sách đã tạo ra những tác động tích cực và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt tại huyện Đầm Dơi. Mô hình nuôi tôm dưới tán rừng đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ từ các chính sách tín dụng xã hội. Giải pháp này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế bền vững mà còn đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển. Ông Huỳnh Tương Lai, một hộ dân ở ấp Thuận Tạo, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng chính sách, gia đình tôi đã mở rộng mô hình nuôi tôm dưới tán rừng, tuân thủ nghiêm ngặt quy định giữ 60% diện tích rừng. Chính sách này không chỉ đảm bảo việc khai thác và tái tạo rừng sau mỗi chu kỳ mà còn bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành thủy sản.”
Ông Lai cho rằng: “Nguồn vốn tín dụng không chỉ tạo điều kiện cho gia đình tôi mà còn làm thay đổi nhận thức và phương pháp canh tác của nhiều hộ dân trong khu vực. Mô hình nuôi tôm dưới tán rừng không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn bảo vệ tài nguyên rừng và thúc đẩy nền kinh tế xanh, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước”. Những cải tiến và mở rộng này sẽ không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn mở ra cơ hội cho các mô hình kinh tế mới, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng.
Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc huy động và quản lý hiệu quả các nguồn lực trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội. “Chúng tôi đang nỗ lực bố trí và huy động mọi nguồn lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030. Một trong những mục tiêu quan trọng là đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu đều được tiếp cận các dịch vụ của NHCSXH”, ông Thuận nhấn mạnh.
Vì vậy, việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động tại các địa phương là cần thiết thông qua cải tiến mô hình tổ chức và quản lý tín dụng chính sách. Sự phối hợp giữa NHCSXH với các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ là yếu tố quyết định trong việc giám sát và điều hành quá trình huy động vốn, đảm bảo cho người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, đồng thời tạo điều kiện để họ có thể phát triển bền vững trong tương lai.